Bài toán về tăng trưởng khi sáp nhập TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu
(Dân trí) - Việc sáp nhập TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ mở ra những cơ hội phát triển mới. Song song với đó là những vấn đề cần tìm giải pháp về tăng trưởng kinh tế khi mở rộng địa giới hành chính.
Sáng 3/6, tại hội nghị về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 của TPHCM, lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị đã thảo luận và đóng góp ý kiến cho công tác sắp xếp bộ máy, sáp nhập các tỉnh, thành thời gian tới. Các đại biểu cho rằng, việc sáp nhập TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ mở ra cơ hội lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, đi cùng với đó là những vấn đề cần có giải pháp cụ thể.
Ông Nguyễn Khắc Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Thống kê TPHCM, cho rằng, một trong những vấn đề cần quan tâm là 6 tháng cuối năm, TPHCM sẽ tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và thực hiện sáp nhập tỉnh. Do đó, nhiệm vụ kinh tế - xã hội cần tính tới cả các dữ liệu của Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ông Nguyễn Khắc Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Thống kê TPHCM (Ảnh: Q.Huy).
"Theo số liệu của Quý I, các địa phương có mức tăng trưởng thấp hơn TPHCM. Trong đó, TPHCM tăng trưởng khoảng 7,51%, Bình Dương là 6,74%, Bà Rịa - Vũng Tàu tăng trưởng 2,48%, nếu tính cả lĩnh vực dầu khí thì Bà Rịa - Vũng Tàu âm 2,55%. Do đó, khi tính bình quân tăng trưởng cả 3 địa phương trong quý I thì chỉ đạt khoảng 6,72%, nếu tính cả dầu khí thì còn thấp hơn", ông Nguyễn Khắc Hoàng đặt vấn đề.
Chi cục trưởng Chi cục Thống kê TPHCM cho rằng, các giải pháp đã được nêu rõ, sau sắp xếp, xã phường đi vào hoạt động từ ngày 1/7 cần đảm bảo mọi việc không tồn đọng, vận hành trơn tru. Ngoài ra, các sở, ngành cần phối hợp với Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu ngồi lại, xác định các động lực tăng trưởng mới.
TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, nhìn nhận, việc mở rộng địa giới TPHCM sẽ mang lại nhiều cơ hội mới. Trong tâm lý kinh tế, sự hồ hởi của việc sáp nhập sẽ tạo nhiều hiệu ứng tích cực trong Quý II và các tháng tới, với điều kiện thành phố có những hành động cụ thể.
"Việc sáp nhập sẽ mở ra 2 xu hướng. Xu hướng tích cực là các vấn đề, công trình, dự án, chương trình, nhiệm vụ tồn đọng sẽ được đẩy nhanh. Xu hướng tiêu cực hơn là sự chờ đợi sau khi ổn định bộ máy mới làm. Dữ liệu của tháng 5 đã thể hiện rõ vấn đề này", ông Trương Minh Huy Vũ nhận định.

TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM (Ảnh: HMC).
Vừa qua, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM đã thảo luận cùng các chuyên gia và thống nhất tháng 5, tháng 6 là các tháng trụ cột, bản lề, mỏ neo để quyết định việc có đạt tăng trưởng 8,5% năm nay hay không. Thành phố có khả năng đạt mức tăng trưởng này nếu tháng 5, tháng 6 có sự xoay trục, thúc đẩy các vấn đề còn tồn tại, nếu không, thành phố sẽ gặp nhiều khó khăn trong Quý III và Quý IV.
Từ những vấn đề trên, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM đưa ra 6 nhiệm vụ, sáng kiến cho thời gian tới. Trong đó, đơn vị đề xuất ban hành cơ chế luồng xanh cho nhóm dự án quan trọng, dự án đầu tư công trọng điểm, dự án đầu tư nước ngoài về công nghệ, dự án nhà ở xã hội, hạ tầng đô thị để rút ngắn thời gian, thủ tục.
Bên cạnh đó, TPHCM cần ban hành Chỉ thị tăng trưởng 6 tháng cuối năm 2025 và năm 2026. Chỉ thị sẽ thể hiện sự cam kết của các sở với lãnh đạo TPHCM trong từng nhiệm vụ, chỉ số cụ thể, có thưởng, phạt.
Về chương trình thúc đẩy kinh tế tư nhân, TPHCM cần giao nhiệm vụ cho các tập đoàn kinh tế tư nhân, doanh nghiệp Nhà nước để cùng xử lý, giải quyết các vấn đề thách thức, theo dõi, gỡ vướng, cải thiện môi trường đầu tư.
Viện cũng đề xuất thành phố kéo dài chuỗi tăng trưởng dịch vụ từ 2 ngày lễ lớn đã diễn ra trong tháng 4. Bên cạnh đó, thành phố cần tạo ra sản phẩm cuối cùng cho các kế hoạch, chương trình thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đưa ra danh mục các dự án xúc tiến, kêu gọi nhà đầu tư chiến lược.
Cuối cùng, thành phố cần khởi động chiến lược xây dựng TPHCM mở rộng, tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Trong giai đoạn quá độ, các tỉnh, thành có quy hoạch khác nhau, thành phố cần có những báo cáo, nhận định, tích hợp vào quy hoạch những khu vực để thu hút nhà đầu tư, dòng vốn, dòng tiền.