Bài học từ công ty đòi nợ thuê: “Dè dặt” tư nhân hoá thi hành án
(Dân trí) - “Nếu xảy ra hiện tượng kiểu cty đòi nợ thuê vừa qua khi cho phép tư nhân cùng làm thi hành án dân sự thì vấn đề là ở khâu tổ chức thực hiện”- Thứ trưởng Bộ tư pháp cố bảo vệ dự luật đang trình. Tuy nhiên, phần lớn đại biểu đều chưa “xuôi”.
“Nghề” thi hành án tư
Báo cáo của Thứ trưởng Bộ tư pháp Đinh Trung Tụng về dự luật Thi hành án dân sự nhắc tới Đ14 với nội dung xã hội hóa công tác thi hành án (THA). Theo ông Tụng, quan điểm của Chính phủ hiện nay là làm thí điểm sau đó sẽ nhân rộng ra, nếu thành công. Đến nay, Bộ tư pháp đã chuẩn bị các đề án để cuối năm 2008 hoặc quý I năm 2009 sẽ triển khai.
Đ14 của dự luật khuyến khích việc các tổ chức, cá nhân tham gia vào việc THA. Những người có đủ điều kiện theo quy định pháp luật sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề, coi thi hành án như một nghề đa thành phần. Tư nhân cũng có thể thành lập các tổ chức như văn phòng, công ty để THA theo ủy quyền, ký hợp đồng của cơ quan THA (như đi xác minh tài sản, tống đạt các giấy báo…) hoặc trực tiếp tổ chức THA theo yêu cầu của đương sự.
Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Hà Văn Hiền tỏ ý nghi ngờ. Ông cho rằng chưa nên đặt ra vấn đề xã hội hóa công tác THA lúc này vì nhà nước có cả hệ thống quản lý chặt chẽ mà vẫn phát sinh tiêu cực, đưa ra ngoài sẽ khó kiểm soát nổi. Bài học về các công ty đòi nợ thuê trá hình “xã hội đen” thản nhiên bắt giữ người, bắt đồ siết nợ… không xa lạ với THA.
Thứ trưởng Bộ tư pháp Đinh Trung Tụng |
Thứ trưởng Đinh Trung Tụng “trấn an”, nếu xảy ra hiện tượng kiểu công ty đòi nợ thuê vừa qua khi cho phép tư nhân cùng làm thi hành án dân sự thì vấn đề là ở khâu tổ chức thực hiện. Chắc chắn nếu luật được QH xem xét thông qua thì Chính phủ cũng sẽ có văn bản hướng dẫn thi hành cụ thể để việc triển khai phải đúng với quy định của pháp luật, tránh tình trạng lạm dụng như vừa qua.
Cán bộ THA trang bị dùi cui điện, súng đạn cao su?
Hầu hết các ý kiến đều phản ứng với nội dung dự luật trang bị công cụ hỗ trợ cho cán hộ THA (chấp hành viên). Thứ trưởng Bộ tư pháp cho biết, theo Nghị định 147 của Chính phủ, chấp hành viên được sử dụng dùi cui điện, súng bắn đạn cao su, súng hơi cay nhưng thực tế, 2 món “súng” đến nay vẫn chưa được giao dùng.
Dù thứ trưởng Tụng khẳng định đến giờ chưa có trường hợp nào lạm dụng công cụ được trang bị, đại biểu Lê Quang Bình vẫn phản ứng. Ông Bình phân tích, trong trường hợp cưỡng chế thi hành án, đã có lực lượng công an hỗ trợ. Công việc của chấp hành viên là trên cơ sở lý - tình phải vận động để người phải THA tự nguyện chấp hành. Trang bị thêm công cụ, theo ông Bình không chỉ phát sinh thêm một khoản đầu tư mà còn “phấp phỏng” vì nguy cơ lạm dụng.
Với vấn đề tiêu chuẩn chấp hành viên, trong khi Trưởng ban công tác đại biểu Phạm Minh Tuyên đề nghị phải đạt “chuẩn” cử nhân luật thì Chủ nhiệm UB tư pháp Lê Thị Thu Ba lại cho rằng, nhiều trường hợp THA rất đơn giản, chỉ cần trình độ trung cấp. Bà Thu Ba nhận định, vì không yên tâm với chất lượng đào tạo nên tâm lý là bám vào “chuẩn” đại học để… chắc ăn. Nhưng nếu cả xã hội chạy theo tấm bằng đó thì cũng là lãng phí lớn.
Về việc bổ sung biện pháp đảm bảo THA (phong toả tài sản; tạm dừng việc chuyển dịch; thay đổi hiện trạng về tài sản), bà Thu Ba cũng có ý kiến, cần quy định phong tỏa số tiền có trong tài khoản tương ứng với nghĩa vụ phải thi hành. Không nên phong toả toàn bộ tài khoản, như vậy sẽ làm mất khả năng giao dịch hạn chế quyền của người có tài khoản và làm mất khả năng THA.
Nhiều ý kiến đồng tình cũng cho rằng, không nên quy định chấp hành viên có quyền khám người, khám nhà, khám xét tài sản vì trong lực lượng THA cũng có tiêu cực, mở rộng quyền có thể dẫn tới lạm dụng khó kiểm soát.
P.Thảo