Bài học tập hợp lực lượng của Đảng trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc
(Dân trí) - Dưới ngọn cờ của Đảng, tất cả các lực lượng yêu nước đều đứng về một phía, về ngọn cờ búa liềm - đó là biểu tượng cho lực lượng cũng như sức mạnh của Đảng.
Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2020) và mừng xuân Canh Tý 2020, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam về bài học tập hợp lực lượng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc.
- Ông có thể chia sẻ về vai trò của Đảng ta trong việc tập hợp lực lượng để phát động các cuộc đấu tranh trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ của dân tộc Việt Nam?
- Sau nhiều năm chuẩn bị về mặt tư tưởng, cũng như về mặt tổ chức thì đến 3/2/1930 Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức ra đời. Khi Đảng ra đời, thì khiếm khuyết của các phong trào yêu nước chống Pháp trước đó đều được Đảng ta giải quyết.
Dưới ngọn cờ của Đảng, tất cả các lực lượng yêu nước đều đứng về một phía, về ngọn cờ búa liềm - đó là biểu tượng cho lực lượng cũng như sức mạnh của Đảng.
Phong trào cách mạng đầu tiên mà Đảng ta thực hiện là vào năm 1931, đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh. Từ thực tiễn của phong trào cách mạng này, Đảng ta đã rút ra được những bài học cực kỳ quan trọng, đó là: Bằng mọi biện pháp phải tập hợp, cổ vũ và động viên được lực lượng quần chúng nhân dân xông lên phía trước, kiên quyết đấu tranh chống kẻ thù; Thứ 2 là rút kinh nghiệm được về mặt tổ chức; Bài học thứ 3 là chuẩn bị lực lượng vũ trang, chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mới.
Tiếp đến là phong trào cách mạng năm 1936-1939, đây là bước chuẩn bị thứ 2 sau Xô Viết Nghệ Tĩnh để giành thắng lợi cho Cách mạng tháng Tám năm 1945. Có thể nói, phong trào cách mạng năm 1936-1939 là bài học sâu nặng về tập hợp các lực lượng yêu nước, từ trí thức, nông dân, công dân.
Từ những bài học kinh nghiệm trên, khi ta đứng trước những khó khăn mới, trước sự tấn công liên tục và bao vây của thực dân Pháp và các thế lực thù địch khác, thì Đảng ta lại thêm một lần nữa động viên cổ vũ nhân dân tất cả ra mặt trận, tất cả lên chiến khu để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp. Cuối cùng chúng ta đã giành thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ vào năm 1954.
Lẽ ra đất nước ta đã được hưởng hòa bình sau thắng lợi Điện Biên Phủ năm 1954, nhưng sự can thiệp của Mỹ khiến dân tộc ta lại phải đứng lên để "đánh cho Mỹ cút".
Trước những khó khăn như thế, đất nước tạm thời chia cắt làm 2 miền, làm sao để đảm bảo được lực lượng, làm sao chuẩn bị được lực lượng không chỉ cho 1 năm mà nhiều năm. Đảng ta đã kiên trì, trước hết là củng cố hậu phương miền Bắc; thứ 2 tăng cường sức người và sức của ở miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Chúng ta huy động cả triệu thanh niên tình nguyện ở miền Bắc vào miền Nam. Chúng ta đã phát động được 1 phong trào mỗi người làm việc bằng 2 vì sự nghiệp kháng chiến cứu nước. Và chúng ta củng cố mọi tổ chức ở miền Nam từ Tây Nguyên cho đến ĐBSCL, tất cả tạo nên một chiến thắng vĩ đại 30/4/1975.
Với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đại thắng, đất nước ta đã thống nhất. Thêm một lần nữa khẳng định tài lãnh đạo, tài tổ chức, tập hợp lực lượng của Đảng ta để hoàn thành sự nghiệp lớn và đánh sập chủ nghĩa thực dân mới, mà đại diện là đế quốc Mỹ.
- Như ông nói, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, Đảng ta đã tập hợp lực lượng rất tốt để phát động phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Vậy ông có thể chia sẻ những chủ trương cụ thể của Đảng trong việc tập hợp được các tầng lớp nhân dân để cùng tham gia?
- Để tập hợp được lực lượng các tầng lớp nhân dân cùng hướng một phía như vậy thì Đảng ta phải cực giỏi trong việc vận dụng các biện pháp như: Giáo dục trực tiếp, giáo dục gián tiếp, động viên tinh thần cũng như cổ vũ các phong trào yêu nước của nhân dân. Đảng ta phát triển cùng một lúc rất nhiều tổ chức. Nếu trong kháng chiến chống thực dân Pháp chúng ta thấy có phụ nữ cứu quốc, thanh niên cứu quốc, nông dân cứu quốc,…
Bên cạnh đó, Đảng ta đã mạnh dạn mở các lớp học từ nhỏ cho đến lớn, từ xóa nạn mù chữ cho đến giáo dục nâng cao. Đồng thời mạnh dạn đưa thanh niên Việt Nam đi học tập ở nước ngoài. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, sau chuyến thăm Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1946, đã có rất nhiều tri thức tiêu biểu sẵn sàng bỏ lương tính theo vàng chứ không phải tính theo tiền để theo Hồ Chí Minh về nước trực tiếp tham gia sự nghiệp kháng chiến chống Pháp. Chính tác động mang tính nhân văn cao cả của Hồ Chí Minh đối với các tri thức Việt Kiều ở nước ngoài, đặc biệt là ở Pháp đã ảnh hưởng đến các trí thức đang ở Việt Nam, người ta không có lý do gì để không tham gia sự nghiệp kháng chiến chống Pháp.
Chính các phong trào yêu nước như thế thì tự nhiên chúng ta không phải đào tạo lại nữa mà chỉ nâng cao nhận thức thì người dân sẵn sàng hiến thân cho sự nghiệp kháng chiến chống Pháp.
- Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Dương (thực hiện)