Bài 2: Những câu chuyện buồn từ đá
(Dân trí) - Lần đầu tới thăm “công trường” đá, tôi rất băn khoăn trước những cồn đá xếp vội, bên trên dày đặc chân hương. Những cồn đá đó nhiều lắm, nằm rải rác quanh mỏ. Sau mới biết, đó là cách người ra tưởng niệm những người đã bỏ mạng vì đá.
>> Phận đàn bà mưu sinh trên bãi đá
“Sinh nghề tử nghiệp”
Một cửu vạn đã gắn bó lâu năm với nghề lựa đá cho biết: “Người ta dựng cồn đá để tưởng niệm cho người đã chết. Khi có người bị tai nạn mà thiệt mạng, người ra sẽ lấy hòn đá còn dính máu, đem xếp lại thành cồn và thắp hương cho người xấu số. Hàng ngày người đi làm qua đây đều thắp hương cho họ với mong muốn được họ phù hộ cho tai qua nạn khỏi…”.
Tôi lia mắt nhìn quanh, thấy lô nhô hàng chục cồn đá lổn nhổn. Nếu theo cách giải thích của người dân ở đây, nghĩa là quanh nơi này, đã có hàng chục linh hồn xấu số bỏ mạng. Đấy là từ khi giải phóng mặt bằng để cho xây dựng nhà máy, người ta đã “bốc” bớt đi rồi.
Chị hàng nước bên mỏ đá Rú Mượu đã chứng kiến nhiều cái chết đau lòng. Ngày ngày đã quá quen với sự nguy hiểm và chết chóc, chị hình như đã chai sạn: “Đó là nơi cậu bé con ông V ở gần đây. Cậu ta ra đi khi mới hơn18 tuổi, bị đá từ trên cao văng xuống người, chết tại chỗ. Còn chỗ kia là “của” anh T ở xã Nam Giang, bị rơi từ trên cao xuống do sơ ý. Cái “lùm” xa xa kia là “của” chị N ở xã Hưng Đạo, cũng bị đá đè mà chết… Còn nhiều lắm tôi không nhớ nổi”.
Một phần cơ thể bỏ lại
Nhiều cửu vạn cho hay, đối với nghiệp đá, hầu như ai cũng một lần bị “dính” tai nạn. Chị Phạm Thị Hoa (41 tuổi) ở Hưng Đạo tâm sự: “Sinh nghề tử nghiệp mà. Bốc đá mà không bị xây xước mới là chuyện lạ. Có người bị đá bắn vào mắt mang thương tật suốt đời. Còn chuyện xước tay, trượt chân thì không kể hết…”.
Chị Hoa tháo đôi tất tay rách tươm, cho tôi xem những vết xẹo hình sâu róm chi chít trên cổ tay rồi bảo “Đây là dấu ấn của đá”.
Đến bây giờ, anh Nguyễn Văn T vẫn chưa hết rùng mình mỗi khi nhớ lại vụ tai nạn cách đây hơn 3 năm. “Sáng hôm đó, đang làm việc bình thường thì nghe có tiếng động inh tai vọng xuống từ đỉnh núi. Tôi chỉ kịp ngước cổ lên thấy đá lăn lông lốc, trong phút chốc thấy như trời giáng. Tỉnh dậy thấy mình nằm ở bệnh viện. Nghe bảo tôi bị một tảng đá lăn từ trên đỉnh núi xuống “xén” gọn cánh tay phải. Một phần tai phải cũng bị “dính”. Vì bị xén đứt tại chỗ nên các bác sĩ cũng bất lực. Họ bảo giữ được tính mạng là phúc cho nhà tôi rồi”.
Đã gắn bó với mỏ đá từ năm 15 tuổi, đến khi bị đá “cướp” đi một phần cơ thể, anh T vẫn chung thuỷ với nghề. Anh bảo: “Không làm đá thì biết lấy gì mà sống, nghề nghiệp thì không có. Nhiều lúc cũng thấy sợ lắm chứ nhưng biết làm sao được. Nhiều người buổi sáng ra đi còn vui vẻ với gia đình, nhưng đến chiều không biết có còn sống sót mà trở về hay không”.
Nói về “tử nghiêp”, không ai không nhớ câu chuyện buồn của chị T ở xã Hưng Đạo. Cách đây chừng 6 năm, chị mới 23, 24 tuổi, đang phơi phới tình yêu với một người đàn ông dị tật (bị ngọng). Hôm đó, chị T đến bãi đá làm như mọi ngày, mải miết làm dưới chân núi, chị không ngờ một tảng đá rơi từ độ cao chừng 50m xuống đã cướp mất đôi chân chị. Ngay sau đó, người yêu chị T đến nói lời phụ bạc, chê chị tật nguyền.
Những nỗi đau vì đá còn nhiều, nhưng trong số những người không may, không phải ai cũng dám kêu ca phận mình vì đã gắn bó với nghề này là chấp nhận rủi ro.
Tới đây, một nhà máy mới sẽ được hình thành, hàng trăm cửu vạn lại khốn đốn vì thất nghiệp. Biết đâu, đó lại là cơ hội để họ xa hẳn cái nghề đáng sợ này!
Đặng Nguyên Nghĩa