1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Nóng như rang” chuyện HIV ở Điện Biên:

Bài 2: HIV “nóng” trên bàn nghị sự

(Dân trí) - 1. Chuyện HIV ở Điện Biên không còn là chuyện “buồng the” như những năm cuối thập kỷ 90, khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên của tỉnh. Bây giờ, trên bàn nghị sự, ngoài vấn đề quốc phòng, lương thực, kinh tế,… thì HIV/AIDS và ma tuý bao giờ cũng được bàn đến.

Ở Điện Biên, trong mọi cuộc họp, vấn đề HIV/AIDS, ma tuý và mại dâm đã bắt đầu trở thành bờ rem trong các tài liệu phát biểu, tham luận và tuyên truyền.

 

Trong rất nhiều lãnh đạo mà tôi đã gặp, có lẽ ông Phó Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thanh Tùng để lại nhiều ấn tượng khó phai mờ nhất bởi cách nói chuyện nhiệt tình, có lửa và nhiều cảm xúc. Với ông Tùng, như đã thành lệ, ở bất kỳ diễn đàn nào, bao giờ ông cũng ưu tiên dành một phần thời lượng để thông tin về tác hại của HIV/AIDS với cộng đồng xã hội. Với ông, tuyên truyền phòng tránh HIV/AIDS đã trở thành nghĩa vụ.

 

Ông tâm sự: Trước một vấn đề nhiều bức xúc như vậy mà đảng viên không quan tâm, không làm thì ai làm?
 
Bài 2: HIV “nóng” trên bàn nghị sự - 1

Tuấn (áo trắng) động viên một người cùng cảnh ngộ đi chữa bệnh.

 

Ở Điện Biên còn có một người nhiễm HIV đặc biệt, đó là Đinh Mạnh Tuấn, sinh năm 1985, ở đội 5b, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên. Tuấn “đặc biệt” vì ở vùng đất này có mấy người nhiễm HIV mà dám đứng ra giữa cộng đồng để công khai rằng: “Tôi là người có HIV”.

 

Trong đau khổ, Tuấn chia sẻ: “Em có gia đình, có tình yêu đẹp lắm, nhưng AIDS đã phá hỏng tất cả. Bây giờ ngồi nghĩ lại mới tiếc và buồn lắm. Em mong các anh, các bạn, các chị... ai cũng hiểu về AIDS mà biết cách phòng tránh để đừng có ai phải chịu đau khổ như em”.

 

Nói về chuyện của Tuấn, bà Cao Kim Thoa, Phó Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Điện Biên, nói: Ở mảnh đất này, sự kỳ thị đối với người nhiễm HIV còn nhiều lắm nên dám nhận mình nhiễm AIDS như Tuấn có thể nói là hiếm và dũng cảm. Việc làm của Tuấn cũng là tín hiệu đáng mừng cho việc tuyên truyền về phòng chống và đẩy lùi đại dịch HIV trên vùng đất Điện Biên.

 

2. Trong khoảng 3 năm trở lại đây, phong trào phòng chống HIV/AIDS ở tỉnh Điện Biên được đẩy lên cao độ và thu được nhiều kết quả khả quan. Đó là lời chia sẻ đầy hào hứng thường thấy ở các nhà chức trách tỉnh Điện Biên khi nói về công việc của mình.

 

Tỉnh Điện Biên đã đưa cả hệ thống chính trị vào cuộc phòng chống, đẩy lùi và khống chế sự bùng phát HIV trên địa bàn. Tỉnh cũng đã phân công trách nhiệm cụ thể đến từng ban ngành, đoàn thể và xem đây như một trong những tiêu chí đánh giá công tác thi đua. Công tác phòng chống HIV/AIDS cũng được xem là một mục tiêu trọng tâm trong định hướng như phát triển kinh tế, văn hoá xã hội.
 
Bài 2: HIV “nóng” trên bàn nghị sự - 2
Tuấn dũng cảm thừa nhận mình nhiễm HIV để đứng ra tuyên truyền, vận động thanh niên phòng chống HIV/AIDS

 

Đến nay, tỉnh Điện Biên có 13 câu lạc bộ phòng chống HIV/AIDS với hơn 100 thành viên; 9/9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã thành lập được lực lượng đồng đẳng và cộng tác viên tuyên truyền với hàng trăm người tham gia; huyện, thị, thành phố nào cũng có từ 3-5 cán bộ chuyên trách về công tác phòng chống HIV/AIDS...

 

Tuy nhiên, điều đáng buồn là tốc độ lây nhiễm HIV ở tỉnh Điện Biên vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Đến nay, lũy tích người nhiễm HIV toàn tỉnh lên đến gần 4.000 ca, số người chuyển sang giai đoạn AIDS trên 1.500 ca. Hiện nay, cứ hai ngày ở Điện Biên lại có thêm 5 người nhiễm HIV và 1 người chết vì AIDS. Nhưng theo nhiều người dân nơi đây, con số đáng sợ ấy vẫn chưa thấm tháp gì so với thực tế.

 

Nếu năm 1998, Điện Biên là tỉnh thứ 61 trên toàn quốc phát hiện 6 ca nhiễm HIV đầu tiên thì sau 10 năm, đến nay tỉnh này đã là tỉnh đứng thứ 2 toàn quốc sau TP Hồ Chí Minh về tỷ lệ người nhiễm HIV/100.000 dân.

 

3. Tại sao tốc độ lây nhiễm HIV ở tỉnh Điện Biên không giảm? Câu hỏi này được trả lời bằng nhiều nguyên nhân:

 

Do địa hình chia cắt của một tỉnh miền núi cộng với điều kiện dân trí thấp đã ảnh hưởng rất lớn đến việc tiếp thu thông tin tuyên truyền, làm giảm hiệu quả trong việc đẩy mạnh công tác phòng, chống HIV/AIDS.

 

Ngoài ra, cần thẳng thắn nhìn nhận rằng hoạt động phòng chống HIV/AIDS ở tỉnh Điện Biên vẫn còn mang nặng tính phong trào; sự chỉ đạo của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể về tuyên truyền phòng chống HIV còn hời hợt, chưa mang tính khoa học và thường xuyên. Bên cạnh đó, việc phối hợp trong hành động của các đơn vị chức năng tại tỉnh cũng chưa được tốt nên làm giảm tính hiệu quả trong công tác phòng chống đại dịch này.

 

Để giảm nhanh tốc độ lây nhiễm HIV trên địa bàn, người dân Điện Biên cho rằng tỉnh cần quan tâm hơn trong việc đưa ra các giải pháp thích hợp, quyết liệt và đủ mạnh để tất cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc với tất cả sức lực và trí tuệ. Trước mắt, cùng với việc đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, tỉnh Điện Biên cần thống kê cụ thể các đối tượng nhiễm HIV, đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao như người nghiện ma tuý, gái mại dâm... để quản lý và giáo dục.

 

Phòng chống HIV/AIDS là trách nhiệm chung của toàn cộng đồng và xã hội, điều này ai cũng biết. Riêng cá nhân người viết nghĩ rằng, mỗi cán bộ hãy học gương anh Nguyễn Thanh Tùng và mỗi người bị nhiễm HIV hãy theo gương của Đinh Mạnh Tuấn; khi ấy chắc chắn công cuộc tuyên truyền, phòng chống và đẩy lùi đại dịch AIDS ở Điện Biên sẽ khả quan hơn rất nhiều.

 

Mạnh Thành

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm