1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Bác tin ngư dân phát hiện ống xả Formosa phải nộp 40 triệu tiền chuộc

(Dân trí) - Đại sứ Việt Nam tại Úc khẳng định, ngư dân Nguyễn Xuân Thành của tỉnh Hà Tĩnh đã bị bắt tại Úc do đánh bắt hải sản trái phép. Tuy nhiên, Đại sứ bác bỏ tin về việc gia đình ông Thành phải nộp 40 triệu đồng cho sứ quán để “chuộc” người về.

Sáng nay (6/7), Đại sứ Việt Nam tại Úc Lương Thanh Nghị đã xác minh về việc cơ quan chức năng Úc bắt giữ anh Nguyễn Xuân Thành, sinh ngày 9/10/1976, thường trú tại xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Anh Thành cùng với 21 ngư dân trên 2 tàu cá QNg 9046TS và QNg90947TS bị cơ quan chức năng của Úc bắt giữ ngày 22/6/2016 do xâm phạm và đánh bắt hải sản trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế phía Tây Bắc nước này. Hiện các ngư dân đang bị tạm giữ tại Bắc Australia để điều tra.


Ngư dân Nguyễn Xuân Thành, người từng lặn xuống tìm kiếm đường ống xả thải của Formosa trong vụ cá chết, đang bị các nhà chức trách Úc tạm giữ vì xâm nhập trái phép vùng biển nước này.

Ngư dân Nguyễn Xuân Thành, người từng lặn xuống tìm kiếm đường ống xả thải của Formosa trong vụ cá chết, đang bị các nhà chức trách Úc tạm giữ vì xâm nhập trái phép vùng biển nước này.

Anh Thành chính là ngư dân đã phát hiện ống xả thải ngầm của nhà máy Formosa tại khu vực biển Vũng Áng, nguyên nhân gây ra vụ cá chết hồi tháng 4 vừa qua.

Trước thông tin về việc gia đình anh Thành phải nộp cho Sứ quán 40 triệu đồng thông qua chủ tàu để có thể chuộc người về, Đại sứ cho hay, hiện Đại sứ quán (ĐSQ) chưa nhận được bất cứ thông tin nào liên quan đến vấn đề này từ các cơ quan chức năng của Úc cũng như từ các ngư dân. Việc có bị phạt tiền hay không do phía Úc quyết định sau khi đã tiến hành xét xử.

Từ tình hình trên, ĐSQ đề nghị các cơ quan liên quan trong nước và chính quyền các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn bà con ngư dân tránh xâm phạm vùng biển của nước khác khi đánh bắt xa bờ

Cũng theo Đại sứ Lương Thanh Nghị, từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 6/2016, các cơ quan chức năng Úc đã bắt giữ tổng cộng 6 tàu cá gồm 84 ngư dân Việt Nam, chủ yếu đến từ Quảng Ngãi, Bình Thuận, với cáo buộc như trên. Ngay sau khi nhận được thông tin, ĐSQ Việt Nam tại Úc đã gặp gỡ, trao đổi với các cơ quan chức năng Australia, đề nghị đối xử nhân đạo đối với ngư dân ta; giải quyết các vụ việc trên tinh thần nhân đạo và quan hệ hai nước đang phát triển tốt đẹp.

ĐSQ cũng tiếp xúc lãnh sự với các thuyền trưởng và ngư dân để nắm rõ vụ việc, thăm hỏi sức khỏe và tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết. ĐSQ đã phối hợp với cơ quan chức năng Việt Nam và Úc đưa về nước 28 ngư dân bị bắt ngày 27/3/2016 tại khu vực Tây Bắc bang Queensland. Hiện, Đại sứ quán đang tiến hành các thủ tục cần thiết để sớm đưa về nước các ngư dân còn lại sau khi phía Úc tiến hành xét xử tại Tòa án Darwin-Bắc Australia. Ngày 28/6 phía Úc thông báo đã xét xử 30 ngư dân Việt Nam bị bắt giữ ngày 2/6, theo đó các ngư dân bị án tù treo 2 tháng, thuyền trưởng bị 7 tháng tù treo; mỗi ngư dân bị phạt 1000 AUD, thuyền trưởng bị phạt 2000AUD.

Về khu vực Tây Bắc bang Queensland, ông Nghị cho biết, đây là nơi có rặng san hô lớn nhất được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, là khu vực bảo tồn được bảo vệ nghiêm ngặt về môi trường tự nhiên và sinh vật biển. Úc triển khai hệ thống giám sát và bảo vệ bờ biển chặt chẽ bằng các phương tiện hiện đại từ vệ tinh, tàu tuần tra biển, trực thăng… Do đó, các tàu thuyền nước ngoài xâm phạm vùng biển của Úc cũng như đánh bắt hải sản trái phép đều bị dễ dàng phát hiện, phía Úc cũng xử lý nghiêm các vụ vi phạm với chế tài mạnh.

Theo quy định của pháp luật Úc, các ngư dân sẽ bị giam giữ để phục vụ điều tra, sau đó tiến hành xét xử tại tòa án khu vực, có thể bị tù, bị phạt tiền tùy theo mức độ vi phạm và các tàu thuyền sẽ bị phá hủy, Đại sứ nói.

Nam Hằng