DNews

Bác tài hỏa xa và những chuyến tàu Tết xuyên thời gian

An Huy

(Dân trí) - Đằng sau những chuyến tàu lửa đưa hàng trăm nghìn người rời TPHCM về mọi miền đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn, ít ai biết rằng các bác tài phải làm việc thầm lặng ngày đêm.

Bác tài hỏa xa và những chuyến tàu Tết xuyên thời gian

Sáng 18 tháng Chạp (28/1), ông Đặng Quang Hiển (46 tuổi, quê Hà Nội) đến Xí nghiệp đầu máy Sài Gòn sớm hơn mọi hôm để chuẩn bị thủ tục, lái tàu đưa hàng nghìn hành khách từ TPHCM về dọc đất nước đón Tết Nguyên đán.

Ông Hiển là một trong hàng chục lái tàu khác, đã nhiều năm không có được một cái Tết trọn vẹn bên gia đình. Ông thường xuyên điều khiển cỗ máy uốn lượn trên những thanh ray chạy xuyên thời gian, giữa năm cũ và năm mới.

Chuyến tàu chạy 2 năm

Bên tách trà nóng hổi tại văn phòng Xí nghiệp đầu máy Sài Gòn trên đường Cách Mạng Tháng 8 (quận 3), ông Hiển cho biết năm nay vừa tròn 23 năm lái tàu. Với ông, đó là khoảng thời gian không dài. Vì yêu nghề, ông xem lái tàu là cuộc sống của mình và miệt mài cống hiến.

Ông Hiển xuất thân trong một gia đình có cha, mẹ là cán bộ ngành đường sắt. Hiểu được công việc của người thân vất vả sớm hôm, ông cũng yêu cái nghề từ lúc nào không hay.

Với mọi người, Tết là khoảng thời gian ấm áp để gia đình có thời gian quây quần bên nhau nấu bánh chưng, ăn bánh kẹo, uống trà... đón giao thừa thì với ông Hiển và đồng nghiệp lại là chuyện khác.

Bác tài hỏa xa và những chuyến tàu Tết xuyên thời gian - 1
Bác tài hỏa xa và những chuyến tàu Tết xuyên thời gian - 2
Bác tài hỏa xa và những chuyến tàu Tết xuyên thời gian - 3

(Ông Đặng Quang Hiển, Hoàng Đình Mạnh, Thái Hùng đang công tác tại Đội lái tàu 1, Phân xưởng Vận dụng Sài Gòn)

Những ngày này, ngành đường sắt tăng chuyến hoạt động vận tải hành khách nên ông Hiển phải làm việc liên tục, thường xuyên vắng nhà. Mọi việc chăm lo con cái, gia đình và hai bên nội, ngoại đều do vợ ông quán xuyến.

Trước Tết, ông Hiển và đồng nghiệp tất bật lái tàu đưa mọi người về quê sum họp gia đình. Sau Tết, ông lại đưa họ rời quê hương trở lại miền đất hứa.

"Vài năm đầu mới vào nghề, mỗi khi Tết đến, tôi cũng buồn vì không còn được tâm trạng háo hức về quê hoặc sum vầy gia đình này kia. Làm được vài năm, tôi mới hiểu được giá trị của nghề và yêu mến công việc hơn. Sau mỗi chuyến tàu, đưa được hàng nghìn người về quê an toàn, tôi và anh em vui lắm", ông Hiển nói.

Theo ông Hiển, dịp Tết anh em lái tàu làm việc với cường độ cao, không kể giờ giấc, bắt đầu từ 15 tháng Chạp đến qua Tết. Nhiều anh em phải đón giao thừa trên đường ray.

Một đồng nghiệp khác của ông Hiển là ông Thái Hùng (39 tuổi, quê Thái Bình) có 15 năm trong nghề lái tàu. Suốt thời gian trên, ông chưa một lần về quê ăn Tết cùng gia đình.

Ông Hùng cho biết để theo được nghề, bản thân ông và đồng nghiệp phải có tình yêu ngành tương đối lớn vì thường xuyên thức đêm, xa nhà, gia đình và vợ con. Có những ngày lễ, Tết vợ con được nghỉ học và nghỉ làm, ông cũng muốn ở nhà quây quần bên gia đình nhưng đặc thù công việc nên không thực hiện được.

Bác tài hỏa xa và những chuyến tàu Tết xuyên thời gian - 4

Bác tài Hùng và Hiển trên đầu máy tàu lửa chuẩn bị xuất phát đưa hàng nghìn hành khách về quê (Ảnh: An Huy).

Ngày cận Tết, ông và đồng nghiệp cũng cố gắng giữ gìn sức khỏe để lái tàu phục vụ hành khách một cách an toàn nhất. 15 năm qua, ông Hùng không nhớ đã lái bao nhiêu chuyến tàu xuyên thời gian giữa năm cũ và năm mới vì quá nhiều.

Nhớ về kỷ niệm không thể quên, ông Hùng cho biết đêm 30 Tết cách nay 7 năm, ông lái tàu đưa hàng nghìn lượt khách từ ga Sài Gòn đi miền Trung. Đến địa phận Đồng Nai, ông được tiếp viên thông báo một sản phụ trở dạ, chuẩn bị sinh con, yêu cầu lái tàu nhanh nhất có thể.

"Lúc đó tôi hồi hộp lắm, mong sao sản phụ đến kịp ga Long Khánh (Đồng Nai) để đưa vào bệnh viện. Tôi rất vui vì sau đó, sản phụ cũng mẹ tròn con vuông. 7 năm trôi qua, tôi vẫn còn nhớ rõ mặt sản phụ. Con của hành khách này bây giờ chắc cũng lớn", ông Hùng chia sẻ.

Hậu phương san sẻ

 Khi nói về vợ, giọng của ông Đặng Quang Hiển trầm hẳn đi. "Tôi đã lập gia đình và có 2 con. Để theo được nghề đến ngày hôm nay, bà xã tôi đã thông cảm, hy sinh rất nhiều vì chồng con", tài xế lái tàu nói.

Ông Hiển cho biết vợ ông làm nhân viên một công ty kinh doanh, công việc rất bận. Vợ ông ngoài việc hoàn thành các nhiệm vụ ở cơ quan, còn phải đưa đón con đi học, lo ăn uống mỗi ngày để chồng yên tâm lái tàu.

Nhiều lúc con ốm, vợ ông phải nghỉ làm để chăm lo vì chồng vắng nhà. Ngày Tết, vợ ông phải lo hầu như mọi việc trong gia đình, làm hậu phương vững chắc để ông lái tàu Tết.

Bác tài hỏa xa và những chuyến tàu Tết xuyên thời gian - 5

Bác tài Đặng Quang Hiển đã có thâm niên 23 năm trong nghề lái tàu (Ảnh: An Huy).

"Tôi biết ơn vợ nhiều lắm. Dù tôi không có ở nhà nhưng vợ vẫn đảm đang, chu toàn mọi công việc, không than vãn một lời. Các con cũng thông cảm cho bố. Dù bố nhiều lần hứa dắt các con đi chơi Tết nhưng nhiều năm vẫn chưa thực hiện được", ông Hiển gửi lời đến bà xã Trần Thị Thanh Thảo và các con.

Bên cạnh đó, ông Thái Hùng cũng đã lập gia đình và có 2 con. Ông cho biết vợ, mẹ và các con là hậu phương, động lực để ông hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Biết chồng làm công việc chịu nhiều áp lực, vợ ông cũng chu toàn mọi việc trong gia đình. Không phàn nàn chồng một câu trong suốt mười mấy năm qua.

"Tết, tôi vắng nhà suốt nên vợ phải lo mọi việc từ gia đình đến hai bên nội, ngoại. Tôi xin gửi lời cảm ơn đến vợ, các con và mẹ luôn thấu hiểu, thông cảm, đồng hành công việc lái tàu của tôi", ông Hùng gửi lời đến bà xã Hà Thu Trang và gia đình.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Hoàng Đình Mạnh (45 tuổi), Đội phó Đội lái tàu 1, Phân xưởng Vận dụng Sài Gòn cho biết, nghề lái tàu có đặc thù thức đêm, anh em làm việc theo dạng cuốn chiếu. Sau mỗi chuyến, anh em chỉ được nghỉ khoảng thời gian quy định rồi quay lại làm việc liền, không như các nghề khác.

Mỗi tài xế khi lên ban, trước khi nhận tàu chạy phải được kiểm tra nồng độ cồn. Đồng thời, họ cũng buộc bỏ hết chuyện gia đình, tâm tư sang một bên để thực hiện nhiệm vụ lái tàu một cách an toàn đi đến nơi, về đến chốn.

"Môi trường ngành lái tàu rất nặng nhọc, tuy nhiên mức lương còn thấp nên cuộc sống của nhiều anh em còn khó khăn. Đội ngũ lái tàu cũng mong Nhà nước và các cấp quan tâm, hỗ trợ để anh em đảm bảo thu nhập yên tâm công tác, gắn bó với nghề phục vụ người dân" ông Mạnh chia sẻ.

Bác tài hỏa xa và những chuyến tàu Tết xuyên thời gian - 6

Ông Mạnh, Hiển, Hùng trong bộ trang lúc lái tàu những ngày cận Tết Nguyên đán (Ảnh: An Huy).

Theo ông Mạnh, các anh em tại phân xưởng luôn quan tâm, chăm sóc và xem nhau như một gia đình. Tất cả người vợ của anh em lái tàu luôn là những người phụ nữ tuyệt vời nhất. Họ là hậu phương vững chắc, biết hy sinh cho gia đình để chồng yên tâm công tác.

Các người vợ anh em lái tàu dường như kiêm luôn công việc của chồng. Họ vừa hoàn thành nhiệm vụ công việc ngoài xã hội, lại lo luôn chuyện gia đình, con cái. Trong khi đó, anh em lái tàu sau mỗi chuyến đi chỉ có 12 giờ nghỉ ngơi. Anh em phải ngủ đủ giấc để tiếp tục chạy tàu nên không giúp gì nhiều cho gia đình.

"Đặc thù công việc nên tôi cũng đi suốt. Tôi rất mừng vì bà xã ở nhà cũng đảm đang tốt mọi công việc và chăm lo 2 con. Nhiều khi tôi đi làm gặp áp lực, về nhà mệt mỏi nên có lúc lời nói không được nhẹ nhàng. Tôi nói vậy chứ trong tâm không có gì và rất yêu thương vợ, con. Tôi mong vợ, con hiểu được công việc và tiếp tục ủng hộ", ông Mạnh gửi lời cảm ơn đến bà xã Nguyễn Thị Nga và các con.