Bác sĩ công làm tư - "Chân ngoài dài hơn chân trong"
Bệnh viện Chợ Rẫy quyết định cấm bác sĩ mở phòng mạch tư. Quyết định mang tính "nội bộ" này một lần nữa đã làm "nóng" lên vấn đề nhạy cảm: Dịch vụ khám và chữa bệnh ngoài giờ của bác sĩ.
Bước đột phá?
Người “nổ phát súng” đầu tiên là Giám đốc Bệnh niện (BV) chợ Rẫy - ông Trương Văn Việt. Ông lý giải: “Đặc thù công việc của bác sĩ (BS) chỉ ra về khi hết yêu cầu của bệnh nhân và khi BS đã mở phòng mạch tư thì sẽ bị phân tâm khi làm tại BV. Như vậy, hiệu quả công việc không thể đạt được. Thậm chí, nếu vì nôn nóng về với phòng mạch tư thì có thể xảy ra sơ suất, ảnh hưởng đến uy tín của BV...
Hơn nữa, nghề y là nghề có cả danh dự lẫn tủi nhục, hợp pháp lẫn bất hợp pháp và chịu nhiều rủi ro. Danh dự ở chỗ BS có thể cứu người giúp đời, hợp pháp là được pháp luật cho phép làm ngoài giờ. Nhưng tủi nhục ở chỗ, không ít người đã lợi dụng kiến thức để trục lợi, lợi dụng bệnh nhân để kiếm tiền.
Bất hợp pháp là họ có thể làm những điều trái với quy định như vừa khám bệnh vừa kê toa, vừa bán thuốc... Như vậy là sai chức năng. Hoặc chuyên môn là ngoại khoa, nhưng lại đi chọc xoang mũi... Và hơn nữa, nếu làm phòng mạch tư cũng không thể tránh được những rủi ro nhất định trong điều trị, chuyên môn. Như vậy dễ dẫn đến việc bị bệnh nhân kiện tụng...
Sau khi phân tích tất cả các khía cạnh như vậy, tôi thấy không nên để bác sĩ ở bệnh viện tôi mở phòng mạch tư. Nhưng để đảm bảo quyền lợi, thu nhập đảm bảo cuộc sống cho gia đình thì tôi kêu gọi đội ngũ BS tại BV làm thêm ngoài giờ tại phòng khám của BV”.
Chủ trương của BV Chợ Rẫy nhận được sự đồng tình từ nhiều phía. Ông Nguyễn Xuân Huy - Giám đốc BV Phụ sản quốc tế Sài Gòn – bộc lộ quan điểm: “Tôi đã quyết định hỗ trợ những BS không mở phòng mạch tư, dành thời gian và tâm huyết cho công việc ở BV. Tôi còn thực hiện mua bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp cho các BS. Nghề y là nghề cần được bảo vệ. Bởi có an tâm, có thoải mái tinh thần, BS mới có thể đem hết sức lực, trí tuệ của mình dồn vào công việc chuyên môn”.
Xã hội hoá y tế - đến lúc phải nhìn lại
Khi Pháp lệnh Hành nghề y dược tư nhân được ban hành (1995), đã mở rộng cánh cửa cho công tác xã hội hoá y tế. Phòng khám tư nhân mọc lên như nấm sau mưa. Đến nay, trên cả nước có 30.000 phòng khám tư và 50 bệnh viện tư. Không thể không ghi nhận sự góp sức của các phòng khám và bệnh viện tư trong việc giải quyết sự quá tải bệnh nhân của các BV công.
Tuy nhiên, về chất lượng khám chữa bệnh của các phòng khám tư còn nhiều bất cập, mà các cơ quan quản lý còn chưa kiểm soát được. Theo kết quả thanh tra hành nghề y dược tư nhân toàn quốc của Bộ Y tế năm 2005, có 420 đơn thư khiếu nại, tố cáo phản ánh về chất lượng điều trị, tai biến phẫu thuật, sốc thuốc tại các phòng khám tư nhân.
Nhiều nơi, các BS hành nghề chủ yếu là người đã về hưu hoặc mới ra trường, mức độ cập nhật thông tin yếu. Đại bộ phận phòng khám tư nhân vừa kê đơn, vừa bán thuốc là trái với quy định của Bộ Y tế, công tác vô khuẩn của các phòng khám tư còn rất hạn chế...
Dư luận vẫn chưa thể quên chuyện hơn 30 phụ nữ ở làng Lương Đình (Bắc Sơn, Sóc Sơn) đã bị Phòng khám tư nhân số 26 Thợ Nhuộm (Hà Nội) đưa ra kết luận tất cả đều bị u xơ tuyến vú và đưa ra quyết định phải tiểu phẫu khối u để sinh thiết. Thế là mỗi bệnh nhân mất ít nhất từ 600.000 đồng đến 1.200.000 đồng để bóc tách khối u.
Sau đó, Bệnh viện K về khám và đưa ra kết luận chỉ là viêm xơ chứ không phải u xơ và chỉ cần uống thuốc là khỏi. Chỉ vì mỗi lần “rạch” là có tiền nên phòng khám 26 Thợ Nhuộm đã quyết định… “rạch” hết. Không ít bệnh nhân phản ánh kết quả trái ngược nhau của các phòng khám tư nhân. Nhưng vì tình trạng quá tải của các BV công, đã buộc người bệnh phải tìm đến các phòng khám tư nhân.
Cấm hay không cấm bác sĩ mở phòng mạch tư, còn nhiều chuyện cần phải bàn về góc độ quản lý. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng “công, tư” phải rõ ràng, không thể nhập nhằng giữa “công” và “tư”, điều này là cần thiết. Theo Pháp lệnh Hành nghề y dược tư nhân, không ai cấm BS làm thêm giờ, làm ngoài giờ. Nhưng vì có phòng mạch tư nên tình trạng “câu” bệnh nhân về phòng khám, tự kê đơn thuốc, điều trị không đúng chuyên môn đào tạo... làm ảnh hưởng đến sức khoẻ bệnh nhân và giảm uy tín, đạo đức nghề nghiệp.
Ông Lê Văn Truyền - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế - cho biết: “Tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm của BV Chợ Rẫy. Khi ở Bộ Y tế, tôi được giao nhiệm vụ chỉ đạo soạn thảo bản dự thảo Pháp lệnh Hành nghề y dược tư nhân, tôi đã đưa ra quan điểm: Bác sĩ, dược sĩ được tự lựa chọn hình thức hành nghề, chọn 1 trong 2, phục vụ y tế công hoặc làm trong khu vực y tế tư nhân”.
Sự phát triển của công tác xã hội hoá với tốc độ nhanh trong 10 năm qua đã nảy sinh nhiều bất cập, đã đến lúc Bộ Y tế cần sửa đổi Pháp lệnh Hành nghề y dược tư nhân để phù hợp với thực tế.
Người thầy thuốc không còn bị phân tâm, “chân ngoài dài hơn chân trong” sẽ mang lại hiệu quả cho cả người bệnh và cả người thầy thuốc.
Bà Nguyễn Thị Hoài Thu - Chủ nhiệm UB các Vấn đề xã hội của Quốc hội: Tôi hiểu GĐ BV Chợ Rẫy muốn giữ thương hiệu cho mình khi ra quyết định đó. Bởi BV thấy cần tập trung cho công tác điều trị, cũng như tạo điều kiện cho bác sĩ có thêm thu nhập và phát huy tài năng. Rõ ràng đây là điều tốt. Tất nhiên cái mới đưa ra thì dư luận sẽ bàn tán, nhưng cần bình tĩnh lắng nghe đề án của BV Chợ Rẫy, tìm hiểu vì sao BV dám đề xuất ý kiến mà họ biết chắc khi đưa ra, họ sẽ bị phản đối. Chúng ta cũng kêu gọi các thầy thuốc tập trung ý chí, năng lực vào công việc trong BV. Bởi làm thầy thuốc tốt không phải chỉ tốt trong y tế tư nhân, mà còn phải làm tốt ở BV công. Chỉ làm tốt trong tư nhân thì một chân bị khập khiễng. Người tật nguyền xã hội còn châm chước, còn tật nguyền theo kiểu tự mình muốn “chân ngoài dài hơn chân trong” thì không chấp nhận được. Bác sĩ Nguyễn Thái Sơn - PGĐ BV Saint - Paul (Hà Nội): BV chỉ nên kêu gọi bác sĩ làm việc tại các phòng khám ở BV, thay vì mở phòng mạch tư, và cho phép họ tự do lựa chọn. Đây cũng là một cách làm kinh tế của BV Chợ Rẫy, bởi thay vì tiền dịch vụ chảy vào túi tư nhân, nó sẽ được chuyển về BV. |
Theo Lê Huân - Thể Uyên - Nguyễn Hằng
Lao Động