1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bác sĩ bỏ quên mũi khoan trong chân bệnh nhân

Làm gãy mũi khoan trong chân bệnh nhân nhưng Bệnh viện Đa khoa Kon Tum không thông báo gì cho gia đình bệnh nhân. Suốt 19 tháng, bệnh nhân này phải sống với mũi khoan gãy trong xương đùi.

Bệnh nhân đớn đau

 

Gia đình em Đinh Trọng Hiếu, học sinh lớp 12, Trường THPT Quang Trung (huyện Sa Thầy) vừa có đơn gửi đến báo khiếu nại về việc BVĐK Kon Tum để mũi khoan gãy trong chân em Hiếu suốt hơn 19 tháng qua.

 

Bác sĩ bỏ quên mũi khoan trong chân bệnh nhân - 1

Vết thương ở chân em Hiếu ngày càng đau nhức, khiến việc sinh hoạt vô cùng khó khăn.

 

Theo đơn, ngày 31/1/2010, gia đình đưa em Hiếu đến BVĐK Kon Tum điều trị do bị ngã xe gãy chân. Theo chẩn đoán, em Hiếu bị gãy kín xương đùi trái. Phương pháp điều trị là mổ kết hợp xương, kháng sinh, giảm đau. Sau đó, BVĐK Kon Tum đã tiến hành bắt nẹp vít xương đùi cho em Hiếu.

 

Ngày 9/2/2010, Hiếu được xuất viện với lời hẹn tái khám sau 3 tuần. Theo lời dặn của bác sĩ, em Hiếu đến tái khám đúng hẹn. Kết quả tái khám cho thấy vết thương ổn định. Riêng việc mổ tháo nẹp vít, ông Đinh Tiến Hóa, bố em Hiếu cho biết: “Bác sĩ Dương, người mổ cho con tôi có dặn: Tốt nhất là sau một năm và mổ ở đâu cũng được”.

 

Cũng theo ông Hóa, ngày 19/7/2011, gia đình đã đưa em Hiếu đến BVĐK tỉnh Bình Định để tháo nẹp vít. Tuy nhiên, sau khi xuất viện chỗ vết thương của em Hiếu vẫn chảy dịch và nổi u lên. Ngày 19/9, khi đưa em Hiếu đi chụp X quang lại, gia đình tá hỏa khi biết trong chân em Hiếu có một mũi khoan bị gãy nằm sâu trong xương đùi.

 

“Từ khi bị nạn đến giờ con tôi sa sút sức khỏe rất nhiều. Đặc biệt là thời gian gần đây, cháu liên tục kêu đau, sức khỏe cũng suy giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập” - ông Hóa cho biết.

 

Bệnh viện lật kèo?

 

Ngày 28/10/2011, sau khi nhận được đơn khiếu nại, BVĐK Kon Tum đã có cuộc đối thoại với gia đình em Hiếu. Tại cuộc đối thoại này, BVĐK Kon Tum thừa nhận: “Trong quá trình phẫu thuật ở thì cuối có gãy mũi khoan”. Song cho rằng các yêu cầu về mặt kỹ thuật và sức khỏe của bệnh nhân tại thời điểm phẫu thuật không cho phép kéo dài cuộc mổ nên “dự định” sẽ giải quyết khi phẫu thuật tháo phương tiện.

 

Về cách giải quyết, BVĐK Kon Tum chấp nhận chịu hoàn toàn chi phí cho việc phẫu thuật lấy mũi khoan gãy, nhưng với điều kiện là phải phẫu thuật tại BV.

 

Cũng tại cuộc đối thoại này, ông Trương Ngọc Nhân - Trưởng khoa ngoại BVĐK Kon Tum, cho rằng: “Việc lấy mũi khoan bị gãy tại cuối thời điểm phẫu thuật là khó khăn chứ không phải là sự vô trách nhiệm; vấn đề giải thích của phẫu thuật viên là chưa chu đáo”.

Ông Đinh Tiến HóaTrong khi đó, trong buổi làm việc với phóng viên, ông Phạm Bá Đà - Phó Giám đốc BVĐK Kon Tum cho rằng chưa hề biết gì về chuyện này. Còn ông Hóa thì bức xúc: “Họ nói như thế là cố tình lật kèo. Không vô trách nhiệm thì tại sao từ khi con tôi xuất viện đến nay, BVĐK Kon Tum không hề có bất kỳ liên lạc gì với gia đình tôi? Trong khi đó, là bác sĩ lẽ ra họ phải hiểu rằng nếu để càng lâu mũi khoan càng líp sâu vào trong xương sẽ khiến việc phẫu thuật lấy ra càng trở nên khó khăn.

 

Lỗi này hoàn toàn thuộc về BVĐK Kon Tum, họ không thể không xử lý một cách thấu đáo. Chỉ riêng việc chữa trị, bồi dưỡng cho con tôi suốt thời gian qua cũng đã khiến gia đình tôi quá lao đao. Họ không thể phủi tay một cách nhẹ nhàng như vậy được”.

 

Theo Duy Hậu

Dân Việt