Bạc Liêu "làm đủ cách" chưa cải thiện được chỉ số năng lực cạnh tranh

Huỳnh Hải

(Dân trí) - Theo Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu, từ năm 2020 đến nay, tỉnh làm đủ cách để tháo gỡ khó khăn như liên tục đối thoại với doanh nghiệp nhưng kết quả chưa như mong muốn.

Phát biểu tại Hội nghị đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 chiều 29/8, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết sau khi đạt thứ hạng 7/63 tỉnh, thành vào năm 2012, từ đó đến nay tỉnh luôn ở thứ hạng tương đối thấp, thậm chí năm 2020 xếp 63/63, thấp nhất cả nước.

Theo Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu, từ năm 2020 đến nay, tỉnh làm đủ cách để tháo gỡ khó khăn như liên tục đối thoại với doanh nghiệp nhưng kết quả chưa như mong muốn.

Năm 2023 tỉnh có tăng điểm so với 2022 nhưng vẫn không nằm trong top 30, điều này cho thấy chỉ số PCI của tỉnh vẫn chưa tốt.

Bạc Liêu làm đủ cách chưa cải thiện được chỉ số năng lực cạnh tranh - 1

Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều phát biểu tại hội nghị (Ảnh: H.H).

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bạc Liêu, năm 2023 chỉ số PCI của tỉnh có 6 chỉ số thành phần tăng điểm; 4 chỉ số giảm điểm gồm: Tiếp cận đất đai (năm thứ 3 liên tiếp); đào tạo lao động (4 năm liên tiếp); chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (năm thứ 2 liên tiếp); thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (giảm nhiều nhất).

Với chỉ số doanh nghiệp cho rằng khó tiếp cận đất đai, ông Nguyễn Bình Thuận, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu, cho rằng nguyên nhân chủ yếu hiện nay tỉnh có một số khu, cụm công nghiệp, dự án được quy hoạch chưa có đất sạch giao cho doanh nghiệp đầu tư.

"Chỉ số tiếp cận đất đai 3 năm liên tục thấp cho thấy chưa có chuyển biến gì, cái này Giám đốc Sở Tài nguyên phải nhìn nhận lại trách nhiệm của mình, hay là sợ trách nhiệm nên không dám làm", Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu thẳng thắn và yêu cầu lãnh đạo Sở nghiên cứu lại đơn vị mình.

Bà Trần Yến Hòa, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu, nhìn nhận hạn chế, thiếu sót khi chỉ số đào tạo lao động của tỉnh còn thấp.

Theo bà Hòa, nguyên nhân do chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đồng đều, chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp; số lượng cơ sở đào tạo còn ít nên tuyển sinh chưa đạt yêu cầu đề ra;…

Chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn thấp, theo ông Tô Minh Đương, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu, việc xúc tiến thương mại do nguồn kinh phí có hạn nên hỗ trợ còn hạn chế; hội nhập kinh tế quốc tế chưa có đội ngũ cán bộ chuyên sâu; chất lượng các loại dịch vụ chưa cao;…

Bà Bùi Thanh Nguyên, Chánh Thanh tra tỉnh Bạc Liêu, kiến nghị UBND tỉnh thời gian tới tiếp tục chỉ đạo thanh tra xây dựng kế hoạch hàng năm, chuyên đề, đột xuất việc thực hiện công vụ đối với cán bộ, công chức ít nhất 2 lần/năm để xem cán bộ có gây phiền hà cho doanh nghiệp hay không.

Ông Lê Chí Tôn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bạc Liêu, cho rằng mặc dù năm 2023 tỉnh không lọt vào top 30 nhưng có 3 điểm sáng đó là tính năng động, tính minh bạch và chi phí không chính thức. Điều đó cho thấy tỉnh đã nỗ lực rất lớn.

"Từ khi tái lập tỉnh hơn 20 năm, chúng ta cứ nói cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, tuổi đời dài ra nhưng không lớn lên được. Làm thế nào cho doanh nghiệp lớn lên, phải có "con chim đầu đàn"", ông Tôn chia sẻ trước việc PCI của tỉnh còn thấp.

Ông Huỳnh Quốc Việt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu, cho rằng tỉnh đặt mục tiêu vào top 30, việc chỉ số còn thấp phải phân tích kỹ nguyên nhân, cần tăng thêm bao nhiêu để có giải pháp hiệu quả.

"Bí thư, chủ tịch các địa phương, thủ trưởng đơn vị cùng nhau rà soát lại, xem cái nào còn vướng mắc thì tháo gỡ, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp", ông Việt đề nghị và cho biết sẽ căn cứ vào chỉ số này để đánh giá mức độ nhiệm vụ của cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.