Bạc Liêu: Bão cấp 10 trở lên, 120.000 người ở ven sông, biển phải di dời

Huỳnh Hải

(Dân trí) - UBND tỉnh Bạc Liêu vừa có kế hoạch phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh này trong giai đoạn 2020 - 2025.

Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, qua thống kê, tỉnh này có ít nhất 11 loại thiên tai thường xuất hiện, gồm: Bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, hạn hán, xâm nhập mặn, ngập lụt, sạt lở đất, nước dâng do triều cường, mưa trái mùa, gió mạnh trên biển.

Nhận định của ngành Khí tượng thủy văn cho biết, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trong thời gian tới, số lượng các cơn bão hoạt động trên biển Đông có xu hướng tăng về cường độ, tốc độ; đường đi của bão phức tạp và có xu thế dịch chuyển về phía Nam. Ngoài ra, các loại thiên tai khác cũng có diễn biến phức tạp, khó lường.

Bạc Liêu: Bão cấp 10 trở lên, 120.000 người ở ven sông, biển phải di dời - 1

Bạc Liêu di dời dân trong đợt ảnh hưởng bão vào cuối năm 2017.

Toàn tỉnh Bạc Liêu có 30 xã được xác định thuộc khu vực dễ bị tổn thương, tập trung chủ yếu ven biển, ven sông, cửa sông và cửa biển (huyện Đông Hải, huyện Hòa Bình, TP Bạc Liêu).

Tại các khu vực ven biển, ven sông lớn (32 xã), tổng số người bị ảnh hưởng và có thể phải di dời đến nơi an toàn khi có áp thấp nhiệt đới, bão cấp 10 trở lên khoảng 120.000 người (trong đó có khoảng 60% người già, phụ nữ và trẻ em).

Ngoài ra, các tuyến đê biển, bờ biển, kè, đê sông,… vào những thời điểm triều cường dâng cao, sóng to gió lớn, ngập nước có nguy cơ bị sạt lở cao, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của người dân.

Trong kế hoạch, UBND tỉnh Bạc Liêu cũng đưa ra những đánh giá về nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, phương tiện, vật tư, mức độ nhận thức, cũng như phân tích những rủi ro, từ đó có các biện pháp để ứng phó các loại thiên tai.

Trong công tác phòng ngừa, ngoài giải pháp phi công trình, tỉnh này cũng thực nhiện giải pháp công trình với số vốn dự kiến đầu tư là hơn 9.615 tỷ đồng.

Nguồn kinh phí trên để hiện đại hóa hệ thống thủy lợi (hơn 1.650 tỷ đồng), xây mới và nâng cấp hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp (trên 647 tỷ đồng), đầu tư xây dựng và nâng cấp tuyến đê biển Đông (hơn 3.390 tỷ đồng), đầu tư xây dựng đê sông (hơn 2.270 tỷ đồng), các công trình phòng chống sạt lở bờ biển (300 tỷ đồng), công trình di dân (hơn 1.340 tỷ đồng).