1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Bác” đề xuất đưa biển số xe vào Luật Đấu giá tài sản

(Dân trí) - Luật Đấu giá tài sản được Quốc hội thông qua chiều nay 17/11 không đồng ý đưa biển số xe, quyền sở hữu trí tuệ, quyền khai thác cảng biển, sân bay vào danh mục tài sản bắt buộc phải thông qua đấu giá.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Theo quy định của Luật Đấu giá tài sản vừa được Quốc hội thông qua, tài sản phải bán thông qua đấu giá bao gồm: Tài sản nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật; Tài sản là quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; Tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm; Tài sản thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự; Tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước, tài sản kê biên để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

Tài sản là hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia; Tài sản hạ tầng đường bộ và quyền thu phí sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Tài sản là quyền khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản; Tài sản là nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật...

Đáng chú ý, Luật Đấu giá tài sản đã “bác bỏ” đề xuất đưa biển số xe, quyền sở hữu trí tuệ, quyền khai thác cảng biển, sân bay vào danh mục tài sản bắt buộc phải thông qua đấu giá.

Giải thích về điều này, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng Luật đấu giá tài sản là luật hình thức, quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản; còn việc quy định loại tài sản phải bán thông qua đấu giá là thuộc quy định của luật nội dung.

Việc quy định các loại tài sản phải bán thông qua đấu giá hiện nay đã được quy định cụ thể trong pháp luật chuyên ngành (luật nội dung). Trên cơ sở rà soát quy định tại pháp luật chuyên ngành, Luật Đấu giá tài sản vừa được Quốc hội thông qua đã quy định cụ thể các loại tài sản phải bán thông qua đấu giá theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, làm cơ sở cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân tuân thủ trình tự, thủ tục khi bán đấu giá các loại tài sản đó.

Trường hợp pháp luật chuyên ngành quy định biển số xe, quyền sở hữu trí tuệ, quyền khai thác cảng biển, sân bay hoặc các tài sản khác... phải bán thông qua đấu giá thì tài sản đó sẽ được thực hiện theo trình tự, thủ tục của Luật đấu giá tài sản. Đồng thời, để đảm bảo tính thống nhất, ổn định, lâu dài, Luật Đấu giá tài sản đã quy định thêm một điểm “thòng”: Các tài sản khác mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá.

Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực từ ngày 1/7/2017 quy định, người trúng đấu giá là cá nhân, tổ chức trả giá cao nhất so với giá khởi điểm hoặc bằng giá khởi điểm trong trường hợp không có người trả giá cao hơn giá khởi điểm khi đấu giá bằng phương thức trả giá lên hoặc cá nhân, tổ chức chấp nhận mức giá khởi điểm hoặc mức giá đã giảm trong trường hợp đấu giá bằng phương thức đặt giá xuống.

Phương thức đặt giá xuống là phương thức đấu giá, theo đó đấu giá viên đặt giá từ cao xuống thấp cho đến khi xác định được người chấp nhận mức giá do đấu giá viên đưa ra.

Phương thức trả giá lên là phương thức đấu giá, theo đó người tham gia đấu giá trả giá từ thấp lên cao cho đến khi xác định được người trả giá cao nhất so với giá khởi điểm.

Nghiêm cấm móc nối, thông đồng

Luật Đấu giá tài sản nghiêm cấm đấu giá viên cho thuê, cho mượn hoặc cho các cá nhân, tổ chức khác sử dụng Chứng chỉ hành nghề đấu giá của mình; lợi dụng danh nghĩa đấu giá viên để trục lợi; thông đồng, móc nối với người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, tổ chức thẩm định giá, tổ chức giám định tài sản đấu giá, tổ chức, cá nhân khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, dìm giá, làm sai lệch hồ sơ đấu giá và kết quả đấu giá tài sản.

Nghiêm cấm người có tài sản đấu giá thông đồng, móc nối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, tổ chức, cá nhân khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, dìm giá, làm sai lệch hồ sơ đấu giá và kết quả đấu giá tài sản; nhận bất kỳ một khoản tiền, tài sản hoặc lợi ích nào từ đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, người tham gia đấu giá để làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản.

Nghiêm cấm người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức khác cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ giả mạo để đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá; cản trở hoạt động đấu giá tài sản; gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá hoặc đe dọa, cưỡng ép đấu giá viên, người tham gia đấu giá khác nhằm mục đích làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản...

Kha Xuân Lộc