Ba thầy trò bị nhốt hơn 3 tiếng đồng hồ
(Dân trí) - Chuyện hy hữu kể trên xảy ra tại trường Trung học Tư thục Kinh tế - Kỹ thuật Đức Minh (Đà Nẵng). Điều đáng nói là đến nay hình thức xử lý của nhà trường vẫn chỉ dừng ở mức… rút kinh nghiệm.
Theo tường trình của thầy Nguyễn Thế Nghĩa - giáo viên thực hành điện tử - vào 13h30 chiều thứ bảy (1/7/2006), thầy Nghĩa cùng với hai học sinh Bùi Hữu Trung và Trần Anh Sang của lớp 04DT đã bị nhốt trong phòng thực hành tại cơ sở 215 Hoàng Diệu đến tận 16h45 mới được mở cửa để ra ngoài.
Thầy Nghĩa cho biết thêm, ngay từ giờ nghỉ trưa thầy đã bị “giam lỏng” trong phòng vì cổng đã bị thay bằng khoá khác. Trước đó thầy Nghĩa được giao cả chìa khoá cổng và chìa khoá phòng thực hành để phục vụ công việc.
Đến khoảng 13h10, thầy Nguyễn Văn Bính (Trưởng phòng quản lý học sinh) lên phòng thực hành yêu cầu thầy Nghĩa xuống nhắc nhở học sinh để xe đạp gọn gàng nhưng thầy Nghĩa không chấp hành vì xét thấy đây không phải là trách nhiệm của mình.
Thầy Bính tiếp tục yêu cầu thầy Nghĩa ra ngoài để khoá cửa nhưng thầy Nghĩa cho rằng đang trong giờ làm việc nên không thể rời khỏi phòng thực hành được. Lời qua tiếng lại, thầy Bính đã lấy một ổ khoá khác khoá cửa, nhốt luôn thầy Nghĩa cùng hai học sinh của mình trong phòng thực hành không cho ra ngoài.
Trong suốt hơn ba tiếng đồng hồ “giam giữ” người, thầy Bính đã ba lần mang chìa khoá lên yêu cầu anh Nghĩa xin lỗi mới mở cửa nhưng thầy Nghĩa nhất mực không chấp nhận vì thấy “mình không có lỗi”.
Thầy Nghĩa cùng 2 học sinh chỉ được giải thoát khi có sự can thiệp của bà Nguyễn Thị Chung - Chủ tịch HĐQT nhà trường - sau khi thầy Nghĩa gọi điện ra ngoài báo cáo sự việc. Những học sinh chứng kiến sự việc đã rất bức xúc trước hành động khoá cửa nhốt đồng nghiệp của thầy giáo Nguyễn Văn Bính.
Trong buổi làm việc với phóng viên ngày 4/7, ông Bính thừa nhận rằng hành động khoá trái cửa nhốt thầy Nghĩa và 2 học sinh khác là do quá nóng giận nên mất bình tĩnh, không tự chủ được. Mục đích của việc khoá cửa không cho thầy Nghĩa ra ngoài của ông Bính là “muốn nhắc nhở anh Nghĩa về thái độ với cấp trên” mà theo ông Bính là “xấc xược và ngang ngược”.
Bà Nguyễn Thị Chung cho biết, phải đợi sau khi học sinh hoàn thành bảo vệ đề tài thực tập, sự việc mới có thể giải quyết vì cũng chỉ là “mâu thuẫn giữa cá nhân với nhau”.
Tuy nhiên, thông tin mới nhất mà chúng tôi có được, ngày hôm qua, 6/7, Ban giám hiệu nhà trường đã tổ chức họp về sự việc này và “hình thức kỷ luật” được đưa ra là… rút kinh nghiệm với những bên có liên quan!
Phạm Phúc Hưng