1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

“Ba nhiệm kỳ Quốc hội, tôi chỉ làm được một việc”

(Dân trí) - Cư Hoà Vần là cái tên rất “nổi” ở Quốc hội cách nay vài khoá. Giọng điệu tưng tửng, lối nói thẳng băng pha lẫn hài hước khi “truy” vào ngóc ngách các vấn đề là điểm có thể “nhận diện” ông trong các cuộc hội họp.

Vị Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam này có khả năng khiến những hội nghị góp ý, phản biện đối với các vấn đề lớn, rất phức tạp có thêm nhiều... tiếng cười "suy ngẫm".

Ông quan niệm, những cái thấy mình làm sai thì phải rút lui, còn những việc thấy mình đúng phải theo đến cùng. Nhìn lại 3 nhiệm kì tham gia Quốc hội, ông thấy mình chỉ làm được... một việc, đó là chương trình 135. 

Nhà chùa không tiêu như vậy!

Ông từng nói về chuyện chiếc ghế dùng cho Chủ tịch UBND một huyện miền núi ngồi mà giá cũng tới 20 triệu đồng. Những kiểu "chơi sang" như vậy không phải là hiếm, thưa ông?

Câu chuyện cái ghế, có thể nói là khá phổ biến. Đấy mới là ở miền núi, nơi đồng bào còn khổ nhiều mà như thế thì đồng bằng, thành thị còn nặng nề hơn thế nhiều. Có những nơi chỉ là cấp phòng thôi mà trang bị cũng "kinh khủng". Việc sử dụng thiết bị, tài sản công theo kiểu phô trương, hình thức thực tế tương đối nhiều.

Ở thời buổi lạm phát như lúc này, tiết kiệm là điều không còn phải bàn cãi. Tuy nhiên, vấn đề đáng nói là ở chỗ, với người dân, việc tiết kiệm là "sát sườn" và điều nhiều người lo nhất chính là việc tiết kiệm của các "VIP", những người nắm giữ các khoản ngân sách.

Chúng ta kêu gọi toàn dân tiết kiệm là rất đúng, bởi như ta hay nói "góp gió thành bão", từ cái nhỏ mới có cái lớn. Nhưng điều đáng nói nhất ở đây là chi tiêu ngân sách nhà nước. Nếu là tài sản của mình thì rõ ràng, mình sẽ "đau" khi chi tiêu, mình phải suy nghĩ làm thế nào cho hiệu quả nhất, trong khi với tài sản nhà nước, người ta hay nói là "tiền chùa" và nhiều khi phung phí. Mà tôi hỏi người nhà chùa, họ bảo "người ta nói thế, nhưng chúng tôi có tiêu như vậy đâu".

Việc học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta có những câu chuyện kể, phong trào rất hay, rất xúc động, nhưng làm theo thì… không rõ nét. Tôi chỉ nói, biết bao công trình đầu tư lớn không có hiệu quả, những quy hoạch treo gây ra lãng phí và tham nhũng lớn lắm. Việc nhỏ như xe công của ta, đã từ rất lâu đến nay, cứ phải nói mãi nào là thừa tiêu chuẩn, nào là sử dụng sai mục đích... Tôi cũng có trao đổi lại với một số người có trách nhiệm nhưng được "rỉ" tai, việc khó lắm, không đơn giản như ta nghĩ đâu. Như vậy là chúng ta đang rơi vào tình trạng nể nang lẫn nhau.

Ông đã đến nhiều nước và hẳn sẽ có những lúc ông làm phép so sánh?

Đúng thế! Có lần tôi tới Ấn Độ và thăm bang do Đảng Cộng sản cầm quyền. Thống đốc bang ở đó tiếp đoàn chúng tôi tại một căn phòng mà bàn ghế rất đơn sơ, đến mức tương tự ở huyện ngày xưa tôi làm lãnh đạo, thời bao cấp. Họ tiếp khách, có nước, có một chút bánh kẹo. Kết thúc công việc, chúng tôi cùng ra chỗ tượng đài Bác Hồ ở thành phố ấy, chụp ảnh lưu niệm rồi về, rất đơn giản... Thời còn làm bên Quốc hội, đi nhiều nước, tôi thấy hầu hết các nơi cũng rất đơn giản, chứ không cầu kỳ như ở mình.

Tiếp các già làng trưởng bản, tôi nhất thiết mời ăn cơm và uống rượu

Có một lãng phí ông đã từng đề cập là lãng phí từ... chức tước. Hiện có không ít những cơ quan của chúng ta rất nhiều cấp phó và điều này gây nên những lãng phí khác nhau?

Tất nhiên có những trường hợp cụ thể không tránh khỏi, buộc phải nhiều cấp phó trong thời điểm quá độ. Nhưng nói chung không nên để nhiều phó như thế, bởi dân gian cũng đã có câu "nhiều phó thì khó làm ăn". Nhiều phó như thế thì phải phân tán, mỗi phó một mảng, mỗi phó chỉ đạo một cách giải quyết. Khi bàn bạc các vấn đề, nhiều phó, người nói ý này, người nói ý kia… làm cho người làm trưởng nếu không vững vàng thì cũng khó quyết.
“Ba nhiệm kỳ Quốc hội, tôi chỉ làm được một việc” - 1

Không nên để nhiều cấp phó, bởi dân gian cũng đã có câu "nhiều phó thì khó làm ăn".

Về chi tiêu, rõ ràng cứ một phó như thế lại kèm theo những chế độ, thậm chí ở cấp bộ, cấp tỉnh tiêu tốn tới hàng tỷ đồng mỗi năm. Ta hay nói vấn đề lương bổng vẫn thấp, nhưng một người đảm nhiệm vị trí phải trang bị mất bao nhiêu? Nào thì nhà ở, nào sử dụng ôtô thường xuyên... cộng những chi phí như vậy trong một nhiệm kì là rất lớn.

Nhưng nhiều người lí luận rằng, cấp phó nhiều hơn, hiệu quả sẽ cao hơn?

Có thể, một nơi chỉ 1 trưởng, 2 phó hiệu quả làm việc cũng chẳng khác gì một nơi có tới 6-7 phó. Người ta hay lấy lí lẽ hiệu quả đem lại sẽ lớn hơn nhưng chỉ nói chung chung, còn lớn hơn bao nhiêu thì vẫn chưa tính được. Tôi chỉ biết, khoản chi phí tốn kém thế phải lo thế nào. Vậy nên khi sắp xếp, nếu chỉ nghĩ đến điều này cũng đã là tiết kiệm cho dân rồi.

Đã từng trải qua nhiều chức vụ khác nhau, Chủ tịch tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội... vậy những lúc đó ông có tiết kiệm?

Tôi luôn luôn nghĩ đến tiết kiệm.

Nhưng cũng phải có lúc nào đó ông "phóng túng"?

Hồi tôi còn làm Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, các đoàn già làng, trưởng bản đến thăm Hội đồng, tôi nhất thiết mời ăn cơm và uống rượu. Đã có lúc, văn phòng Quốc hội có người ca thán tôi về việc này. Nhưng sau đó, lãnh đạo Quốc hội nói, ông Vần làm như thế là cần thiết vì các già làng trưởng bản, toàn ở những nơi xa xôi hẻo lánh, ít khi được về Hà Nội, ít khi gặp được cơ quan Quốc hội, có khi cả đời chỉ có một lần thôi. Qua đó, các cụ sẽ thổ lộ tâm tư và khi về sẽ kể những cái hay ở trên Quốc hội như thế nào.

135 là chương trình lớn nhất đời tôi

Trong các phát biểu, ông hay "truy" đến ngóc ngách của vấn đề. Vậy có khi nào ông thấy quá thất vọng vì những ý kiến của mình không có tác dụng hay không được thực hiện sau đó?

Cũng có lúc thất vọng. Nhưng nói thật ra, cá tính của tôi là muốn làm được đến đầu đến đuôi. Cũng có những cái mình thấy mình làm sai thì phải rút lui, còn những việc thấy mình đúng thì phải làm đến cùng.

Ví dụ như...?

Khi tôi làm Trưởng ban Định canh - Định cư, có việc đi vào Tây Nguyên thấy sốt rét, đồng bào chết nhiều quá, có những làng 2-3 người chết. Tôi đã đặt vấn đề ở rất nhiều hội nghị nhưng không có tiến triển gì. Sau đó tôi phải soạn một lá thư gửi cho đồng chí Đỗ Mười - Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Nhận được thư, Chủ tịch cử người xuống ngay và bàn bạc với các ban ngành xem nên làm thế nào. Cuộc họp của Ban phòng chống sốt rét sau đó đã đưa ý kiến này vào và đó trở thành quyết sách của chương trình.

Cư Hoà Vần là cái tên rất "nổi" ở Quốc hội cách nay vài khoá. Nhìn lại quãng thời gian còn ngồi ghế nghị trường, "chiến công" nào làm ông hài lòng nhất?

Khi tôi còn ở Quốc hội, Hội đồng dân tộc đã làm 2 việc. Thứ nhất, chương trình 135, từ khóa 9, đã đề ra việc đó nhưng không kết quả. Đến khóa 10, chúng tôi vẫn tiếp tục theo đuổi, kết quả là Quốc hội và Chính phủ đã chấp nhận, đề ra thành chương trình mang tên theo số quyết định được ký khi đó. Thứ hai, cử tuyển cho con em các dân tộc thiểu số. Nhưng việc thực hiện có chỗ sai lệch tới 70-80%. Chúng tôi đã giám sát, quyết tâm theo đuổi việc này và những sai lệch đã được sửa.
 
“Ba nhiệm kỳ Quốc hội, tôi chỉ làm được một việc” - 2
135 chính là cái lớn nhất trước khi tôi trở về "làm dân vạn đại".

Chương trình 135 là điều "lớn" trong cuộc đời ông?

Mỗi khi tôi đi vùng núi, vùng cao, vùng xa, bà con thường hay gọi tôi là "ông 135". Tham gia 3 khóa Quốc hội, nói thật, nếu bảo cái làm được thì chỉ có 135 là có ý nghĩa nhất, còn những việc khác cũng chỉ nói là làm thôi. 135 chính là cái lớn nhất trước khi tôi trở về "làm dân vạn đại".

Tôi tưởng Thủ tướng không hài lòng...

Trong những lần góp ý, phản biện cho Chính phủ, ông thường nói thẳng băng. Ông là người không ngại đụng chạm?

Ngại thì có ngại nhưng với những việc cảm thấy bức xúc thì không nói ra không được. Hồi còn ở Hội đồng dân tộc, tôi cũng đã phản đối quyết định của Chính phủ về Chương trình 5 triệu hécta rừng. Lúc ấy, Quốc hội vừa ra nghị quyết trồng mới 5 triệu hécta rừng, do Chính phủ trình nhưng sau đó Chính phủ lại nói "trồng cây gây rừng". Tôi nói không được, cái này khác với Nghị quyết của Quốc hội. Thêm nữa, đưa cả cây cà phê, cao su và chè vào chương trình 5 triệu hécta rừng, tôi bảo không được vì đây là các loại cây công nghiệp. Tôi phát biểu công khai ở phiên họp của Chính phủ và giám sát những việc không có hiệu quả của chương trình 135, chế độ cử tuyển... Tôi tưởng Thủ tướng Phan Văn Khải không hài lòng lắm...

Nhưng thực tế sau đó thì sao?

Sau đó, chương trình được sửa lại đúng như báo cáo ban đầu, đưa 3 loại cây đó ra, không tính vào rừng. Những việc lệch lạc trong việc thực hiện chương trình 135 và chế độ cử tuyển... được Văn phòng Chính phủ ra thông báo khắc phục. Về sau, Thủ tướng Phan Văn Khải phát biểu trước Quốc hội là: "Chúng tôi mong Quốc hội cũng giám sát như ông Cư Hoà Vần, làm đến nơi đến chốn. Cái gì thấy hay ông ấy khen, cái gì thấy không đúng, ông ấy nói đến tận nơi".

Xin cảm ơn ông!

Cấn Cường - Phương Thảo
(Thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm