Bà lão xếp hạc ở bến Ninh Kiều
(Dân trí) - Ở bến Ninh Kiều này, hạc của bà lão 82 tuổi Nguyễn Thị Ơn vào loại đắt khách nhất. Khách đến mua có đủ lứa tuổi, thành phần, từ trẻ đến già, từ ta đến tây. Họ đến với bà lão vì khoái được chiêm ngưỡng tài nghệ từ đôi bàn tay dăn deo nhưng khéo léo vào loại “xưa nay hiếm”…
Cầm điếu thuốc Barto trên tay, bà lão rít một hơi thật dài, buông ánh mắt xa xăm, chậm rãi: “Cuộc đời tui cũng như những bông lục bình kia, lênh đênh, chìm nổi…”.
Bà lão tên thật là Nguyễn Thị Ơn, đôi bàn tay nhăn nheo, mái đầu trắng như cước, đôi mắt đã đục mờ, lõm trong đôi gò má nhô ra, đầy khắc khổ. Ở cái tuổi 82, không ai nghĩ bà lão còn nhanh nhẹn hoạt bát đến thế. Cầm con dao xé từng chiếc lá dừa, bà lão kể, đời bà có đến mấy chục năm lênh đênh, lặn lội làm mướn mà kiếm chẳng đủ ăn, cứ nghèo túng mãi. Cuối đời, bà lại “lạc” đến chốn phồn hoa đô thị này với “món” đan hạc bằng lá dừa hút hồn du khách.
Thực ra, bà đã bắt đầu xếp hạc khi còn là người “nhân viên già” làm công ăn lương của khách sạn Victoria, nhiệm vụ mỗi ngày là xếp những con hạc làm quà tặng cho du khách, công 20 ngàn một ngày. Sau tuổi già, muốn tự do hơn, bà xin nghỉ rồi trở thành nhân vật không thể thiếu của bến Ninh Kiều.
Đêm nghỉ dưới mái hiên ở góc chợ Cần Thơ, ngày mua lá dừa xếp hạc bán cho khách du lịch. Ở bến Ninh Kiều, hạc của bà thuộc loại đắt khách nhất. Khách đến với bà phần vì muốn ủng hộ, phần vì khoái được chiêm ngưỡng tài nghệ từ đôi bàn tay khéo léo.
Nhìn bà lão rọc lá dừa, gấp thành những mình vuông vắn, thẳng như kẻ chỉ mà không cần dùng mắt ngắm, không ai không khỏi bái phục. Nhiều người khách du lịch sau khi mêm mẩn ngắm đôi tay tuyệt kỹ của bà đã không ngần ngại để vào nón bà những tờ “đô” xanh ngắt, coi như một món quà tặng cho người nghệ nhân già.
Nhiều du khách cũng đòi bà dạy cho cách xếp hạc, nhưng bà bảo hạc của họ không có hồn, bởi khi xếp, họ không truyền “ý” vào đó. Chẳng hạn khi khách muốn một con hạc để tặng cho vợ, chồng, người yêu, bà sẽ xếp đôi hạc “long phụng hòa minh”, hình hai chim phụng lồng vào nhau, biểu tượng cho niềm hạnh phúc lứa đôi. Khi khách muốn tặng hạc cho bạn bè, bà sẽ xâu chuỗi hạc với nhau, biểu tượng cho sự sinh nở phú quý…
Hỏi bao giờ bà lão mới chịu ở nhà cho con cháu phụng dưỡng, bà lão lại trầm ngâm rít một hơi thuốc: “Trước nghỉ rồi, về nhà buồn, “ngứa nghề” nên lại đi. Thân già này không muốn lụy ai, còn chút sức thì còn kiếm ăn được. Nếu có tích góp được mấy đồng cuối tháng về thăm ông lão là vui lắm rồi”.
Đức Nguyễn