1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Ba khuyến nghị về cải cách thủ tục hành chính đối với Việt Nam

(Dân trí) - Trong 2 ngày 25 - 26/11, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội thảo ASEAN - OECD về cải cách các quy định thủ tục hành chính tại Việt Nam. Theo đó Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), đưa ra 3 khuyến nghị cho Việt Nam về vấn đề này.

Đánh giá về quá trình đơn giản hóa thủ tục hành chính của Việt Nam giai đoạn 2007-2010, hay còn gọi là Đề án 30, Phó Tổng thư kí OECD - ông Mario Amano, nói Việt Nam đang đi đúng hướng trong việc đạt được mục tiêu cắt giảm 30% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính. Chính phủ Việt Nam đang đối diện với những thách thức thực thi quan trọng nhằm bảo đảm người dân và doanh nghiệp thực sự cảm nhận được kết quả cải cách.

Theo ông Mario Amano, Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển kinh tế vô cùng quan trọng nếu thủ tục hành chính rườm rà sẽ khiến các doanh nghiệp đối tác nước ngoài xem xét lại việc đầu tư vào Việt Nam. Vì thế việc đơn giản hóa thủ tục hành chính tại Việt Nam đang ở giai đoạn hết sức quan trọng khi các kết quả bắt đầu đạt được.

Trên thực tế hàng nghìn các thủ tục hành chính tại Việt Nam còn thiếu hoặc chưa chính xác đã và sẽ được sửa đổi dựa trên 3 nguyên tắc là sự cần thiết, tính hợp lí và tính hợp pháp.

Theo đánh giá của OECD, lần đầu tiên trong lịch sử, tất cả các thủ tục hành chính tại Việt Nam đã được tập hợp vào một cơ sở dữ liệu quốc gia và công bố trên mạng Internet đã chứng tỏ khả năng hiệu quả trong việc thống kê và xác định các nội dung đơn giản hóa.

Ông Mario Amano cho rằng, “Đề án 30 rất quan trọng, phải là nền tảng để hướng tới một chiến lược cải cách thể chế tổng thể. Đề án 30 đã nâng cao sự mong đợi. Chiến lược này sẽ thu hút đầu tư cần thiết dành phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng điều kiện tốt hơn cho việc hình thành và phát triển doanh nghiệp và chất lượng quản trị - đều là là những nhân tố cần thiết cho sự phát triển của Việt Nam”. Các bài học thành công của Việt Nam sẽ hữu ích cho các quốc gia mới nổi khác đang cải thiện môi trường thể chế.  

Để đơn giản hóa các thủ tục hành chính, OECD đưa ra 3 bước khuyến nghị quan trọng cho Việt Nam, thứ nhất; Xây dựng một chính sách đơn nhất, công khai để thúc đẩy chính sách thể chế xuyên suốt trong bộ máy chính phủ. Việt Nam cần đầu tư cho việc xây dựng năng lực đánh giá tác động nhằm hướng tới việc xây dựng chính sách dựa vào bằng chứng và hỗ trợ cho Cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính có đủ năng lực chủ trì, triển khai thành công chương trình cải cách thể chế tại Việt Nam trong những năn tới.

Thứ hai; Chính phủ cần củng cố việc đối thoại với người dân và doanh nghiệp. OECD khuyến nghị tái cấu trúc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính nhằm tăng tính năng động và hiệu quả, đồng thời giao cho Hội đồng một vị trí vai trò rõ ràng.

Thứ ba; Chương trình cần tập trung vào việc tiếp tục cắt giảm. Việc sử dụng công nghệ thông tin có tiềm năng hỗ trợ cắt giảm gánh nặng nhiều hơn nữa. Cần áp dụng việc thống kê và rà soát mọi văn bản quy phạm pháp luật như đã thực hiện đối với thủ tục hành chính.

Hội thảo ASEAN - OECD được Văn phòng Chính phủ Việt Nam tổ chức dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, có khoảng trên 200 đại biểu trong và ngoài nước tham dự để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của các nước ASEAN và OECD trong cải cách thủ tục hành chính và cải cách thể chế.

 

Hồng Ngân