1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Bà hỏa” rình rập ở các quán karaoke

(Dân trí) - Diện tích chật hẹp, cấu trúc không thông thoáng, không có lối thoát hiểm, khi xảy ra hỏa hoạn, các quán karaoke có nguy cơ trở thành “lò bát quái” khi lực lượng chữa cháy khó tiếp cận hiện trường.

Mối hiểm họa rình rập

Vụ cháy quán karaoke Nhật Thực (ngõ 43 phố Giảng Võ, Hà Nội) khiến 5 người thiệt mạng đã gióng lên hồi chuông về công tác PCCC nói chung và tại các cửa hàng kinh doanh dịch vụ karaoke nói riêng. Song, chỉ cần dạo qua các quán karaoke trên địa bàn Hà Nội, mọi người dễ dàng nhận thấy mối hiểm họa từ cháy nổ luôn rình rập tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ này.

Từ các quán hát cũ kỹ, có từ nhiều năm trước cho đến các cơ sở sang trọng, mới được đầu tư, những khách hàng cẩn trọng cũng không khỏi e ngại khi bước vào đây. Nét chung của hầu hết các cơ sở này là sự lộng lẫy, bắt mắt để thu hút du khách. Song, do đặc thù của dịch vụ, các cơ sở kinh doanh karaoke đều được thiết kế khép kín, ít lối thoát hiểm và đặc biệt có nhiều thiết bị điện.

Quá nhiều thiết bị điện trong những căn phòng khép kín, nhiều vật dễ bắt lửa (Ảnh: Nguyễn Dương)

Quá nhiều thiết bị điện trong những căn phòng khép kín, nhiều vật dễ bắt lửa (Ảnh: Nguyễn Dương)

Dọc phố Xã Đàn (quận Đống Đa), hàng loạt các quán karaoke sang trọng mọc lên từ khi con đường này được hoàn thành. Các phòng hát được bố trí dàn loa, màn hình khủng, phục vụ nhu cầu của khách. Ngoài thang máy, mỗi tầng của các quán hát đều chỉ có một cầu thang nhỏ thông giữa các tầng. Mỗi phòng cũng chỉ có 1 cửa duy nhất để ra vào. Nhiều quán hát còn bố trí cả nhà vệ sinh khép kín ngay trong mỗi phòng hát.

Theo quan sát của chúng tôi, tường và trần mỗi phòng được thiết kế để cách âm giữa các phòng và với không gian bên ngoài. Các vật liệu được sử dụng đều thuộc dạng dễ bén lửa nếu xảy ra hỏa hoạn. Nguy hiểm hơn, xung quanh phòng hát, rất nhiều đèn trang trí được gắn trong tường, trên sàn nhà. Các đồ dùng trong phòng như salon, thảm trải nhà cũng là những vật dụng dễ dàng bắt lửa.

Tại một quán hát bình dân trên phố Chùa Láng (Đống Đa, Hà Nội), mỗi tầng của tòa nhà 5 tầng được thiết kế 3 phòng hát, mỗi phòng chừng 20m2. Ngoài 1 cửa ra vào duy nhất, các phòng hát không còn một lối thoát hiểm nào cho khách nếu hỏa hoạn xảy ra. Sự ngột ngạt trong mỗi phòng hát được chủ quán “hóa giải” bằng những chiếc điều hòa công suất lớn.

Nếu phòng nào khách hút thuốc, nhân viên quán sẵn sàng thắp nến khử mùi khói thuốc ngay trong phòng. Chỉ cần sơ suất, hỏa hoạn hoàn toàn có thể xảy ra.

Cửa hàng karaoke nơi chúng tôi đến đã đi vào hoạt động nhiều năm nay, chỉ có một lối lên là cầu thang bộ. Ngày cũng như đêm, lối cầu thang đều phải bật đèn vì xung quanh đã bị bịt kín. Đáng chú ý, dọc hành lang, cầu thang, trong phòng hát của quán này không có bình chữa cháy tại chỗ, cũng không gắn thiết bị báo cháy tự động.

Hầu như quán nào cũng chỉ có 1 lối thoát duy nhất và rất chật hẹp

Hầu như quán nào cũng chỉ có 1 lối thoát duy nhất và rất chật hẹp

Thờ ơ với “giặc lửa”

Trở lại vụ cháy quán karaoke Nhật Thực trên phố Giảng Võ trưa ngày 3/5, cơ quan chức năng nhận định, để xảy ra vụ việc có lỗi do chủ quán bất cẩn. Tuy nhiên, do chủ quán là Phạm Trung Nam (SN 1972, trú tại số 5 Phủ Doãn, phường Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã tử vong trong đám cháy, cơ quan chức năng không thể lấy lời khai cũng như gặp nhiều khó khăn trong quá trình giám định, điều tra nguyên nhân vụ việc.

Theo một đại diện Công an quận Đống Đa, quán karaoke Nhật Thực có đầy đủ giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đảm bảo an toàn PCCC... Có mặt tại hiện trường khi vụ cháy xảy ra, PV Dân trí ghi nhận nhiều ý kiến của những người dân sống quanh khu vực xảy ra hỏa hoạn, cho rằng họ đã nghe thấy tiếng nổ trước khi phát hiện vụ cháy. Nguyên nhân chập điện, nổ cầu chì đang được cơ quan chức năng xem xét, làm rõ.

Trao đổi với PV Dân trí, Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn - Phó Trưởng phòng Hướng dẫn phòng cháy (Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội) - cho biết, quán karaoke Nhật Thực có diện tích chật hẹp, chỉ có một đường duy nhất nên rất người ở trong khó thoát ra ngoài được khi xảy ra hỏa hoạn.

Nhận định về công tác phòng cháy chữa cháy tại các quán karaoke trên địa bàn Hà Nội, Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn nói: “Đa phần các quán karaoke trên địa bàn Hà Nội được thiết kế giống nhau. Thường sử dụng các chất liệu dễ cháy như mút, gỗ… để trang trí và cách âm.

Bề
ngoài các quán karaoke đều được thiết kế hình hộp bịt kín

Bề ngoài các quán karaoke đều được thiết kế hình hộp bịt kín

Cấu trúc nhiều quán không thông thoáng, diện tích chật hẹp, không có lối thoát hiểm nên rất nguy hiểm. Có những quán sâu trong ngõ, khi xảy cháy, chúng tôi rất khó tiếp cận hiện trường để khống chế ngọn lửa. Mặt khác, nhiều quán không trang bị các thiết dụng cụ chữa cháy tại chỗ và hệ thống báo cháy tự động, nhân viên không được huấn luyện về công tác PCCC…”.

Cũng theo Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, để đảm bảo an toàn, tất các quán karaoke cần có cấu trúc thông thoáng, có lối thoát hiểm; trang bị dụng cụ chữa cháy và lắp đặt thiết bị báo cháy tự động đầy đủ; nhân viên của quán phảiđược huấn luyện về công tác PCCC.

“Nhân viên và khách đến hát đều phải tuân thủ nghiêm về vấnđề PCCC. Nếu xảy ra hỏa hoạn, mọi người phải hết sức bình tĩnh, nhận định tình hình, tránh tháo chạy mà giẫm đạp lên nhau, dùng vải tẩm ướt nước bịt vào mũi và đi thấp người nhanh chóng thoát ra khỏi vùng nguy hiểm...” - Thượng tá Tuấn khuyến cáo.

Nguyễn Dương - Tiến Nguyên