1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Thừa Thiên Huế:

Bà hàng nước làm hướng dẫn viên du lịch

(Dân trí) - Học chưa hết lớp bốn, ngày ngày phải gắn bó với ruộng đồng nương vườn nhưng với tình yêu quê tha thiết, bà Nguyễn Thị Kìn đã trở thành một “hướng dẫn viên du lịch bất đắc dĩ” mỗi khi có du khách về thăm di tích cầu ngói Thanh Toàn.

Hướng dẫn khách bằng …thơ

Chúng tôi ghé quán nước của bà Nguyễn Thị Kìn ở ngay cạnh di tích cầu ngói Thanh Toàn (xã Thuỷ Thanh, thị xã Hương Thuỷ, TT-Huế) qua lời giới thiệu một du khách từ đất Hà thành về dự Festival Huế 2010: “Ở đó có bà bán hàng nước hướng dẫn du khách bằng cách đọc thơ, hát vè hay lắm, ai đang buồn gặp bà cũng vui hẳn”.

Quả không phải lời nói ngoa, thấy khách lạ dừng chân trước quán bà hứng khởi ca ngay: “Ai về thôn Vĩ mà thăm, ai về cầu ngói Thanh Toàn lẫy lừng. các cô các bác thăm cầu ngói à, cần gì tôi kể cho mà nghe”. Lời mời ngọt của người phụ nữ ngoài năm mươi khiến những vị khách khó tính nhất cũng phải chú ý.
 
Bà hàng nước làm hướng dẫn viên du lịch - 1

Bà Nguyễn Thị Kìn đang đề thơ lên quạt giấy tặng khách

Không đợi khách phải đợi lâu, bà kể ngay về lịch sử chiếc cầu “độc nhất vô nhị’ ở Việt Nam này. Chiếc cầu vốn là món quà của bà Trần Thị Đạo, vợ một quan lớn trong triều vì thương dân chúng đi lại khó khăn mà bỏ tiền ra làm cầu. Qua lời thơ, câu chuyện lịch sử của bà thật bay bỏng, cuốn hút người nghe:

“Có bà Thị Đạo họ Trần

Trung kiên thủ tiết tiếng nổi gần xa

Xây cầu con cháu lại qua

Du khách trong ngoài nước ai màng đến thăm

Trung thu tháng tám ngày rằm

Giỗ bà Thị Đạo ngàn năm cõi trần”

Bà Kìn vốn không phải là người ở vùng này, bà lấy chồng rồi theo chồng về đây sinh sống làm ăn: “Quê tui ở Vinh Xuân, huyện Phú Vang, năm 1975 thì tui lấy chồng rồi về đây sinh sống, lúc đó chiếc cầu bị hư hỏng nặng do chiến tranh, mưa gió” - Bà Kìn kể lại. Sau đó 12 trưởng họ ở làng đã họp lại và quyết định tu sửa lại chiếc cầu : “Chiếc cầu được phục dựng là mồ hôi nước mắt của dân làng, phải giới thiệu để mọi người cùng biết và chung tay gìn giữ”. Từ ý nghĩ đó bà đã nảy sinh ý định mở quán nước cạnh cầu để vừa “có đồng vô đồng ra vừa có cơ hội giới thiệu với du khách đến thăm”.

Từ đó đến nay bà chủ hàng nước không nhớ mình đã hướng dẫn cho bao nhiêu đoàn khách nữa. Có những người về Thanh Toàn nhiều lần bởi cảm phục tài năng của người phụ nữ thuần nông này.

Dù đã hơn 10 năm trôi qua nhưng câu chuyện về thầy Trung, nguyên là giáo viên trường Quốc học Huế vẫn khiến bà Kìn nhớ mãi: “Hôm đó có vài người đi về thăm cầu ngói Thanh Toàn, khi dừng chân ở quán nước tình cờ nghe được những câu thơ tui đọc, thấy thơ hay hỏi ra mới biết tui chưa học hết lớp bốn, mấy thầy càng ngỡ ngàng và tặng tui tấm vé số trúng thưởng 125 nghìn vì bởi lúc đó đưa tiền tui nhất quyết không lấy.

Mấy hôm sau lại những vị khách cũ về thăm tui, nhưng lần này như để xác thực “tài nghệ” tui, ông thầy tặng tui tấm vé số nữa với điều kiện phải làm một câu thơ về nó và không được suy nghĩ lâu”- Bà Kìn tự hào nhớ lại.

“Lúc đó tui thật sự lúng túng, không biết làm thơ gì cả nhưng không làm được thì người ta lại bảo là lời đồn dỏm”- Bà Kìn nhớ như y không khí căng thẳng buổi sáng hôm đó. Giọng bà chợt chậm lại và nét mặt nghiêm hơn: “Tôi chợt nghĩ ra và đọc luôn: Nếu như trúng nữa vô đây; tui làm bữa nhậu để riêng tặng thầy…”. Rồi bà đọc một  liền một mạch bài thơ hôm xưa:

Ai về cầu ngói cho em về với

Đã đến nơi rồi ngỡ trong mơ”.

“Trên trời có đám mây xanh

Ngó xuống Cầu Ngói thấy anh ngồi

Hỡi anh ơi anh buồn vì nỗi buồn gì

Để em qua đó vân vi đôi lời

Hay khi chiều về nhìn mục đồng thúc trâu khoá chuồng, bà tức cảnh xuất thơ:

“Bước xuống Thanh Toàn vừa hoàng hôn

Đàn trâu thôi gặm vội bước dồn

Lom khom bên sông mấy bác thợ

Thấp thoáng bên bờ các cô thôn”.

Hoàn toàn bị chinh phục bởi tài thơ ca bà chủ hàng nước, ông thầy giáo đã tặng thêm bà chục tấm vé số “nhưng không trúng chú ơi”- bà Kìn cười vui. Đến nay thỉnh thoảng ông thầy kia, nay đã về hưu, vẫn không quên tặng bà những tập thơ mới mà ông tự sáng tác hay sưu tầm được.
 
Bà hàng nước làm hướng dẫn viên du lịch - 2
Không chỉ hướng dẫn cho du khách trong nước bà Kìn còn hướng dẫn cho cả khách nước ngoài bằng vốn ngoại ngữ tự học của mình

Rất nhiều vị khách một lần về cầu ngói đều không thể quên được bà chủ hàng nước đọc thơ hay, nói cả tiếng ta lẫn tiếng tây như gió: “Thơ tui tự nghĩ ra hết chứ có thời gian mô mà đọc sách đọc vở, tiếng tây thì mình nghe người ta nói rồi học lỏm thôi, biết thì biết để chào hỏi, chỉ đường cho người ta vậy thôi chứ giỏi gì đâu”- Bà Kìn khiêm tốn cười.

“Hàng năm trường đều tổ chức cho các bạn về thăm các di tích trên địa bàn, trong đó có cầu ngói Thanh Toàn, lần nào về cũng nhờ bác Kìn hát vè, hò giã gạo vừa là hướng dẫn viên cho đoàn luôn”- Bạn Võ Trần Phi Long, CLB Students’ Tourism Club trường Đại Học khoa học Huế cho biết.

Nỗi lòng bà chủ hàng nước làm du lịch không công

Không thể phủ nhận những đóng góp của bà Nguyễn Thị Kìn trong việc quảng bá, giới thiệu di tích Cầu ngói Thanh Toàn với du khách: “Nhờ có chị Kìn mà chúng tôi hiểu rõ hơn về di tích cầu ngói, cách giới thiệu của chị còn hơn cả nhiều hướng dẫn viên có bằng cấp hẳn hoi”- Cô Nguyễn Thị Nhàn, một du khách ở Sài Gòn nhận xét về người “hướng dẫn viên thuần nông”.

Hướng dẫn cho khách tận tình như vậy nhưng bà Kìn không hề nhận một đồng tiền “bo” của khách : “Tui làm là để mọi người đến Huế hãy ghé thăm cầu ngói để khỏi phụ lòng người xưa”- Bà Kìn tâm niệm.

“Người cả thôn này ai mà không biết bà Kìn, bà hát vè, làm thơ về cầu ngói hay lắm, mỗi khi du khách được bà giúp đỡ đều ngõ ý cho tiền nhưng bà bảo ai có lòng thì mua giúp quán bà chai nước, uống ly cà phê là được rồi”- cụ Trần Thị Sương, một người dân trong thôn kể về người hàng xóm tốt bụng.

“Chồng con tui vẫn thường la mắng tui ăn rồi lo làm chuyện vớ chuyện vẩn, hát hò nhiều cũng có ai biết đâu nên để sức mà nghỉ ngơi nhưng tui cứ mặc kệ, tui làm bởi đam mê và tự nguyện ai biết thì biết, không biết chẳng sao cả”- Bà Kìn bày tỏ.
 
Bà hàng nước làm hướng dẫn viên du lịch - 3
Quán nước trước chân cầu ngói Thanh Toàn của bà Kìn luôn là điểm dừng chân trong hành trình tham quan của du khách

Không chỉ gia đình can ngăn mà một số người dân ở quê thấy quán nước bà ăn nên làm ra bởi sự “trả nghĩa” của khách bắt đầu “lời vô tiếng ra” : “Có người thấy tôi hát chèo cho khách nghe bảo tôi “móc cơm trong họng” người ra mà ăn, nghe thế buồn lắm mấy anh, nhưng việc gì thấy có ích cho làng nước thì mình cứ làm thôi, thiên hạ sao trách họ được”- Bà Kìn giãi bày.

Nhưng có lẽ điều khiến bà chủ hàng nước Nguyễn Thị Kìn lo lắng nhất là giới trẻ ngày nay không mặn mà lắm với công việc truyền nối thơ ca quê hương. Cũng như một mai bà già đi, không thể hò, hát vè cho du khách nữa thì ai sẽ làm việc này. “Mấy đứa trẻ bây giờ thích nhạc ngoại nhạc bốc chứ có mấy đứa yêu dân ca, thích hát vè, hò giã gạo”- Bà Kìn tâm sự.

Theo thống kê của UBND xã Thuỷ Thanh hiện nay trên toàn xã có không đến 10 người còn thuộc và có thể hò những điệu hò giã gạo, hát những bài vè về quê hương cũng như di tích cầu ngói Thanh Toàn: “Việc để thất truyền những điệu hò truyền thống là một mất mát rất lớn,  thời gian qua chi hội đã  vận động, tổ chức các buổi giao lưu để các mẹ, các bà có dịp truyền dạy các điệu hò, điệu vè cho con cháu. Sắp tới chúng tôi sẽ thành lập câu bộ tạo môi trường cho ca vè truyền thống tồn tại”- chị Phan Thị Sương, chi hội trưởng chi hội phụ nữ xã Thuỷ Thanh cho hay.

Chủ tịch xã Thuỷ Thanh, anh Trần Duy Khánh cũng thừa nhận: “Những người như chị Kìn đóng góp rất nhiều cho công tác quảng bá du khách khắp nơi về di sản đất nước, sắp tới xã sẽ lập quỹ để hỗ trợ những đối tượng này đồng thời khuyến khích mọi người trong thôn học tập để bất cứ một người dân nào đều có thể làm du lịch cho quê hương”.
 
Bà hàng nước làm hướng dẫn viên du lịch - 4
Di tích cầu ngói Thanh Toàn với kiến trúc độc đáo bắc qua kênh Như Ý. Đây còn là nơi nghỉ mát của người dân, du khách thập phương mỗi khi về thăm Thanh Toàn.
 

Cầu ngói Thanh Toàn dài 43 thước mộc (gần 19m), rộng 14 thước mộc (gần 6m) bằng gỗ, thiết kế theo kiểu cầu vồn trên có mái ngói che bắc qua kênh Như Ý tại làng Thanh Thuỷ, xã Thuỷ Thanh (thị xã Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế). Cầu ngói Thanh Toàn được Bộ Văn Hoá công nhận Di tích cấp quốc gia theo quyết định số 575QĐ/VH ngày 14/7/1990. Đây là một công trình kiến trúc vô cùng độc đáo, tương tự như Chùa Cầu - Hội An.

 
 
Đại Dương - Văn Mai