1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bà giáo già và đám học trò nghèo

Lớp học đặc biệt của cô Bùi Thị Hoàn nằm ở khu phố Long Điềm, phường Long Bình Tân, Biên Hoà. Ngoài lớp, những đôi dép sờn cũ, đứt quai của học trò xếp đều tăm tắp. Trong lớp, bà giáo 64 tuổi cần mẫn giảng cho các em hiểu ý nghĩa một bài thơ...

 
Bà giáo già và đám học trò nghèo - 1
Cô Hoàn xuống xóm chài, vận động các em nhỏ đến lớp.

 

Chòng chành con chữ sang sông

 

“Việt Nam đất nước ta ơi. Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn…”. Đám học trò người ướt sũng nước mưa mắt tròn, mắt dẹt đồng thanh đọc to mấy câu thơ vừa học. Những đôi bàn tay bé nhỏ mà thô ráp, quen với việc lưới cá, đóng gạch, làm ván ép của các em khó nhọc uốn từng nét bút thành những chữ Việt Nam to, rõ.

 

Hết lau người cho đứa đến lớp trễ lại tất bật tìm tập sách cho đứa mới được cha mẹ đưa vào xin học, bà vừa phải luôn miệng nhắc các em viết cẩn thận cho đúng chính tả. Học trò của bà, gần 50 đứa, 8, 9 tuổi có, 14, 15 tuổi cũng có, đứa nào cũng nhếch nhác chợ đời nhưng đều ham học và ngoan.

 

Bé Ánh, 13 tuổi nhưng có vóc người bé nhỏ như trẻ lên 8, đưa chúng tôi về thăm nhà em sau giờ học. Đó là một cái bè bé nhỏ và trống trải ở xóm chài. Mẹ Ánh đang sốt nằm trên chiếc võng rách. Cậu em nhỏ đang vẩn vơ ngồi chơi với chú mèo con, ba Ánh đi lưới cá chưa về còn anh trai Ánh, 15 tuổi cũng đi làm thuê.

 

Ánh bảo, em không biết chữ, cả cái xóm chài có gần 200 cái bè nơi em sống rất đông trẻ con nhưng cũng rất ít đứa được đến trường. Hàng ngày Ánh và anh trai giúp cha đi thả lưới, cào cá. Cuộc sống khó khăn khiến những người sống trên bè không dám nghĩ đến chuyện lên bờ, tìm trường lớp cho con học.

 

Chị Lê Thị Chinh, mẹ Ánh rưng rưng nước mắt: “Nếu không có cô Hoàn, mấy đứa con tui với tụi nhỏ xóm chài này mù chữ hết”. Ánh thì chỉ bẽn lẽn cười: “Cô dạy biết đọc biết viết, cô dặn con phải ngoan, ráng học giỏi sau này có nghề giúp cha mẹ…”

 

Lớp tình thương trong xóm Việt kiều

 

Năm 1987, cô Hoàn về sống ở xóm Việt kiều. Đây là nơi cư ngụ của bà con người Việt sang Campuchia và trở về nước sau giải phóng. Ngày ấy, cô Hoàn là giáo viên dạy tiếng Anh ở trường THCS Long Bình Tân. Đó cũng là những năm cô gặp nhiều khó khăn. Chia tay chồng, một mình cô nuôi hai đứa con gái trong sự thiếu thốn của đồng lương giáo viên thời bao cấp.

 

Về xóm, thấy trẻ con và cả người lớn ở đây đều chỉ có thể nói mà không viết được tiếng mẹ đẻ, khi làm giấy tờ cũng chỉ biết lăn tay, nhà ai cũng nghèo xơ xác, cô bèn cất một mái lá nhỏ trong sân nhà, gom các em nhỏ về dạy chữ.

 

Thế nhưng, lớp học đầu tiên của cô lại chính là phụ huynh chứ không phải học sinh. Đưa con đến lớp, nhìn con học, họ đề nghị cô dạy cho cha mẹ trước rồi hẵng dạy các em.

 

Hơn 20 năm trôi qua, gần 1.600 em học sinh ở xóm chài, khu Việt kiều và cù lao Ba Xê nhờ vào sự dạy dỗ của cô mà biết đọc, biết viết, các em có đủ trình độ để xin đi làm công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp đóng trên địa bàn, có em còn học đến bậc cao đẳng… Lớp học cũng được một nhà hảo tâm giúp xây dựng khang trang.

 

Nhìn đám trẻ chăm chỉ học hành, cô mỉm cười hạnh phúc: “Lớp hiện giờ có 50 em, đứa nào cũng nghèo. 50% mồ côi cha hoặc mẹ, có đứa mồ côi cả cha lẫn mẹ, đứa nào cũng phải đi làm thuê làm mướn rất vất vả. Ngày trước mình đi tìm các em nhưng bây giờ các em cứ tự tìm đến lớp. Nhiều khi cũng mệt mỏi, đau ốm cũng muốn nghỉ ngơi nhưng thấy các em ham học lại ngoan ngoãn nên bỏ không đành…”.

 

Từ lớp học này, nhiều đứa trẻ nghèo đã có những cuộc sống riêng, ít vất vả hơn, riêng bà giáo Hoàn, 64 tuổi, mỗi tối vẫn đều đặn, lặng lẽ thắp lên niềm hy vọng, chắp cánh những ước mơ bé nhỏ cho đám học trò lam lũ của mình.

 

Theo Bích Uyên

 Sài Gòn tiếp thị

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm