1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Bà chủ bạo hành ô sin: “Bắt ăn phân để trị thói... ăn vụng”

Tối qua 6/1, đối tượng bị tố tra tấn người giúp việc man rợ đã bước đầu thừa nhận hành vi xối nước nóng vào người bà ô sin 59 tuổi, bắt ăn 20 quả ớt và ăn phân trẻ con. Đối tượng khai làm thế để trị ô sin tội... lười tắm và hay ăn vụng!

Chưa đầy 24 tiếng sau khi tiếp nhận nội dung tố cáo do báo chí cung cấp, Công an Hà Nội đã bước đầu làm rõ vụ việc đặc biệt nghiêm trọng này.

 

Bà chủ bạo hành ô sin: “Bắt ăn phân để trị thói... ăn vụng” - 1

Bà chủ bạo hành ôsin viết tường trình tại cơ quan điều tra

 

Ngay trong sáng 6/1, Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an TP Hà Nội, đã chỉ đạo khẩn trương thành lập các tổ công tác để xác minh làm rõ thông tin.

 

Hai mũi trinh sát xác minh tại nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của bà chủ Trần Thị Tuyết Minh (SN 1964) tại xã Đông Ngạc, Từ Liêm và nơi bà này thuê nhà trong ngõ 95 Kim Mã, Ba Đình. Một mũi khác tức tốc lên Hà Giang, truy tìm địa chỉ gia đình chồng bà Minh, vì có nguồn tin cho biết bà này đã trốn về đây từ hôm 5/1...

 

Kết quả, đến trưa qua, bà Minh đã ra Công an phường Kim Mã trình diện, bước đầu khai báo về vụ việc.

 

Xối nước nóng vì ôsin... lười tắm
 
Theo một cán bộ điều tra, đến khoảng 8 giờ tối qua, bà Minh đã bước đầu thừa nhận đã xối nước nóng vào người bà Phương, bắt bà Phương nhai khoảng 20 quả ớt và ăn... phân của cháu ngoại bà ta ở trong bỉm.

 

Cụ thể, bà Minh khai dội nước nóng vào người bà Phương, do bà giúp việc này bẩn, lười tắm; còn việc bắt ăn 20 quả ớt và ăn phân trẻ nhỏ là để... “giáo dục” bà ôsin vì tật hay ăn vụng. Các tố cáo khác liên quan việc bà Minh làm nhục, trấn tiền của bà Phương, cũng như nhắn tin đe doạ... đang được cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ.

 

Lời khai trên của bà Minh trái ngược hoàn toàn với những lời tường trình chiều cùng ngày của bà này tại cơ quan điều tra. Trước đó, bà Minh phủ nhận đã bạo hành ô sin; thậm chí còn lớn tiếng tố ngược bị bà Phương vu khống.

 

Theo bà Minh, cách đây khoảng 9 ngày, khi bà Minh bế cháu đi chơi về, thấy bà Phương nói không biết sử dụng vòi hoa sen, bị nước nóng xịt vào tay. “Thấy thế, tôi nhờ người quen ra mua thuốc về cho bà Phương bôi, uống, và hỏi bà ấy còn bỏng ở đâu nữa không thì chẳng thấy nói gì. Tôi không hề biết bà Phương bị bỏng ở người và vùng kín” - bà Minh khai.

 

Cũng theo tường trình ban đầu, bà Minh cũng phủ nhận luôn chuyện bị bà Phương tố quỵt lương, trấn tiền. “Ngày 3/1, bà Phương bất ngờ đòi về quê. Trước khi về, tôi đã thanh toán 6 triệu đồng (4 tháng lương) và thưởng Tết thêm 1 triệu đồng” - bà Minh khai.

 

Đáng chú ý, bà Minh còn khai: “Chiều 2/1, khi bà Phương như bị “người âm” nhập vào, xưng là bố chồng tôi và bắt đi mua vàng mã, chuẩn bị đồ cúng. Thần hồn nát thần tính, tôi đành nghe theo. Đến 16 giờ 30 thì bà Phương trở lại bình thường”(?!).

 

Nhận thấy nhiều mâu thuẫn trong lời khai ban đầu của bà Minh, các điều tra viên dày dặn kinh nghiệm của Công an Hà Nội đã tập trung đấu tranh. Kết quả, đến phút chót bà chủ này đã phải thừa nhận những hành vi bạo hành ghê rợn.

 

Rúng động khu phố Kim Mã

 

Tại ngõ 95 phố Kim Mã, sáng qua, nhiều người dân khu phố tụ tập trước ngôi nhà 5 tầng do bà Minh thuê ở, bày tỏ sự phẫn nộ trước vụ việc. Ông Phạm Văn Báu, tổ trưởng tổ dân phố 2 Kim Mã cho biết, gia đình bà Minh mới về thuê ngôi nhà này từ tháng 7/2011, họ sống khá khép kín, ít khi quan hệ, giao tiếp với hàng xóm xung quanh.

 

Hằng ngày thường chỉ có bà Minh ở nhà, thi thoảng có con gái bà Minh đem cháu nhỏ khoảng 6-7 tháng tuổi đến gửi bà ngoại trông hộ… Cũng theo ông Báu, trong mấy tháng thuê nhà ở đây, gia đình bà Minh cũng chưa gây ra điều tiếng gì, mọi người xung quanh cũng ít biết về cuộc sống gia đình họ.

 

Đến tháng 9/2011 vừa qua, bà Phương đến giúp việc cho gia đình bà Minh. Nhiều người dân trong ngõ 95 không lạ bà Phương, vì trước đó bà Phương giúp việc cho một gia đình khác cùng ngõ, chăm sóc một người phụ nữ bị gãy chân. Theo nhận xét của nhiều người dân khu phố, bà Phương hiền lành, ít nói, tuy có phần chậm chạp do tuổi cao…

 

Người dân khu phố chỉ lạ là, từ khi chuyển vào nhà bà Minh làm giúp việc, ít thấy bà Phương được ra ngoài. Thời gian đầu, thi thoảng họ còn thấy bà Phương ra đổ rác, gần đây thì bặt luôn trong ngôi nhà lúc nào cũng kín cổng cao tường. Điều này khá phù hợp với lời bà Phương kể rằng hằng ngày bà bị bà Minh khóa cửa nhốt trong nhà, cấm bước chân ra ngoài.

 

Vì sao bà Phương không thể kêu cứu?

 

Một tình tiết đáng chú ý, bà Phương bị bạo hành thường xuyên, trong thời gian dài, với những hình thức dã man như thời trung cổ. Tại sao bà Phương không kêu cứu hoặc có biện pháp tự bảo vệ?

 

Nghi vấn này cũng đã được nhóm PV nêu ra với bà Phương trong buổi trò chuyện tối 5/1 tại BV Đa khoa Vân Đình. “Không dám chú ơi, bà ý nhốt kín tôi trong nhà, có kêu cũng không ai biết. Bà ta còn dọa sẽ cho tôi uống thuốc chuột rồi cho vào bao tải để ném xuống sông Hồng cho mất tích, gây cho tôi tổn thương về tinh thần rất nhiều”- bà Phương nói.

 

Theo quan sát của PV, ngõ 95 Kim Mã tuy nhỏ, nhưng ngôi nhà bà Minh thuê ở có sự biệt lập tương đối với những ngôi nhà xung quanh. Mặt tiền ngôi nhà được xây thụt vào so với những ngôi nhà khác.

 

Ngoài hệ thống cửa thường xuyên đóng kín, từ tầng 2 lên tầng thượng ngôi nhà còn được bao kín bởi lồng sắt chống trộm. Nhiều người dân ngõ 95 cho biết, với thiết kế như trên, đúng là gia đình bà Minh có làm gì trong nhà cũng không ai hay biết; thậm chí nếu bà Phương có kêu cứu cũng chưa chắc đã có người nghe thấy.

 

Bị hại giữ nguyên nội dung tố cáo

 

Trung tá Lê Hùng, Trưởng Công an phường Kim Mã cho biết, ngoài lực lượng công an quận Ba Đình, Phòng Cảnh sát Hình sự tăng cường các điều tra viên Đội Điều tra trọng án hỗ trợ. Một mũi điều tra viên có mặt tại BV Đa khoa Vân Đình (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) ghi lời khai ban đầu của bà giúp việc Phạm Thị Phương (SN 1953).

 

Được biết, trong nội dung khai báo với cơ quan điều tra, bà Phương tiếp tục bảo vệ lời khai nhất quán, đúng như những gì đã tường trình với PV tối 5/1.

 

Đi giúp việc lấy tiền nuôi mẹ liệt sĩ

Người nhà bà Phương cho biết, bà Phương không có chồng con, ở vậy chăm sóc mẹ già 95 tuổi là mẹ liệt sĩ (một trong 2 người anh em của bà Phương là liệt sĩ) và thuộc diện hộ nghèo của xã. Trước đây bà Phương ở nhà làm ruộng, đến tháng 4/2011 được người quen giới thiệu đi làm giúp việc cho một gia đình cũng ở ngõ 95 Kim Mã. Đến tháng 9/2011, bà Phương sang giúp việc nhà cho gia đình bà Minh.

 

Theo Công Minh - Lê Dương - Bảo Thắng

 Tiền Phong