1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

ASEAN 16: Ấn tượng về Việt Nam đổi mới

Sự chủ động, tích cực và tinh thần trách nhiệm của Việt Nam với tư cách Chủ tịch đã giúp cho Hội nghị Cấp cao ASEAN 16 kết thúc tốt đẹp tại Hà Nội, đánh dấu một bước thành công quan trọng trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2010.

ASEAN 16: Ấn tượng về Việt Nam đổi mới - 1
Các trưởng đoàn các nước ASEAN (ảnh: Đức Tám/TTXVN).
 
Nhân sự kiện này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã trả lời phỏng vấn báo chí. Dưới đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn.

Xin Phó Thủ tướng đánh giá ý nghĩa của Hội nghị Cấp cao ASEAN 16? Chủ đề “Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn đến hành động” đã được cụ thể hóa tại hội nghị này như thế nào?

Đây là hội nghị cấp cao đầu tiên của ASEAN và của nhiệm kỳ Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN trong năm 2010, do đó, có ý nghĩa rất quan trọng, vừa đề ra định hướng ưu tiên cho hợp tác ASEAN, vừa là điểm nhấn nhằm hiện thực hóa chủ đề xuyên suốt năm 2010 là “Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn tới hành động”.

Bước vào năm 2010, năm có ý nghĩa “bản lề” đối với hành trình phát triển của ASEAN, câu hỏi đặt ra với cả ASEAN và nước Chủ tịch Việt Nam là làm sao biến Tầm nhìn của ASEAN thành hiện thực và thể hiện dấu ấn đậm nét của nước chủ tịch là Việt Nam.

Các nhiệm vụ trên, nhất là để đẩy mạnh mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN như lộ trình đã đề ra, thực sự là điều không đơn giản. Cộng đồng ASEAN được xây dựng trên cơ sở hiện thực hóa các mục tiêu của các Kế hoạch tổng thể về ba trụ cột: chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội.

Một khối lượng công việc đồ sộ và không ít phức tạp, với gần 800 mục tiêu hành động, trong khi trước mắt chỉ còn 5 năm tới 2015.

Mặt khác, ASEAN còn gặp không ít khó khăn cả từ những hạn chế nội tại, nhất là sự chênh lệch về trình độ phát triển, cũng như do tác động từ diễn biến phức tạp của môi trường bên ngoài với sự xuất hiện ngày càng nhiều của các thách thức xuyên quốc gia như khủng hoảng kinh tế, thiên tai, dịch bệnh, môi trường, biến đổi khí hậu...

Trong bối cảnh đó các định hướng và quyết sách của lãnh đạo các nước ASEAN tại hội nghị cấp cao lần này có ý nghĩa to lớn đối với vai trò và sự phát triển vững mạnh của Hiệp hội ASEAN.

Thứ nhất, đó là quyết tâm mạnh mẽ của ASEAN nhằm triển khai hiệu quả và đúng tiến độ Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và đưa Hiến chương ASEAN thực sự đi vào cuộc sống.

Thứ hai, đó là việc đề ra các cam kết và hành động thiết thực nhằm tăng cường hợp tác ứng phó với các thách thức đang nổi lên, cụ thể là lãnh đạo các nước ASEAN đã ra Tuyên bố chung về thúc đẩy phục hồi kinh tế, phát triển bền vững và hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thứ ba, đó là quyết tâm duy trì và tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực bằng việc tăng cường đoàn kết, liên kết và xây dựng cộng đồng, nâng cao tính chủ động của ASEAN trước những đòi hỏi to lớn của nhiệm vụ và những biến chuyển nhanh chóng của tình hình khu vực và quốc tế.

Thứ tư, đó là sự đồng thuận và nhất trí cao của lãnh đạo các nước ASEAN về các định hướng ưu tiên của ASEAN như Việt Nam đã đề xuất trong năm 2010, và trong chặng đường tiếp theo hướng tới 2015 theo Chủ đề “Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn đến hành động.”

Xin Phó Thủ tướng cho biết trên cương vị Chủ tịch, Việt Nam đã có đóng góp gì cho hội nghị lần này?

Trên cương vị Chủ tịch, chúng ta đã chủ động và tiến hành từ khá sớm việc tham vấn, trao đổi và thống nhất với các nước trong ASEAN về trọng tâm ưu tiên cũng như chương trình hành động cho hợp tác ASEAN trong cả năm 2010, cùng với các điểm nhấn cho từng giai đoạn cụ thể.

Các nội dung chương trình nghị sự và văn kiện Việt Nam đề xuất cho hội nghị lần này được xây dựng phù hợp với những ưu tiên hàng đầu của ASEAN, chuẩn bị để Hội nghị Cấp cao ASEAN 16 thực sự tập trung vào bàn và đề ra các định hướng và quyết sách quan trọng về tăng cường hợp tác và liên kết ASEAN; kịp thời xử lý các thách thức cấp bách đang đặt ra, nhất là hợp tác thúc đẩy phục hồi kinh tế sau khủng hoảng hướng đến phát triển bền vững và nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các đề xuất của Việt Nam đã góp phần thúc đẩy xây dựng văn hóa thực thi trong ASEAN, bằng những biện pháp cụ thể, thiết thực như tăng cường cơ chế giám sát triển khai các thỏa thuận, kế hoạch và lộ trình xây dựng Cộng đồng, cải tiến phương thức làm việc, nâng cao hiệu quả hoạt động và sự phối hợp của các cơ quan trong bộ máy mới của ASEAN.

Việc hội nghị nhất trí thông qua hai Tuyên bố về Phục hồi kinh tế và Phát triển Bền vững và Tuyên bố về Hợp tác ứng phó với Biển đổi khí hậu thể hiện sự đồng tình cao của ASEAN đối với đề xuất chủ động của Việt Nam, góp phần thúc đẩy hợp tác ứng phó với các thách thức đặt ra.

Cũng tại hội nghị lần này, chúng ta đã chủ động bàn bạc thống nhất cùng các nước ASEAN và tổ chức thành công Cuộc họp chính thức lần đầu tiên giữa lãnh đạo ASEAN và đại diện Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA).

Trên cương vị chủ nhà, Việt Nam đã nỗ lực hết mình trong mọi mặt tổ chức từ nội dung, chương trình, lễ tân, hậu cần, đón tiếp... đảm bảo hội nghị diễn ra suôn sẻ, theo đúng nghi lễ và thông lệ ASEAN và tuyệt đối an toàn.

Theo TTXVN/Vietnam+