1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Áp thấp nhiệt đới vào Biển Đông

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Sau khi đi qua đảo Lu Dông (Philippines), sáng 17/9, áp thấp nhiệt đới đã vào Biển Đông, với sức gió cấp 7, giật cấp 9. Trong 24 đến 48 giờ tới, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão số 4.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, lúc 10h ngày 17/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) vào khoảng 16,9 độ Vĩ Bắc; 119,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 9; di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ khoảng 20km/h.

Dự báo trong 24 đến 48 giờ tới, ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão số 4, cường độ cấp 8-9 (62-88km/h), giật cấp 10-11 (89-117km/h).

Đến 10h ngày 18/9, bão số 4 cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 320km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10; di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20-25km.

Sáng hôm sau, bão số 4 trên khu vực phía Tây quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng tâm bão cấp 9, giật cấp 11; di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km.

Áp thấp nhiệt đới vào Biển Đông - 1

Hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới (Ảnh: Windy).

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km.

Sáng 17/9, khu vực Huyền Trân đã có gió mạnh cấp 6 (39-49km/h), giật cấp 8-9 (62-88km/h); ở vùng biển phía Tây khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7; trạm đảo Trường Sa đã có gió giật cấp 7.

Ngày và đêm 17/9: Từ Ninh Thuận đến Cà Mau; phía Nam của khu vực giữa Biển Đông, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9; biển động mạnh.

Sóng biển cao 3-5m; riêng vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau sóng biển cao 2-4m.

Từ Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có gió cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, biển động. Sóng biển cao 2-3m.

Phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông có gió cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10; biển động mạnh. Sóng biển cao 3-5m.

Ngoài ra, ở vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan; khu vực Bắc, giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8.

Hiện nay, mực nước triều tại khu vực ven biển phía Tây của Nam Bộ ở mức cao, cần đề phòng mực nước dâng bất thường gây sạt lở đê biển.

Ngày và đêm 18/9: Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8-9, giật cấp 10-11 (89-117km); biển động dữ dội có thể làm đắm tàu thuyền; sóng biển cao 3-5m.

Vùng biển phía Bắc khu vực giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; biển động mạnh nguy hiểm đối với tàu thuyền; sóng biển cao 3-5m.

Vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau, vùng biển phía Nam của khu vực giữa Biển Đông và khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9; biển động mạnh nguy hiểm đối với tàu thuyền; sóng biển cao 3-5m.

Riêng vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau sóng biển cao 2-4m.

Vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang và Vịnh Thái Lan có gió Tây Nam cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8; biển động; sóng biển cao 2-3m.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia khuyến cáo từ sáng 17/9, khu vực phía Đông của Bắc Biển Đông có mưa rào và dông, gió mạnh cấp 7 (50-61km/h) giật cấp 9 (75-88km/h), biển động.

Do đó, tàu thuyền hoạt động trong khu vực trên là vùng nguy hiểm, có khả năng chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn.