1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Áp thấp nhiệt đới sắp mạnh lên thành bão số 4 trong 24 giờ tới

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Dự báo, trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên Biển Đông có khả năng mạnh lên thành bão số 4, cường độ cấp 8, giật cấp 10.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, lúc 7h ngày 18/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 220km về phía Đông.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 9; di chuyển chủ yếu theo hướng tây với tốc độ khoảng 15 km/h.

Dự báo, trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão số 4, cường độ cấp 8, giật cấp 10.

Đến 7h ngày 19/9, tâm bão số 4 cách Quảng Trị khoảng 210km về phía đông đông nam, cách Đà Nẵng khoảng 120km về phía đông. Bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.

Áp thấp nhiệt đới sắp mạnh lên thành bão số 4 trong 24 giờ tới - 1

Bão Yagi thời điểm đổ bộ vào Quảng Ninh (Ảnh: Hữu Khoa).

Trong những giờ tiếp theo, bão số 4 sẽ đi vào đất liền trên khu vực tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Khoảng 7h ngày 20/9, tâm áp thấp nhiệt đới nằm trên khu vực biên giới Việt - Lào. Áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Trong 48-72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km và suy yếu thành một vùng áp thấp.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sau mạnh lên thành bão số 4, khu vực bắc Biển Đông (bao gồm khu vực quần đảo Hoàng Sa), vùng biển từ Nghệ An - Quảng Ngãi (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ, Hòn Ngư) có gió mạnh cấp 6-7, sóng cao 2-4m, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8 (62-74 km/h), giật cấp 10 (89-102km/h), sóng cao 3-5m, biển động mạnh.

Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của giông, lốc, gió mạnh, sóng lớn. Ven biển các tỉnh từ Quảng Bình - Quảng Nam cần đề phòng triều cường kết hợp với sóng lớn gây sạt lở đê, kè biển, ngập úng tại khu vực trũng, thấp.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia) khuyến cáo, tàu thuyền hoạt động tại những khu vực trên cần được đưa vào nơi neo đậu an toàn, đặc biệt tại Thừa Thiên Huế.

Người dân, chính quyền địa phương cần lưu ý tình trạng sạt lở đê kè ven biển ở những khu vực đang thi công và đề phòng tình trạng ngập lụt ở những vùng thấp, trũng ven biển.

Trên đất liền, cần đề phòng các ổ mây dông đối lưu trước khi bão di chuyển đến - yếu tố có thể gây mưa dông mạnh khiến cây xanh gãy, đổ hoặc mái tôn, biển quảng cáo có khả năng bị gió thổi bay trong không khí. Mưa lớn cũng có thể gây ra tình trạng ngập, úng ở các khu đô thị.

Cũng theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, qua theo dõi trên ảnh vệ tinh, số liệu định vị dông sét và ra đa thời tiết phát hiện thấy vùng mây đối lưu đang phát triển và gây mưa cho khu vực các quận Long Biên, Gia Lâm, Hoàng Mai, Đống Đa, Cầu Giấy, Ba Đình của TP Hà Nội.

Trong khoảng 30 phút đến 3 giờ tới, vùng mây này tiếp tục gây mưa cho các quận, huyện trên và sau đó sẽ lan sang các quận, huyện khác thuộc nội thành Hà Nội. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.