Áp thấp nhiệt đới đang vào ĐBSCL, nhắc lại bài học đau thương 20 năm trước
(Dân trí) - Áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) được dự báo sẽ vào khu vực ĐBSCL – nơi mà người dân ít phải đối phó với bão, ATNĐ nên rất dễ chủ quan. Bài học từ sự chủ quan trong cơn bão Linda cách đây 20 năm đã gây thiệt hại rất nặng nề cho khu vực này.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng đã lưu ý như vậy tại cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên Biển Đông sắp vào các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBCSL), diễn ra vào sáng nay (1/11), tại Hà Nội.
Phát biểu tại cuộc họp trên, ông Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết: Hồi 7h sáng nay (1/11), áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đang cách các tỉnh Bến Tre – Cà Mau khoảng 180 km.
Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 7h ngày 2/11, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 8,2 độ Vĩ Bắc; 104,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam tỉnh Cà Mau. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6-7 (40-60 km/giờ), giật cấp 9.
Cũng theo ông Cường, tình hình mưa lũ ở khu vực Trung Bộ do ảnh hưởng của ATNĐ như sau: Trong 24 giờ qua, từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi đã có mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, một số nơi mưa trên 250mm như ở Trà My 341mm, Tam Kỳ 269mm,…Lũ trên các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi đang lên.
“Trong các giờ tiếp theo, ATNĐ tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, vượt qua khu vực Nam Cà Mau, đi sang biển Tây vẫn duy trì cường độ cấp 6, ảnh hưởng tới ven biển các tỉnh Nam Bộ, đảo Thổ Chu, đảo Phú Quốc có gió giật mạnh. Ven biển các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang có gió mạnh cấp 6-7.
Từ ngày 1-2/11 Nam Bộ có mưa to 100-150mm, có nơi trên 200mm. Trường mực nước tổng cộng (thủy triều và nước dâng do gió mùa) từ 4-4,5m” – ông Cường nói.
Còn về diễn biến cơn ATNĐ khác có xu hướng vào Biển Đông và khả năng mạnh lên thành bão, ông Cường thông tin: Khoảng trưa nay (1/11), ATNĐ sẽ vào Biển Đông và mạnh lên thành bão, cơn bão số 12 năm 2017. Bão di chuyển hướng về khu vực Trung Bộ. Cường độ bão mạnh nhất khi sát bờ có thể tới cấp 9-10.
Bão số 12 khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận và có thể trượt xuống khu vực Nam Bộ. Từ ngày 3-8/11, do ảnh hưởng của bão và không khí lạnh dẫn đến khu vực miền Trung có mưa to kéo dài. Cùng thời gian này, từ Quảng Bình đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên khả năng cao tiếp tục xuất hiện một đợt lũ. Do mưa lớn nên ở các khu vực này có nguy cơ cao xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất.
Tại cuộc họp, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng cho biết, tính đến 6h sáng nay (1/11), Biên phòng tuyến biển đã phối hợp với Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho: 51.366 tàu/259.370 lao động biết vị trí, diễn biến, hướng di chuyển của ATNĐ để chủ động di chuyển hoặc thoát khỏi vùng nguy hiểm.
Tuy nhiên, hiện còn 31 phương tiện của Bạc Liêu, 112 phương tiện (897 lao động) tại Cà Mau chưa liên lạc được. Đây là các phương tiện có công suất nhỏ khai thác thủy sản gần bờ, đi về trong ngày. Hiện các địa phương đang tích cực tìm cách liên lạc.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng lưu ý: ATNĐ được dự báo sẽ vào khu vực ĐBSCL – nơi mà người dân ít phải đối phó với bão, ATNĐ nên rất dễ chủ quan. Do đó, các đơn vị chức liên quan cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác cho người dân cũng như lãnh đạo các địa phương khu vực này.
“Bài học từ sự chủ quan trong cơn bão Linda cách đây 20 năm đã gây thiệt hại rất nặng nề cho khu vực này. Do đó, tôi đề nghị các đơn vị liên quan phải đôn đốc, nêu cao tinh thần cảnh giác cho nhân dân cũng như lãnh đạo ở các tỉnh. Công tác kiểm đếm tàu thuyền, thông báo cho các ngư dân vào nơi tránh trú an toàn cũng rất quan trọng, bởi người dân nơi đây thường sống ven sông, ven biển” – Thứ trưởng Thắng nói.
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng đề nghị, Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương tiếp tục theo dõi sát diễn biến 2 cơn ATNĐ và thông tin kịp thời để người dân nắm được.
Tổng Cục thủy lợi cần rà soát các hồ chứa thủy lợi, phát hiện sớm các nguy cơ mất an toàn để có phương án xử lý sớm.
Về úng ngập ở TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ có thể có diễn biến mới khi mưa lớn, tập trung, kéo dài. Các Ban chỉ huy phòng chống thiên tai các tỉnh cần làm việc với Ban chỉ đạo APEC để trao đổi thông tin bàn bạc để có phương án đảm bảo an toàn cho các đoàn tham dự APEC.
Nguyễn Dương