1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Anh thương binh và 4 người con bất hạnh

(Dân trí) - Bước vào nhà anh Trương Văn Cấn (thôn Trung Yên, Triệu Độ, Triệu Phong, Quảng Trị), nhìn 3 dáng hình co quắp vật vờ, chúng tôi cảm nhận được nỗi đau không thể nói bằng lời của một gia đình bị chất độc da cam hành hạ.

Năm 1978, anh Cấn xung phong tình nguyện sang chiến đấu trên đất bạn Campuchia. Năm 1982, do bị thương nặng trong một lần chiến đấu, anh về nước. Một thời gian sau, anh trở về địa phương, kết duyên cùng chị Lê Thị Hồng Vinh.

 

Trớ trêu thay, 4 người con của anh chị sinh ra đều bị di chứng của chất độc da cam, thứ thuốc độc tàn ác anh đã nhiễm phải trong thời gian chiến đấu ở Campuchia, giờ vô tình truyền lại cho con.

 

Cô con gái đầu Trương Thị Mỹ Kiều (SN 1984) đã mất ở tuổi 22 do bệnh tim. Người con thứ hai Trương Quốc Huynh (SN 1986) vốn bị thần kinh tê liệt nhưng rất ham học và học giỏi. Sau khi tốt nghiệp cấp III, Huynh chưa kịp thực hiện ước mơ thi vào đại học thì phát bệnh tâm thần. Vậy là mọi hy vọng của gia đình vụt tắt, tất cả tiền bạc trong gia đình anh chị dồn hết cho con nhưng lực bất tòng tâm. Cả ngày Huynh cứ vật vờ như cái bóng, đêm đêm lại ngồi dậy đi lang lang, chị Vinh thường phải thức trắng đêm canh con.

 

Cậu con trai thứ ba Trương Quốc Đế (SN 1988) hễ trở trời là toàn thân đau nhức, có khi không đi được. Thương cha mẹ nghèo khó, Đế bỏ học đi làm phụ hồ ở Khe Sanh. Người con út Trương Quốc Hoàng khi vừa chào đời đã bị sứt môi. Năm nay Hoàng lên lớp 8 nhưng có nguy cơ phải nghỉ học vì hoàn cảnh kinh tế gia đình quá khó khăn.

 

Hiện anh Cấn là thương binh loại A với thương tật 71%. Ngoài vết thương vùng đỉnh đầu phải khuyết sọ, trật vùng mắt cá trong chân trái, anh còn bị chấn thương vùng cột sống thắt lưng di chứng qua phát gai xương. Với số tiền trợ cấp hằng tháng ít ỏi, gia đình lại chỉ sống dựa vào hơn hai sào lúa nên cuộc sống hết sức khó khăn.

 

Ngoài số tiền thuốc men hằng tháng hơn 700.000 đồng, gia đình anh Cấn phải thường xuyên lo thêm khoản tiền viện phí lên đến hàng triệu đồng mỗi khi Huynh nhập viện.

 

Khi chúng tôi chuẩn bị rời nhà anh Cấn thì Huynh cũng vừa thức dậy. Câu đầu tiên Huynh nói khiến chúng tôi cũng không khỏi quặn lòng: “Mẹ ơi con muốn đi học!”. Người mẹ khốn khổ không trả lời, chỉ lén lau giọt nước mắt chực lăn dài trên má...

 

Nguyễn Thị Hồng