1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ảnh hưởng từ phóng xạ có thể dẫn đến tử vong

(Dân trí) - Các bệnh viện có ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong chẩn đoán và điều trị, các cơ sở chiếu xạ công nghiệp, chụp ảnh bức xạ công nghiệp, khu vực khai thác sa khoáng, các viện nghiên cứu hạt nhân... được coi là những nơi có nguy cơ ảnh hưởng bởi phóng xạ.

>> Vụ rò rỉ phóng xạ ở Bà Rịa - Vũng Tàu
>> “Nguồn phóng xạ không ảnh hưởng đến sức khỏe công nhân”

Chất phóng xạ ảnh hưởng đến đâu và mức độ thế nào đến sức khỏe con người? Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn An Trung - Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Đăng ký, Cấp phép, Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ, hạt nhân, Bộ Khoa học và Công nghệ - về vấn đề này.

Nơi nào có phóng xạ?

Ảnh hưởng phóng xạ được hiểu là có thể bị nhiễm xạ hoặc bị chiếu xạ (hay còn gọi là phơi chiếu). Nhiễm xạ thường xảy ra đối với nguồn hở. Nguồn kín có các chất phóng xạ được chứa trong vỏ bọc kín an toàn nên ít có khả năng gây ra nhiễm xạ, trừ khi bị vỡ vỏ bọc hay bị rò rỉ ra ngoài.

Các nguồn phóng xạ kín được ứng dụng rất rộng rãi như: các thiết bị đo hạt nhân trong công nghiệp được sử dụng tại các nhà máy bia, nước giải khát, các nhà máy xi măng,...; sử dụng trong địa-vật lý giếng khoan, dầu khí; chiếu xạ trong công nghiệp; xạ trị trong các bệnh viện;...

Ngoài ra, các mỏ sa khoáng ven biển cũng là nơi phát hiện được các dị thường phóng xạ. Hiện nay, nhiều mỏ đang được khai thác với quy mô lớn. Trong quá trình khai thác, quặng được đào bới thu gom, tuyển làm giàu. Và việc này có thể ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người.

Có nguy hiểm đến tính mạng?

Ông Trung cho biết, thực chất, đối với bất kỳ chỗ nào sử dụng phóng xạ, dù là nguồn kín hay nguồn hở, đều tồn tại nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người.

Ví dụ, đối với phóng xạ nguồn kín, nếu bị thất lạc và vô tình lẫn vào trong một mẻ sắt phế liệu rồi nung lên, hòa lẫn trong cả một lô thép được đưa vào xây dựng thì lúc đó, mức ảnh hưởng của nó rất lớn. Câu chuyện này đã từng xảy ra ở Đài Loan.

Với nguồn hở thì vì không được chứa trong lớp vỏ kín an toàn nên dễ phát tán, vương vãi gây ảnh hưởng.

Nếu bị ảnh hưởng từ phóng xạ ở mức liều chiếu rất cao trong thời gian ngắn (một vài phút), có thể xuất hiện các triệu chứng như nôn mửa, đau đầu, nhức đầu chóng mặt; nặng hơn có thể bị cháy, thậm chí dẫn tới tử vong.

Ông Trung khẳng định, hầu hết các nhân viên đang làm việc trong các lĩnh vực y học hạt nhân, xạ trị... đều không phải chịu tác động vượt quá giới hạn liều cho phép.

Tuy nhiên, trước thực tế hiện nay, vấn đề kiểm soát các cơ sở bức xạ và nguồn phóng xạ còn nhiều bất cập, không ai có thể dám chắc những người đang làm việc và người dân đang sống tại khu vực có phóng xạ đang được an toàn, nhất là khi có sự cố xảy ra.
 

Kết quả tổng kiểm tra các nguồn phóng xạ do Bộ Khoa học và Công nghệ tiến hành gần đây nhất vào cuối tháng 9/2006 cho thấy, chúng ta đang có 188 cơ sở bức xạ có nguồn phóng xạ, 1961 nguồn phóng xạ. Trong đó, số cơ sở bức xạ có nguồn phóng xạ chưa xin cấp phép sử dụng chiếm 30%, số nguồn phóng xạ chưa cấp phép chiếm sử dụng chiếm 13%. Điều kiện bảo quản và vận chuyển nhiều nơi cũng chưa đạt yêu cầu.

 

Lan Hương