1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nội:

Ăn xin "rình" người ở ngã tư

(Dân trí) - Vừa dừng ở ngã ba, ngã tư chờ đèn đỏ, các chủ phương tiện giao thông lập tức bị các đối tượng ăn xin bủa vây. Xin ăn ở ngã tư có cái lợi là xin được nhiều người cùng một lúc!

Thời gian gần đây, thực trạng ăn xin ở Hà Nội có xu hướng gia tăng cả về số lượng và phạm vi hoạt động; đặc biệt tập trung nhiều tại các điểm dừng đèn giao thông để tiện "làm phiền" những người tham gia giao thông.

Thị sát tại một số giao lộ lớn như: ngã tư Sở, ngã tư Vọng, Chùa Bộc - Thái Hà… PV Dân trí đã ghi nhận sự “hiện diện” của những em nhỏ tầm tuổi từ 8 - 12 trong “vai trò” ăn xin với phương thức hoạt động “liên hồi” theo tín hiệu đèn chỉ dẫn giao thông: đèn đỏ xin tiền, đèn xanh thì tạm nghỉ?! Chỉ còn đèn đỏ bật sáng, lập tức các em này túa ra, chen lẫn vào giữa những làn xe và đàng hoàng ngửa mũ xin tiền từng người.  

Ăn xin "rình" người ở ngã tư - 1
Ăn xin trên đường phố...
 
Đa số những "cái bang" này đến từ các tỉnh như: Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Nam Định, Hoà Bình, Yên Bái, Phú Thọ… Mẹo làm ăn của họ là lập ra một "bài" xin ăn sao cho thật thuyết phục rồi gần như ngày nào cũng vậy, tại cùng một địa điểm, họ nhắc đi nhắc lại "bài" đó để xin tiền. Lâu lâu họ lại chuyển chỗ mới để đỡ bị phát hiện. Có những "bài" nghe rất đáng thương như "con đi viện không có tiền nộp viện phí" hay "bộ đội xuất ngũ bị móc hết giấy tờ, tiền bạc",... nhưng cũng có "bài" nghe thật nực cười kiểu như "cho em xin 10.000 mua xăng xe".
 
Người đàn ông ngồi xe lăn cầm chiếc rổ nhựa màu hồng nhạt, hàng ngày chọn địa điểm tại ngã tư Chùa Bộc - Thái Hà để xin tiền. Nhìn vẻ mặt đau yếu, khốn khổ của người ăn xin bị tàn tật khiến nhiều người đi đường sẵn sàng rút hầu bao, nhưng cũng không ít người tỏ ra bức xúc vì cảm quan. Trường hợp tương tự trên phố Đồng Xuân, ngày nào cũng vậy, một người đàn bà ăn mặc lếch thếch “bò lê bò toài” khắp phố để xin tiền gây nhiều phiền toái trong việc lưu thông xe cộ. Sợ quệt vào người ăn xin, người đi đường phải lách hết bên nọ bên kia mới đi nổi.
 
Nhiều trường hợp ăn xin “ngoan cố” tràn xuống đường và chèo kéo người đi đường phải cho tiền, nếu không họ đứng lì trước mặt gây khó khăn cho việc đi lại, thậm chí là lầm bẩm chửi thề.
 
Ăn xin "rình" người ở ngã tư - 2
... rồi vào ăn quà trong quán cóc vỉa hè.
 
Chị Phương Hà (ở quận Ba  Đình) bức xúc: “Đến ngã tư lớn nào cũng thấy ăn xin, người già, trẻ con đều có, thậm chí những người trẻ khoẻ cũng giả bệnh tật để xin  tiền người đi đường… Nhiều khi tôi nghĩ đó là cái nghề chứ không phải vì họ nghèo khổ phải đi ăn xin!”
 
Quả thật có những hoàn cảnh rất đáng thương, rất đáng nhận được sự giúp đỡ của xã hội. Song phần lớn những người đang hành nghề ăn xin ở Hà Nội chỉ đang coi đây là một nghề kiếm sống, bằng những bài nói dối điêu luyện và sự lì lợm, họ đang lợi dụng lòng hảo tâm của mọi người và làm xấu đi rất nhiều hình ảnh của một Thủ đô văn minh lịch sự.
 
Châu Như Quỳnh