1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Án treo tham nhũng “nhúc nhích” giảm

(Dân trí) - Công tác phòng chống tham nhũng năm 2013 có tiến bộ khi số vụ án tham nhũng được khởi tố, truy tố tăng lên, số bị cáo được hưởng án treo thấp hơn. Năm nay, số án treo, án phạt cải tạo không giam giữ chiếm 31,2 % (năm 2012 là 34,2%)…

Án treo tham nhũng “nhúc nhích” giảm
Một phiên tòa xử án tham nhũng tại TPHCM được truyền hình cho người dân theo dõi phía bên ngoài phòng xử án.
 
Sau nhiều lần chỉnh sửa, báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2013 đã được Chính phủ hoàn thiện, gửi tới Quốc hội phục vụ cho kỳ họp thứ 6 sẽ khai mạc vào đầu tuần tới.

Về tình hình hoạt động của các cơ quan chuyên trách PCTN trong năm, báo cáo liệt kê, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, đã ban hành Kết luận thanh tra việc hoàn thuế của Tổng cục Hải quan đối với hoạt động tạm nhập - tái xuất xăng dầu, chuyển hồ sơ một số nội dung để cơ quan điều tra xử lý; đang tiến hành thanh tra, kiểm tra một số đơn vị trong kế hoạch năm 2013 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và công bố kết quả khảo sát xã hội học về tình hình tham nhũng, công tác PCTN.

Theo yêu cầu, báo cáo của Chính phủ bổ sung thêm thông tin về hoạt động của Ban Chỉ đạo TƯ về PCTN sau khi chuyển sang cho Tổng Bí thư trực tiếp điều hành. Báo cáo nêu rõ, các thành viên của BCĐ đã tích cực, chủ động triển khai nhiệm vụ được phân công, cụ thể hóa chủ trương của Ban Chỉ đạo thông qua việc lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành mình và các đơn vị được phân công theo dõi, phụ trách.

Tại các phiên họp của BCĐ, từng thành viên đều có ý kiến đánh giá một cách khách quan, sát với thực tiễn về tình hình tham nhũng, kết quả công tác phòng chống tham nhũng và tham mưu cho Thường trực BCĐ xử lý nhiều vấn đề, nhất là công tác phát hiện, xác minh, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng.

Bộ Công an (C48) đã thụ lý, điều tra 24 vụ án, 135 bị can, trong đó khởi tố mới 5 vụ, 25 bị can; kết luận điều tra 8 vụ với 51 bị can; hiện đang tiếp tục điều tra 12 vụ với 80 bị can. Thiệt hại được xác định do hành vi tham nhũng khoảng hơn 735 tỷ đồng, đã thu hồi trên 329 tỷ đồng.

VKSND tối cao đã thụ lý kiểm sát điều tra 31 vụ, 149 bị can; đã giải quyết 7 vụ, 28 bị can; đang tiếp tục giải quyết 24 vụ, 121 bị can. Qua đó, VKS đã kịp thời kiến nghị với các cơ quan, các ngành hữu quan khắc phục những sai phạm, những sơ hở trong công tác quản lý để xử lý và phòng ngừa vi phạm.

Đánh giá chung, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho rằng, các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng đã từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, điều tra và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; kết quả điều tra, truy tố một số vụ án tham nhũng lớn, được dư luận quan tâm.

Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác PCTN, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị chuyên trách đòi hỏi phải tiếp tục kiện toàn bộ máy, tổ chức hoạt động và có các quy định đặc thù đối với hoạt động nghiệp vụ về phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng.

Chính phủ cũng nhận định, dù đạt được kết quả tích cực trên một số mặt, tình hình tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm, vẫn diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện.

Một trong số các kết quả tích cực được nêu tại báo cáo là hoạt động điều tra, xử lý hành vi tham nhũng có tiến bộ, số vụ án tham nhũng được khởi tố, truy tố tăng lên, số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ thấp hơn so với các năm trước.

Qua xét xử sơ thẩm 278 vụ, 584 bị cáo về các tội danh tham nhũng, cơ quan chức năng xác định tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 41,2 % (năm 2012 tỷ lệ này là 44,1%). Số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm 31,2 % (giảm đôi chút so với năm 2012 - 34,2%).

Một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm đã được đưa ra xét xử kịp thời. Việc áp dụng pháp luật và xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, mức hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ hậu quả phạm tội.

Tuy nhiên, những hạn chế chưa khắc phục được suốt thời gian qua vẫn được chỉ ra. Số vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện chuyển sang cơ quan điều tra vẫn còn ít. Việc xem xét, xử lý các hành vi tham nhũng trong một số trường hợp chưa nghiêm, nặng về xử lý hành chính, cho hưởng án treo. Việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị còn yếu...

Một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong  phòng chống tham nhũng được nêu tại báo cáo là tình trạng suy thoái đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, trong đó có cả các cán bộ, đảng viên công tác trong các cơ quan bảo vệ pháp luật. Bên cạnh đó là bệnh thành tích và né tránh trách nhiệm nên vẫn còn tình trạng bao che cho hành vi tham nhũng của cán bộ do mình quản lý.

Tính đến hết tháng 9/2013, có 48 chiến sỹ công an, 20 thanh tra chuyên ngành, ngành kiểm sát có 2 người, ngành tòa án có 6 người bị phát hiện và xử lý vì có hành vi tiêu cực, tham nhũng.

P.Thảo