1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

An toàn cho công nhân mỏ: Báo động!

Không phải đợi đến sau vụ nổ khí mêtan kinh hoàng xảy ra hôm 6/3 ở mỏ than Thống Nhất, Cẩm Phả (Quảng Ninh) làm 8 công nhân thiệt mạng, người ta mới lo lắng cho sự an toàn và tính mạng của công nhân mỏ...Rõ ràng công tác an toàn trong khai thác than ở VN đang có vấn đề

Chiều 8/3, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Cao Anh Dũng - Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn công nghiệp (Bộ Công nghiệp), sau khi ông Dũng vừa từ hiện trường vụ tai nạn tại Cẩm Phả trở về.

Ba vụ nổ khí mêtan tại mỏ than trong thời gian gần đây:

Năm 1999, vụ nổ khí mêtan tại mỏ than Mạo Khê làm chết 19 công nhân.

Năm 2002, nổ khí mêtan tại mỏ Suối Lại và mỏ 909, làm chết 13 công nhân.

Đầu năm 2006, nổ khí mêtan tại mỏ Thống Nhất, chết 8 công nhân.

Thưa ông, sau khi tai nạn nghiêm trọng xảy ra ở công trường đào lò 3 thuộc Công ty than Thống Nhất, cho đến thời điểm này đã có kết luận chính xác về nguyên nhân gây tai nạn chưa?

Theo kết luận ban đầu, nguyên nhân cháy là do nổ khí mêtan. Tuy nhiên, đây là nổ nhẹ, mỏ không sập, mỏ khí nổ hạng 1 (là mức trung bình so với các mỏ hầm lò được xếp hạng về nồng độ khí mêtan).

Theo đánh giá của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản VN (TKV), mỏ than Thống Nhất có lượng khí CH4 (mêtan) rất ít, chỉ khi có tác nhân gây cháy thì khí mới phát nổ.

Hiện đoàn điều tra gồm các ban, ngành tỉnh Quảng Ninh và Cơ quan điều tra tỉnh đang làm việc để tìm hiểu chính xác nguyên nhân gây nổ. Tại hiện trường vụ nổ cũng không thấy đầu mẩu thuốc lá, nên nguyên nhân cháy do công nhân hút thuốc trong ca làm việc tạm thời được loại bỏ.

Hiện nay, ngành than có trang bị đầy đủ bảo hộ lao động cho công nhân làm việc hầm lò và giám sát việc tuân thủ những quy định được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Hiện nay, mỗi công ty sản xuất than hầm lò có một phó giám đốc chuyên theo dõi về công tác an toàn. Ngoài ra, việc giám sát an toàn được thực hiện thường xuyên do Ban An toàn bảo hộ lao động của TKV cử người trực tiếp giám sát an toàn tại các đơn vị.

Những người này sẽ đi theo từng ca sản xuất để thực hiện việc giám sát và đảm bảo thực hiện đúng các quy trình, quy phạm của công nhân khi vào lò. Đối với công nhân trực tiếp sản xuất, TKV đã đầu tư cải thiện điều kiện làm việc như sử dụng công cụ máy combai đào lò, đầu tư các thiết bị thông gió.

Tuy nhiên, công tác huấn luyện đó có ngấm vào người công nhân không và năng lực của lực lượng giám sát có đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ hay không còn là vấn đề.

Nhưng khi tai nạn xảy ra, theo ghi nhận ban đầu thì việc ứng cứu ở Công ty than Thống Nhất là chưa đủ các thiết bị cần thiết, nên rất lúng túng?

Nói thế là không chuẩn, vì đã là cháy nổ mêtan thì chỉ trong 1 giây thôi, người công nhân đã bị tử vong do ngạt khí và bỏng. Việc cấp cứu và đưa người bị nạn ra ngoài cần phải có đầy đủ các trang thiết bị cần thiết, vì phải đảm bảo đưa người bị nạn ra và đảm bảo cho người cứu hộ an toàn.

Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, Trung tâm Cấp cứu mỏ đã có mặt kịp thời và sau 3 giờ đã đưa được 2 người đầu tiên ra ngoài và đo được nồng độ CH4 vẫn cao so với tiêu chuẩn cho phép.

Hiện Cục Kỹ thuật an toàn công nghiệp đã có đánh giá cụ thể nào về hiện trạng khí mêtan trong các hầm lò chưa?

Chúng tôi chưa đánh giá được hiện trạng này, nhưng có thể ngành than đã có đánh giá. Nhưng qua sự việc trên, chúng tôi đã yêu cầu Công ty than Thống Nhất phải có đánh giá cụ thể hơn trình bộ để bộ xác định lại mỏ này ở hạng nào và điều chỉnh.

Sau vụ này, cục có khuyến cáo TKV có biện pháp gì để hạn chế những sự việc tương tự xảy ra không?

Cục KTATCN và TKV sau mỗi vụ việc xảy ra đều tổ chức rút kinh nghiệm cho các mỏ, nhưng vấn đề chúng tôi quan tâm là chuyển tải đến người lao động, để họ có ý thức trong sản xuất, ý thức về an toàn phòng, chống cháy nổ và đáp ứng ở mức cao nhất các quy trình kỹ thuật.

Theo Hồng Quân
Báo Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm