1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Ăn theo người chết, “chém” người sống

Từ lúc người thân hấp hối cho đến lúc nằm yên dưới lòng đất lạnh, không ít gia đình đã bị các chủ trại hòm lừa đảo, ép giá trên trời. Các dịch vụ “ăn theo” người chết hiện nay có mặt tại hầu hết các bệnh viện, các trung tâm y tế ở TP Hồ Chí Minh.

Những kiểu làm tiền dã man

 

Một đêm trung tuần tháng 9/2005, tại quận Bình Thạnh, vài tiếng đồng hồ trước khi tang chủ làm lễ tẩn liệm người thân, Dân “mô tô” dắt theo 3 thanh niên mặt mày hung tợn đến đe dọa, ép buộc gia đình người chết mua hòm. Theo lời chị Bình, một người dân địa phương, vụ gây rối xảy ra khi chị ruột của người quá cố từ chối không mua hòm vì giá quá cao so với các trại hòm khác. Dân “mô tô” liền đập bàn rầm rầm và lớn tiếng đe dọa.

 

Qua điều tra, Dân “mô tô” là một trong các chủ trại hòm thường ép buộc, gây khó khăn cho nhiều tang gia tại các bệnh viện ở quận Bình Thạnh. Không ít lần Dân tự xưng với gia đình người quá cố là người của cơ quan điều tra để lo các thủ tục tại bệnh viện và kiêm luôn… bán hòm với giá cao hơn gấp hai, gấp ba lần bình thường.

 

Chuyện ép buộc bán hòm của chủ trại hòm như Dân “mô tô” diễn ra hàng ngày ở bệnh viện, và thường xảy ra ở các trường hợp nạn nhân tử vong do tai nạn lao động hay tai nạn giao thông. Chuyện xảy ra với anh Hưng - chủ một doanh nghiệp tư nhân sản xuất hàng hải sản ở quận Bình Thạnh - là ví dụ điển hình.

 

Một công nhân của xí nghiệp bị điện giật, được đưa vào Bệnh viện Nhân dân Gia Định cấp cứu trong tình trạng chết lâm sàng. Trong lúc các bác sĩ đang tập trung cấp cứu cho người bị nạn, thì Ung “cháy”, chủ một trại hòm đến gặp anh Hưng và nói: “Tình hình nguy cấp lắm, chắc không qua khỏi. Ông khéo lo thủ tục, làm chậm “mấy ổng” mổ xác đó”! Khi anh công nhân tử vong, gia đình ở Đồng Tháp yêu cầu được đưa người nhà về quê chôn cất. Ung “cháy” vừa thuyết phục vừa ép anh Hưng phải để y đứng ra lo mọi thủ tục với giá trọn gói 64 triệu đồng. Anh Hưng phải thanh toán ngay tại bệnh viện. Sau này, qua một vài người quen, anh Hưng mới biết rằng trường hợp người công nhân kia không cần phải “mổ xẻ khám nghiệm” và toàn bộ dịch vụ trên chỉ tốn khoảng 20 triệu đồng.

 

Các dịch vụ “ăn theo” người chết hiện nay có mặt tại hầu hết các bệnh viện, các trung tâm y tế ở TP Hồ Chí Minh. Những kẻ tổ chức dịch vụ này hoạt động rất chặt chẽ và có sự liên kết mật thiết với bộ phận cấp cứu, nhà xác, cơ quan khám nghiệm tử thi. Nhiều chủ trại hòm còn có mối quan hệ với cả cơ quan xử lý TNGT tại một số quận. Bởi thế, ngay khi có sự cố là họ được điện thoại thông báo ngay. Không ít bệnh viện biết rõ tình trạng này và thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng không tác dụng.

 

Nhiêu khê đất nghĩa trang

 

Luồn lách, quẩn quanh hàng trăm dãy mộ trong nghĩa trang Bình Hưng Hòa, Thanh – một chủ trại hòm ở quận 4 dừng lại trước một khu đất và nói: “Đất của tư nhân ở khu vực này gần hết rồi. Họ bán 4 triệu đồng một huyệt mả (phần mộ). Giá cũng được. Mấy ông tính toán kỹ rồi làm hợp đồng với chủ đất!”.

 

Trên đường đi ra, chỉ tay vào dãy nhà mồ có cổng sắt kiên cố, Thanh tiếp tục giới thiệu: “Hay mấy ông mua đất họ đạo. Đất luôn kim tĩnh (phần bê tông xây bên dưới) khoảng 10 triệu đồng, tiền xây mộ và làm cổng tùy loại. Đá rửa khoảng 8 triệu, đá mài mắc hơn một chút, tiền cổng chưa tính!”.

 

Vốn là nhà thầu xây dựng, bạn tôi bắt đầu tính toán: “Giá đất tạm chấp nhận, nhưng xây mắc quá. Tụi tôi tự xây được không?”. Thanh nói luôn: “Đất của chủ nào, chủ đó xây. Mình tự xây dựng cũng được, nhưng phiền phức lắm. Trước nay, có mấy “đám” tự xây. Họ xây ban ngày, ban đêm bị phá!”. Bạn tôi phân vân: “Nghe nói đất ở đây chuẩn bị quy hoạch!”. Tỏ vẻ hiểu biết, Thanh chỉ tay lên trời: “Chừng nào quy hoạch thì bốc mộ. Ai cũng vậy chứ đâu phải riêng mình. Hợp đồng ghi rõ khoản này, mấy ông đừng có lo!”.

 

Thật sự bao giờ quy hoạch thì cũng chả ai biết, thậm chí anh Huỳnh Văn Hoàng, Trưởng Ban Quản trang nghĩa trang Bình Hưng Hòa cũng vậy. Anh Hoàng nói: “Đất nghĩa trang Bình Hưng Hòa do chúng tôi quản lý có diện tích 38 hécta với hàng ngàn phần mộ. Hiện nay, nghĩa trang vẫn còn đất. Giá 1 triệu đồng/huyệt mả, người nhà muốn xây thế nào cũng được, nhưng ít người đến mua lắm. Lý do duy nhất là sợ quy hoạch!”.

 

Nhìn vẻ mặt thiểu não của chúng tôi, Thanh tiếp tục “tiếp thị”: “Muốn lâu dài mấy ông nên mua đất chùa. Giá mắc một chút!”. Như người chết đuối vớ được phao, bạn tôi khẩn khoản yêu cầu đi ngay.

 

Nghĩa trang cách chùa không xa. Hàng trăm ngôi mộ được xây dựng với nhiều kiểu dáng khác nhau. Chỉ bãi cỏ trống gần sát tường rào, Lệ, “hướng dẫn viên” mới do Thanh giới thiệu nói: “Khu này ngay “mặt tiền” giá 40 triệu, còn sát tường thì 35 triệu đồng!”. Anh bạn tôi chọn một huyệt mộ với giá 32 triệu đồng và xây theo kiểu nhà mồ bằng đá hoa cương. Lệ chỉ tay về dãy mộ và nói: “Mộ đó mới xây hơn 60 triệu đồng đó!”.

 

Hơn 1 tháng sau trong một lần viếng mộ, gặp sư trụ trì chúng tôi mới biết đất ở nghĩa trang này đã hết từ mấy năm nay. Đất mà chúng tôi mua là của những gia đình có thân nhân đi nước ngoài hay đã chôn cất ở dưới quê nhượng lại. Giá xây mộ do hai bên tự thương lượng, nhà chùa không chủ trương nhận tiền cúng từ xây mộ hay bán đất. Và, cũng mãi sau này chúng tôi mới biết tại ấp 1, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh có Nghĩa trang Nhân dân Đa Phước - là nơi thành phố quy hoạch để chôn cất.

 

Anh Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Ban quản trang cho biết: “Nghĩa trang bắt đầu hoạt động giai đoạn 1 từ tháng 4/2004 gồm hơn 4.000 mộ huyệt. Giá 1 huyệt mộ xây thường là 9,3 triệu đồng và nếu xây kiểu nhà mồ là 25 triệu đồng. Tiền xây mộ từ 4,6 triệu đến 57 triệu đồng tùy loại vật liệu, tùy khu vực. Nghĩa trang Đa Phước không chủ trương bán huyệt mộ trước, lúc nào tang gia đến thì chọn khu vực, chọn kiểu xây”.

 

Theo sư trụ trì một thiền viện ở huyện Hóc Môn, trong lúc tang gia bối rối, gia chủ cần hết sức bình tĩnh để không bị kẻ xấu lợi dụng, lừa gạt. Nếu có điều kiện thì địa táng, nhưng cần liên hệ sư trụ trì hay người có trách nhiệm. Hiện nay, hỏa táng được xem là giải pháp hữu hiệu nhất vì vừa khoa học, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường.

 

Theo Đòan Hiệp
Sài Gòn Giải Phóng