1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Ăn tay gấu mong thành “chiến binh dũng mãnh”: Cơn ác mộng…hùng chưởng

"Sau một hồi ba hoa đã đời chuyện "ăn món này bổ, ăn món kia… mạnh", cả thảy hân hoan nâng ly rượu pha huyết rắn hổ mang chúa chúc mừng món ăn quý tộc vừa được đầu bếp mang lên. Đó là 2 bàn tay khổng lồ đen sì sì được hầm thuốc bắc ngun ngút khói."

Ăn tay gấu mong thành “chiến binh dũng mãnh”: Cơn ác mộng…hùng chưởng
Rừng lồng lộn khi có người lạ đến.
Nhóm 3 người đàn ông mặt đỏ au, thân hình phốp pháp ngồi bên chiếc bàn đá trong một biệt thự sang trọng ở quận 7, TP HCM. Sau một hồi ba hoa đã đời chuyện "ăn món này bổ, ăn món kia… mạnh", cả thảy hân hoan nâng ly rượu pha huyết rắn hổ mang chúa chúc mừng món ăn quý tộc mà ngày trước chỉ có vua chúa mới dám dùng, vừa được đầu bếp mang lên. Đó là 2 bàn tay khổng lồ đen sì sì được hầm thuốc bắc ngun ngút khói.

Trước khi "động thủ", 1 trong 3 ông khách ra chiều sành điệu đứng dậy khoát tay, chú giải với giọng cười hô hố: "Hùng chưởng là thằng này đó! Ẩm thực nó anh em mình sẽ tích nạp phong ba bão táp, gom hết sức mạnh của rừng xanh, khi lâm trận là các em đều van xin ông anh…  tha mạng".

Chẳng biết trong 2 bàn tay đó, có bàn tay nào là của Rừng?

Sự phẫn nộ của Rừng

Rừng là tên của một trong nhiều chú gấu đang được cứu hộ tại Trung tâm Cứu hộ gấu và thú họ mèo Cát Tiên, thuộc Tổ chức WAR (WildLife At Risk), tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam. Nơi Rừng "an dưỡng" nằm giữa vùng lõi Vườn Quốc gia Cát Tiên  phía sau Trụ sở Hạt Kiểm lâm Cát Tiên (tỉnh Đồng Nai).

Lúc này 9h sáng, trong lúc những bạn gấu khác đang vui đùa ở khu bán hoang dã thì Rừng tựa lưng vào song sắt, ánh mắt đỏ ngầu nhìn mấy người khách lạ đến thăm. Khi khách đến gần, bất ngờ Rừng chồm dậy, ánh mắt man dại, gầm rú… chấn động cả khoảng rừng. Rồi Rừng lao đến phía cánh cửa sắt, dùng tay lắc mạnh điên loạn như muốn thoát ra ngoài, như muốn lao đến vồ xé đám người kia. Vì sao Rừng lại "nổi khùng" như thế? Liệu trong đám người ấy, có ai là kẻ thù của Rừng?

Trước cơn cuồng nộ của Rừng, đoàn khách du lịch gồm 5 người đến từ TP HCM dừng lại. Họ sợ Rừng xổng chuồng "gây án"? Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Bởi họ dừng bước cũng còn vì cái khoát tay của anh Nguyễn Văn Cường, người phụ trách Trạm cứu hộ.

"Trung tâm Cứu hộ gấu và thú họ mèo Cát Tiên hiện đang cứu hộ, nuôi dưỡng 27 cá thể gấu, trong đó có Rừng" anh Cường - "vú em" của gấu, sau cái khoát tay đã chia sẻ thông tin ấy với khách. Rồi anh khẽ thở dài khi nhắc đến Rừng: "100% gấu được giải phóng khỏi các trang trại chuyên khai thác gấu lấy mật khi được đưa về trạm đều mang những vết tích đáng sợ từ con người. Có cá thể gấu mắt mờ, da lở loét, ổ bụng viêm nhiễm do liên tục bị người ta chích kim tiêm nhiễm trùng vào hút mật. Có cá thể gấu vì bị giam cầm lâu năm trong chiếc lồng chật hẹp chẳng thể di chuyển được nên chi khớp cứng đờ, lúc được thả tự do, chỉ biết ngồi bệt một chỗ. Riêng Rừng thì thảm hại nhất!".

Những cán bộ-nhân viên ở trung tâm chẳng biết chú gấu Rừng xuất thân từ cánh rừng nào? Họ chỉ biết sau hơn chục năm trời bị nuôi nhốt tại một khu du lịch ở Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), Rừng cùng những "anh em" của nó gồm "Núi-Sông-Suối" được các kiểm lâm viên và những người làm công tác cứu hộ động vật hoang dã của Tổ chức WAR giải phóng. Và một điều mà những người giàu ân tình với thú hoang như "vú em" Nguyễn Văn Cường rõ nhất là 100% gấu đã và đang bị nuôi nhốt ở khắp các trang trại trong cả nước đều xuất thân từ núi rừng.

"Nhiều năm trước, có thể Rừng bị "bứng" ra khỏi đại ngàn thâm u đưa về phố thị, bị tống vào trang trại khi nó đang là chú gấu trưởng thành. Mà cũng có thể khi ấy Rừng hãy còn rất nhỏ, lúc nào cũng đeo bám, lẽo đẽo bên mẹ" - anh Trần Văn Quản, người có thâm niên gần 10 năm làm "vú em" cho gấu giữa rừng sâu, suy luận: "Có thể một ngày nọ, do mẹ bị sụp bẫy, hay gục ngã trước họng súng tàn bạo của phường săn, vậy là Rừng bị người ta trói chặt, bị mua bán lòng vòng và sau cùng trở thành "tù nhân" của lòng tham và sự lạnh lùng từ những kẻ xem cái túi mật trong ổ bụng của nó… là mỏ vàng để hốt bạc". 

Nhìn Rừng vẫn còn gầm rú trong cơn điên dại, anh Quản trĩu giọng cho biết: "Năm nay Rừng 16 tuổi và có "thâm niên" hơn 14 năm bị người ta cầm tù". Anh chau mày nói: “Khi được đưa về trung tâm, bên cạnh những vết thương đáng sợ như mắt mờ, da lở loét, ổ bụng viêm nhiễm…, Rừng còn khiến nhiều người đau lòng bởi bàn tay trái bị người ta tháo khớp”. "Khi ấy Rừng đúng nghĩa là một con gấu tàn phế, chất chứa từ trong ánh mắt, tiếng gầm của nó là mối hận thù con người lên đến đỉnh điểm!".

Ở Trung tâm Cứu hộ gấu và thú họ mèo Cát Tiên, Rừng không phải là cá thể gấu duy nhất bị cụt tay. Bởi còn có Hope và Hy Vọng (tên do các "vú em" đặt). Hope cụt tay do bị trọng thương khi dính bẫy của phường săn. Hy Vọng mất 1 chi trước bởi vết thương phát sinh trong quá trình vận chuyển từ trang trại nuôi nhốt về trung tâm cứu hộ! Nhưng Rừng thì khác!

Rừng trở thành "phế nhân", Rừng mất tay vì thói phàm ăn tục uống của con người. Cánh tay bị mất ấy của Rừng được người ta gọi bằng cái tên mỹ miều "hùng chưởng". Đây là món ăn mà chỉ những kẻ lắm tiền mới dám "rớ tới". Họ tin rằng sức mạnh của loài gấu dồn ở 2 chi trên. Vì gấu thường xuyên liếm tay nên đôi tay ấy tích tụ “nguyên khí”, nên người ăn tay gấu sẽ có sức mạnh phi thường. Sẽ sớm đạt được ý nguyện trở thành chiến binh phòng the… dũng mãnh!

Thói ham hố vô độ của con người!

"Vú em" Vũ Văn Cường khẳng định: "Khi về với trung tâm, Rừng đã mất chi. Nhiều người không biết cứ nghĩ rằng Rừng tàn phế do sụp bẫy, bị trọng thương. Nhưng căn cứ vào vết thương đã lành sẹo từ khớp tay, chúng tôi biết Rừng bị tháo khớp!".

Từ cuộc trò chuyện với những người làm công tác cứu hộ gấu, mới biết giữa xã hội văn minh, vẫn có nhiều, rất nhiều kẻ lắm tiền vốn ham hố chuyện giường chiếu sẵn sàng chi cả núi tiền để lao vào các thú ăn tươi nuốt sống động vật hoang dã. Không chỉ khoái trá khi chứng kiến cảnh phường con buôn chẻ sọ lấy óc cho mình tẩm bổ, người ta còn tích cực ăn cả bào thai của các loài culi, khỉ, tê tê, cọp, sơn dương… và cả bào thai của những con gấu như Rừng.

Ăn tay gấu mong thành “chiến binh dũng mãnh”: Cơn ác mộng…hùng chưởng
Liệu đây có phải "hùng chưởng" của Rừng?

Để có được bào thai của các loài thú hoang ấy đặng chiều lòng những kẻ lắm tiền, các tay "đao phủ" lạnh lùng rạch bụng những con vật lúc chúng đang bụng mang dạ chửa, lúc chúng còn sống chứ không phải đã chết. Họ tin bào thai thú khi lấy ra như vậy mới tốt, mới bổ.

Rạch bụng con thú còn sống để lấy bào thai, người ta còn làm được, huống chi việc tháo khớp lấy chi như trường hợp của Rừng. Quy trình kể ra đơn giản thôi. Nhận được đơn đặt hàng, người ta chỉ việc tiêm cho Rừng liều thuốc mê, sau đó họ dùng con dao sắc lẹm cắt đứt chi trước của Rừng từ khuỷu… Để rồi khi tỉnh dậy, Rừng rên siết với cánh tay bị cắt cụt đầy đau đớn!

Có lẽ cũng từ cái ngày bị tháo khớp ấy, Rừng vừa căm phẫn vừa kinh sợ loài người đến đỉnh điểm. Và cũng có lẽ vì nỗi ám ảnh ấy vẫn còn hằn sâu nên khi thấy những vị khách lạ, vì nghĩ người ta đến để chọc kim vào ổ bụng mình hút mật, hay nghĩ rằng mình sắp bị tiêm liều thuốc mê để tháo khớp cánh tay còn lại mà Rừng… cuồng điên, lồng lộn? Anh Cường khẳng định: "Rừng vẫn bị stress, cuồng loạn khi thấy bóng dáng hoặc ngửi mùi người lạ bởi những nỗi ám ảnh ấy trở về".

Cuộc đời của một con gấu "phế nhân" như Rừng quả là đau đớn. Rừng như nhiều loài móng vuốt khác như hổ, báo, mèo… di chuyển bằng tứ chi và cầm nắm, đào bới, đánh nhau bằng 2 chi trên. Nên việc Rừng bị tháo chi để phục vụ cho thú ăn uống của con người thì quả là cơn ác mộng. Dẫu được chăm sóc tốt nhưng vì việc cầm nắm, ăn uống gặp nhiều khó khăn, trở ngại nên sức khỏe của Rừng không tốt bằng những "anh chị em" khác. 

Và cũng vì thể trạng yếu, di chuyển chậm nên Rừng kém thích nghi, khó hòa nhập với bầy đàn là những chú gấu được giải phóng từ các trang trại được nuôi dưỡng trong môi trường bán hoang dã ở rừng Cát Tiên. Vì thế mà Rừng tủi thân, sống khu trú, tách bầy, thường xuyên bị stress.

Thương Rừng chịu nhiều thiệt thòi, các nhân viên Trạm cứu hộ đã gắng sức chế tạo nhiều đồ chơi cho Rừng đùa vui. Nhưng có những lúc bắt gặp ánh mắt mờ đục của Rừng dán chằm chằm vào các bạn gấu đang đùa giỡn, các anh Cường, Quản… có cùng cảm giác bất lực, chua xót lẫn căm phẫn kẻ nào đó đã nuốt bàn tay của Rừng!

"Rừng mất chi, thậm chí mất mạng cũng được nếu như cánh tay ấy của Rừng thực sự thần hiệu trong việc giúp người ta từ yếu thành mạnh, lướt qua những nguy nan của bệnh tật. Đằng này…!" - anh Cường khẽ chép miệng, chua xót!

Tay gấu không phải là "thần dược"

Người viết lần giở các thư tịch, y văn từ cổ chí kim và nhận thấy đúng như chia sẻ của những người làm công tác cứu hộ gấu, chẳng thấy y văn nào ghi tính năng "quỷ khóc thần sầu" của cánh tay mang tên "hùng chưởng" đã mất của Rừng. Có chăng trong “Từ điển Động vật & Khoáng vật làm thuốc”, Tiến sĩ Võ Văn Chi ghi dòng ngắn ngủi rằng "đôi khi bàn tay gấu cũng được sử dụng với những mục đích chữa bệnh khác nhau".

Và trong cuốn “Dược tính chỉ nam” (Đông y sĩ Hạnh Lâm và Nguyễn Văn Minh)  chú giải: "Hùng chưởng là bàn tay con gấu... Ai ăn được nhiều tay gấu có thể làm cho khí lực mạnh mẽ"… và chấm hết!

Lương y Nguyễn Thái Bình (Hội Đông Y TP HCM): Tàn nhẫn, không hiệu quả

Việc tháo khớp gấu lấy chi như vậy thật quá nhẫn tâm và vô ích. Bởi "hùng chưởng" chẳng quá thần hiệu như mọi người lầm tưởng và không phải ai "yếu toàn tập" khi ăn "hùng chưởng" vào đều phương phi, khỏe mạnh... Sức khỏe là do quá trình rèn luyện mà thành. Muốn khỏe chẳng cần phải ăn uống sơn hào mĩ vị vô độ mà chỉ cần siêng năng luyện tập thể thao, ăn uống điều độ, ăn những món bình thường quanh mình nhưng khoa học, kiên trì. Bí quyết chỉ đơn giản thế thôi. Chứ đua nhau ăn bào thai, tay gấu làm chi vừa tốn tiền, nhẫn tâm lại chẳng hiệu quả!

Hùng chưởng chỉ là thế thôi, chẳng có gì "ghê gớm". Chỉ là "đôi khi được sử dụng". Chỉ là "ai ăn được nhiều có thể làm cho"… Những điều này đồng nghĩa với việc tay gấu nói chung, cánh tay của Rừng nói riêng không phải là "thần dược" như người ta lầm tưởng.

Mà đâu chỉ như thế, trong nhiều trường hợp kẻ ăn cánh tay gấu bị tháo khớp nào biết đang tích nạp độc chất vào cơ thể? Người viết từng trò chuyện với ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát (tỉnh Tây Ninh), người từng được Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam vinh danh vì đã có nhiều hoạt động tích cực bảo vệ các loài động vật hoang dã, đặc biệt là loài gấu và biết được đường đi "rùng rợn" vào cơ thể các vị đại gia của mật gấu và tay gấu!

Ông Xuân tiết lộ rằng thường thì tay gấu hay túi mật nguyên chiếc đến tay người có nhu cầu đa phần là "phế phẩm" từ gấu đã chết. Bởi chỉ khi gấu chết không thể khai thác mật được nữa, người ta mới tiến hành phanh thây, cắt lấy những bộ phận cơ thể kia bán cho người lắm tiền.

Hân hoan ăn uống, nhiều người cứ nghĩ mình tích nạp các dược tính từ gấu. "Họ nào biết đang nạp vào cơ thể đủ thứ độc chất. Bởi lẽ trước khi gấu chết, chủ trang trại đã tiêm vào cơ thể con vật rất nhiều thứ thuốc những mong cứu sống nó để tiếp tục trục lợi" - ông Xuân khẳng định.

Phớt lờ những điều ấy, người ta vẫn lao vào các phi vụ săn gấu, cầm tù gấu, chọc kim lấy mật và hẳn nhiên là không từ việc tháo chi con vật lúc nó còn sống, như trường hợp của Rừng. Máu lạnh, tàn bạo, dã man ư? Điều đó miễn bàn. Nhưng dẫu sao, như sẻ chia của những người làm công tác cứu hộ gấu, trường hợp của Rừng cũng có thể được xem là "kết thúc có hậu". Bởi thực tế đã có nhiều cá thể gấu chết thảm sau khi bị người ta tháo khớp vì vết thương nhiễm trùng, hoại tử.

Và bi thảm hơn, có những cá thể gấu chẳng thể nào được như Rừng, nghĩa là sau khi bị tháo khớp vẫn đều đặn bị người ta giam cầm, ngày ngày bị dùi kim nhọn vào lồng ngực hút mật cho đến khi… gục chết!

Theo  N.T.D.
An ninh thế giới