1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chánh án TAND tối cao:

“Án oan sai, tiêu cực - còn phần trăm nào tôi xin chịu trách nhiệm!”

(Dân trí) - “Chúng tôi quyết tâm cao nhất để thực hiện 100% chỉ tiêu Quốc hội giao. Nếu có phần trăm nhỏ nào không đạt được, tôi xin chịu trách nhiệm trước Quốc hội” - Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình trả lời về án oan sai, tiêu cực của ngành tòa án…

Án treo tham nhũng chỉ dành cho người… sai vặt

Mở đầu phiên chất vấn Chánh án Trương Hòa Bình tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, 22/3, đại biểu Đỗ Văn Đương (ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp) khơi vấn đề chất lượng xét xử của ngành tòa án thấp, án tham nhũng được xử chưa tương xứng, tỷ lệ án treo cao, gây nghi ngại trong dư luận về phẩm chất, tinh thần của các “bao công”.

Chánh án Trương Hòa Bình xác nhận, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp vừa qua, ông cũng đã nêu nhận định chất lượng án xét xử đã tăng lên qua từng năm nhưng vẫn còn những vụ án, nhất là án tham nhũng chưa thuyết phục, có dư luận đánh giá, nghi vấn.

Ông Bình thanh minh, việc ít xử án tham nhũng bản chất không phụ thuộc vào tòa vì cơ quan xét xử chỉ có thể xử khi vụ việc được VKS đưa ra truy tố, có cáo trạng cáo buộc tội. Án tham nhũng chưa xử được nhiều cũng còn do khâu phát hiện, điều tra của ngành công an.
Chánh án Trương Hòa Bình: Mọi thành tích, khuyết điểm của ngành, trách nhiệm thuộc Chánh án.
Chánh án Trương Hòa Bình: "Mọi thành tích, khuyết điểm của ngành, trách nhiệm thuộc Chánh án".
 
Đại biểu Đào Thị Xuân Lan (Hải Dương) dấn thêm truy vấn với một loạt câu hỏi về án treo. Bà Lan đặt vấn đề, Nghị quyết sơ kết về việc thi hành án hình sự năm 2010 của Quốc hội đã “nhắc nhở” việc tòa án các cấp “vung tay” cho hưởng án treo, nhất là án tham nhũng. Tuy nhiên sau đó, việc kiểm tra vẫn phát hiện tòa án một số địa phương cho hưởng nhiều án treo đối với tội tham nhũng, đặc biệt còn trường hợp hưởng án treo sai quy định.

Bà Lan sốt sắng muốn biết Chánh án tối cao đã triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội như thế nào? Với nhiệm vụ quản lý hoạt động xét xử, Chánh án kiểm soát đối với việc thẩm phán cấp dưới cho hưởng án treo sau quy định đối với những tội phạm về chức vụ ra sao?

Ông Bình lại thanh minh, số bị cáo hưởng án treo cũng như số địa phương có trong danh sách “nhiều án treo” đến nay đã giảm mạnh. Với tư cách người đứng đầu ngành tòa án, ông Bình đã ra văn bản chỉ đạo kiểm tra quyết liệt việc này suốt 3 năm qua để có được kết quả tiến bộ rõ ràng hiện nay.

Trả lời câu hỏi, có tiêu cực trong việc cho hưởng án treo hay không, Chánh án tòa tối cao dẫn giải, việc xét xử, phạm vi xét xử của tòa án căn cứ trên cáo trạng truy tố của VKS. Những vụ án trong 3 năm qua, các cấp tòa đều phán quyết nghiêm khắc với những người cầm đầu. Tuy nhiên thực tế, trong một vụ án, thường người chủ mưu, cầm đầu (tội danh bị truy tố ở mức rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng) chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ (6-8%). Số người phạm tội mang tính chất thừa hành, “sai vặt” lớn hơn rất nhiều, thường chỉ bị truy tố ở những khung hình phạt dành cho tội ít nghiêm trọng.

Ngoài ra, vì án tham nhũng, người phạm tội hầu hết là cán bộ nhà nước, nhân thân đều rất tốt nên cơ quan xét xử vừa phải đảm bảo xử đúng người, đúng tội, xử nghiêm kẻ cầm đầu nhưng cũng phải tuân thủ nguyên tắc nhân đạo, khoan hồng của pháp luật với những người tự thú, tự giác khắc phục hậu quả, thành khẩn khai báo… Càng nhiều tình tiết giảm nhẹ càng có cơ sở áp dụng án treo.

Còn vấn đề dư luận hoài nghi có tiêu cực, chạy án đằng sau quyết định cho hưởng án treo, ông Bình cũng không loại trừ. “Chúng tôi kiên quyêt xử lý nghiêm minh nếu phát hiện trường hợp có tiêu cực. Qua việc kiểm tra đã xử lý nhiều thẩm phán sai phạm bằng các hình thức kỷ luật như không tái bổ nhiệm, chuyển công tác khác hoặc phối hợp cơ quan điều tra xử lý nếu có dấu hiệu hình sự” – Chánh án tòa tối cao khẳng định.
Chánh án Trương Hòa Bình: Mọi thành tích, khuyết điểm của ngành, trách nhiệm thuộc Chánh án.
Phiên chất vấn với Chánh án TAND tối cao tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, 22/3.

Tuy nhiên, một lần nữa, ông Bình “chỉnh” quan điểm chỉ trích, thực tế qua kiểm tra, hầu hết số bị can được hưởng án treo đều đúng luật. Một số việc không đúng thì tòa án cấp trên cũng đã kháng nghị phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm, kịp thời sửa, hủy án sai. Các thẩm phán xử sai sau đó cũng đều bị tạm dừng việc tái bổ nhiệm để kiểm điểm và chỉ được “xóa án” nếu xem xét kết luận được không có lỗi chủ quan.

Hiện TAND tối cao cũng đã có nghị quyết hướng tới những quy định chặt chẽ về điều kiện cho hưởng án treo với tội phạm tham nhũng. Theo đó, những người được xác định có vai trò cầm đầu, chủ mưu trong vụ án, kể cả trường hợp đã khắc phục xong hậu quả, nhân thân tốt… cũng không được hưởng án treo. Những người phạm tội có tính chất thừa hành, giúp sức, hành vi ít nghiêm trọng, với điều kiện tích cực khắc phục hậu quả, hoàn trả tài sản vi phạm mới được xem xét cho hưởng án treo.

“Không đạt chỉ tiêu, tôi xin chịu trách nhiệm”

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) yêu cầu Chánh án Trương Hòa Bình nêu cụ thể số lượng án bị phát hiện có chạy tội, nhận hối lộ, tiêu cực của các bộ xét xử và truy vấn trách nhiệm quản lý của người đứng đầu ngành.

Ông Bình cười trừ: “Thực tế có một số cán bộ công chức tòa án bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì tiêu cực, nhận tiền của đương sự. Việc đại biểu nêu ra, hiện tượng là có thực. Thống kê trong 3 năm 2010-2012, hàng năm đều có một số lượng thẩm phán bị xử lý hình sự. Việc án bị hủy, sửa chưa giảm mạnh, vẫn còn nhiều án quá hạn… Những việc này cần thời gian khắc phục bằng nhiều giải pháp”.

Ông Bình nêu 3 giải pháp được xác định là đột phá là đẩy mạnh tranh tụng tại tòa, tăng cường công tác đào tạo cán bộ ngành tòa án, đẩy mạnh cải cách hành chính tư pháp.
Chủ tịch Quốc hội: Chỉ tiêu Quốc hội giao, Chánh án làm được không?.
Chủ tịch Quốc hội: "Chỉ tiêu Quốc hội giao, Chánh án làm được không?".

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gạt đi, chỉ cần thực hiện đầy đủ 8 nội dung đã đề ra trong Nghị quyết 37 về công tác tư pháp của Quốc hội (ban hành trong kỳ họp thứ 4, tháng 11/2012) là vấn đề án oan sai, sửa hủy, án tồn đọng hay chạy án, tiêu cực… đều giải quyết được. Ông Hùng hỏi thẳng: “Chánh án có làm được không?”.

Chánh án TAND tối cao bối rối: “Câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội rất khó trả lời. Tôi thay mặt anh em toàn ngành tòa án biểu hiện quyết tâm cao nhất để thực hiện 100% chỉ tiêu nghị quyết Quốc hội giao. Còn nếu có phần trăm nhỏ nào không đạt được, tôi xin chịu trách nhiệm trước Quốc hội”.

Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) gợi mở, những việc chưa làm được, đâu là phần trách nhiệm của Chánh án, đâu là phần “bất khả kháng”.

Ông Bình một lần nữa than câu hỏi khó trả lời khi phải xác định đâu là trách nhiệm của cá nhân vì “Chánh án phải chịu trách nhiệm với mọi thành tích cũng như khuyết điểm của ngành”.

Ghi nhận quyết tâm chính trị cao của Chánh án trong phiên chất vấn nhưng đặt vấn đề, để chắc chắn đạt được 100% các chỉ tiêu, ông Hoàng hỏi, người đứng đầu ngành tòa án có cần kiến nghị trao thêm quyền năng?

Ông Bình trình bày, quyền năng của Chánh án được quy định trong hiến pháp và luật định, Chánh án đã sử dụng hết các quyền năng của mình.

P.Thảo