1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM:

Ẩn họa bệnh dại từ chó mèo thả rông

(Dân trí) - Vào mùa nắng nóng, nguy cơ bệnh dại phát sinh trên chó mèo rất cao. Riêng tại TPHCM, mỗi tháng có hơn 3.000 người phải tiêm phòng dại vì bị chó cắn. Tuy vậy, nhiều nơi ở địa phương này, chó vẫn được vô tư thả rông khắp nơi.

Để hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra bệnh dại ở động vật, từ tháng 11/2009, TPHCM đã thực hiện việc kiểm soát chó mèo bằng “hộ khẩu”. Theo đó những gia đình nuôi chó mèo phải có trách nhiệm nuôi nhốt cẩn thận, không thả rông và phải tiêm phòng theo định kỳ.
 
Ẩn họa bệnh dại từ chó mèo thả rông - 1
Chó vẫn được thả rông

Tuy vậy, đã gần 6 tháng trôi qua kể từ khi việc lập “hộ khẩu” chính thức được thực thi, nhưng theo thói quen nhiều người nuôi chó mèo vẫn thả rông mà không hề xích hoặc nhốt. Nhiều người đã trở thành nạn nhân của các vụ bị chó cắn phải đến bệnh viện để tiêm phòng dại.

Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM cho biết: “Số liệu thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng trong 3 tháng vừa qua báo về Chi cục Thú y thành phố cho thấy, trung bình mỗi tháng tại địa bàn thành phố xảy ra hơn 3.000 vụ chó mèo cắn người. Tuy nhiên, đây mới chỉ là số liệu thống kê được từ những người đến tiêm phòng sau khi bị cắn, con số thực tế có thể còn cao hơn”.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, TPHCM trung bình mỗi ngày có đến hơn 20 bệnh nhân đến tiêm ngừa phòng dại. Theo BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết: “Vào mùa nắng nóng, nguy cơ bệnh dại phát sinh trên chó mèo rất cao. Trong năm nay số lượng những người đến chích ngừa phòng dại cũng tăng hơn so với cùng kỳ năm trước”.

“Đã nhiều năm trở lại đây, TPHCM chưa xuất hiện trường hợp bị bệnh dại nào trên chó mèo và người mắc bệnh dại do bị chó mèo cắn. Có thể thấy công tác phòng chống dịch đang diễn ra khá tốt. Tuy nhiên điều đó không đồng nghĩa với việc bệnh dại sẽ không còn xảy ra”, ông Thảo cho biết.

Thế nhưng, trên thực tế đã có trường hợp nguy kịch do bị chó cắn. Mới đây, Bệnh viện Nhân Dân 115 vừa cứu chữa kịp thời cho trường hợp của bà T.T.H (SN 1950, ngụ tại quận 5, TPHCM). Trước đó bà đang trên đường đi chợ về thì bị một con chó bất ngờ từ trong hẻm lao ra cắn vào cẳng chân trái. Thấy vết cắn chỉ bị xước nhẹ và không gây chảy máu nên bà H không đi chích ngừa mà tự ý mua Ampicillin rắc lên vết thương. Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau đó vết thương đã bị sưng tấy, mưng mủ, lở loét, có nguy cơ nhiễm trùng máu. Nhờ được các bác sĩ kịp thời cứu chữa nên bà H đã may mắn giữ lại được mạng sống và cẳng chân trái của mình.

Ẩn họa bệnh dại từ chó mèo thả rông - 2
Vào mùa nắng nóng, nguy cơ bệnh dại phát sinh trên chó mèo rất cao.
 

Các bác sĩ thú y cho biết, khi con vật mắc bệnh dại thường có những biểu hiện khác thường như bỏ ăn, gầm gừ, ngứa ngáy, chạy rông, cắn vào bất kỳ vật gì ở gần chúng. Vào giai đoạn cuối của bệnh, tiếng sủa của con vật sẽ bị khàn đi, hay tru tréo, thè lưỡi chảy nước bọt rồi bại liệt.

Ông Phan Xuân Thảo đề nghị người dân chấp hành tiêm phòng định kỳ cho chó mèo đồng thời nuôi nhốt cẩn thận, tuyệt đối không thả rông. Trong trường hợp nạn nhân bị chó, mèo cắn phải rửa ngay vết thương dưới vòi nước sạch bằng xà phòng. Bôi cồn 70 độ hoặc iốt vào vết cắn, rồi đến ngay cơ sở y tế khám và tiêm phòng, không được tự ý chữa trị.

Với những con vật đã cắn người, phải theo dõi chặt chẽ trong vòng 15 ngày sau. Nếu phát hiện những triệu chứng lạ thì lập tức thông báo cho cơ quan thú y để có biện pháp xử lý kịp thời.

Vân Sơn