Ăn “gà xác” đội lốt gà ta
Gần đây, các quán “gà ta” mọc lên như nấm ở Sài Gòn. Thật bất ngờ, món gà “hương đồng gió nội”, thịt dai dai vì được cho rằng nuôi ở quê “đi bộ nhiều” lại chính là những con gà đẻ trứng, nuôi công nghiệp bị loại thải mà dân trong nghề gọi là “gà xác”!
Một quán ăn đêm chuyên bán các món ăn chế biến từ “gà ta”.
Gà trứng về vườn thành gà ta
Trên bất cứ con đường nào ở Sài Gòn, ít nhiều cũng có quán “gà ta”, mật độ quán ở khu vực trung tâm dày hơn do tập trung tầng lớp có thu nhập cao. Điều dễ nhận thấy nhất là quán “gà ta” bao giờ cũng đông thực khách.
8h sáng như mọi ngày, quán “gà ta” S trên đường PXL, quận Bình Thạnh, một hệ thống kinh doanh nổi tiếng ở TPHCM ken cứng người. Ngoài địa điểm ở PXL, hệ thống quán “gà ta” ở nhiều địa điểm khác cũng có nhiều người vào thưởng thức. Từ những con “gà ta” luộc vàng nghệ, thực khách thi nhau thưởng thức món cháo gà, gà chặt, gà xé phay, gỏi gà cho đến những đĩa trứng non, dồi trường… Chưa hết, nếu muốn biết thêm hương vị cháy khét, “gà ta” S sẽ phục vụ bạn món gà nướng than, có ướp hương vị khá nổi tiếng. Một đầu mối chuyên cung cấp “gà ta” tiết lộ, trung bình mỗi ngày, hệ thống “gà ta” S bán không dưới 500 con…
Nam, nhân viên một công ty nước ngoài tại quận 1 nói, mỗi tuần ít nhất phải ghé quán gà ta trên đường Mạc Đĩnh Chi, quận 1 hai lần để ăn món cháo gà, trứng non và dồi trường. Nam còn nhận xét, ngoài đặc sản trứng non, ăn món “gà ta” vì thịt dai, thớ thịt dày, thơm, ngon.
Một đầu nậu “gà ta”, tự xưng là Ba ở quận 12 đã cho biết tường tận về món “gà ta” bán trong nhiều quán ở TPHCM như sau: “Đây chính xác là những con gà đẻ loại thải, giới trong nghề gọi là gà xác, lấy từ các tỉnh miền Tây, miền Đông, Tây Nguyên và miền Trung”. Thông thường, một con gà đẻ trứng từ lúc sinh ra đến lúc không còn khả năng đẻ trứng thì chu kỳ khai thác là 75 - 80 tuần tuổi, sau đó chủ trại sẽ loại thải để nuôi lứa mới.
Theo ông Ba, thịt gà xác săn, chắc không khác gì gà ta thiệt, có khi còn dai hơn vì phải đẻ trứng liên tục trong vòng đời một năm rưỡi trở lên. Những con gà này, sẽ được các đầu nậu từ TPHCM săn lùng, họ có danh sách địa chỉ từng trại, cứ lứa nào quá đát là cho xe xuống bắt đưa về thành phố tiêu thụ.
“Hầu hết các quán “gà ta” tại thành phố đều lấy gà xác về bán”, ông Ba nói. Để tăng tính thuyết phục, ông Ba đưa ra lập luận: “Gà ta thứ thiệt tuổi còn non lấy đâu ra nhiều trứng và dồi trường, chỉ những con gà xác quá đát mới còn sót trứng non và khúc dồi trường dài thòng lòng như vậy”.
Mỗi tháng có 100.000 con gà xác
Hiện nay, một con gà xác tại trại được đầu nậu mua với giá rất rẻ, đổ đồng khoảng 48.000 – 50.000đ/con. Nhưng khi làm thịt, bán cho các quán lại lên tới 60.000 – 65.000đ/kg (khoảng trên dưới 100.000đ/con). Còn thực khách phải ăn giá 150.000 – 200.000đ/con tuỳ trọng lượng. Ngoài ông Ba, TPHCM có thêm ba người nữa ở quận 8, Gò Vấp và Thủ Đức chuyên gom gà xác từ các tỉnh, trung bình mỗi ngày có khoảng 3.500 - 4.000 con gà xác được chủ quán biến thành “gà ta” thứ thiệt.
Còn, theo tính toán của ông Nguyễn Quốc Trung, tổng giám đốc công ty chăn nuôi Jafpa Việt Nam, trung bình mỗi tháng, đàn gà đẻ của các tỉnh từ Đà Nẵng trở vào có thể cung cấp cho thị trường 100.000 con gà xác. Nhiều đầu nậu còn khẳng định, một số quán “gà ta” mang thương hiệu vùng miền ở TPHCM cũng lấy gà xác về bán. Số lượng gà xác cung cấp mỗi ngày cho thị trường thành phố nhiều hay ít phụ thuộc vào giá trứng ở mỗi thời điểm. Nếu giá trứng đang trong chu kỳ cao thì thị trường có ít gà xác vì chủ trại còn tận dụng cho gà đẻ để bán trứng.
Ngoài các tỉnh phía Nam có bán gà xác, gần đây, gà xác cũng xuất hiện khá nhiều ở các tỉnh phía Bắc. Ngoài quán ăn thương hiệu “gà ta”, gà xác còn bán cả trong siêu thị. Ông Nguyễn Quốc Trung cho rằng, hầu hết số gà đó nhập lậu từ Trung Quốc chứ không phải từ Mỹ hay Brazil...
Với tổng đàn gà đẻ lên tới hàng trăm triệu con, hàng ngày các trại gà tại Trung Quốc thải ra lượng gà xác khổng lồ, và hàng triệu con gà xác đã được tuồn vào Việt Nam qua con đường tiểu ngạch.
Theo Hoàng Bảy
Sài Gòn tiếp thị