1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ấm lòng cuộc đoàn tụ trực tuyến cô dâu Việt lấy chồng Hàn Quốc

Nhìn gương mặt rạng ngời của cô dâu và các chàng rể Hàn Quốc qua buổi gặp gỡ trực tuyến, người nhà của những cô dâu Việt cũng cảm thấy yên tâm, ấm lòng. Sau bao ngày xa cách, với những lo âu, khi được nhìn thấy con em mình ai cũng phấn khởi.

Vào trung tuần tháng 7 hằng năm, Tập đoàn Viễn thông hàng đầu Hàn Quốc KT cùng Tổ chức liên hợp các công đoàn thuộc doanh nghiệp Hàn Quốc (UCC) và 11 doanh nghiệp khác đã tổ chức hoạt động thiện nguyện gặp gỡ qua truyền hình với đối tượng là các gia đình đa văn hoá Việt Nam trong 5 ngày tại 2 điểm cầu Hàn Quốc và Hà Nội. Năm nay, cuộc gặp gỡ được tổ chức từ 20/7 đến 24/7.

Năm nay, 41 gia đình đã được chọn thông qua Trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hoá tại Hàn Quốc có cơ hội được gặp gỡ gia đình tại Việt Nam của mình, thông qua hệ thống truyền hình được đặt tại các văn phòng của KT thuộc 13 khu vực khác nhau tại Hàn Quốc và hệ thống truyền hình đặt tại Hà Nội, Việt Nam.

Ngày 22/7, có mặt tại phòng gặp gỡ trực tuyến của KT tại Hà Nội, nhiều gia đình đã ngồi đợi từ rất sớm, để tới lượt gặp gỡ người thân. Từ trẻ nhỏ tới các bậc cha mẹ, anh em ai cũng hồi hộp, xen lẫn vui mừng.

Ông Phùng Văn Minh và bà Trần Thị Lựu nhà ở Thốt Nốt - Cần Thơ cho biết: “Khi gả con gái đi lấy chồng Hàn Quốc vào 7 năm trước, tôi rất lo lắng, không biết con sống ra sao nơi đất khách quê người. 7 năm rồi, giờ vợ chồng tôi mới được gặp gỡ trực tuyến gia đình con gái, nhìn 2 đứa cháu ngoại xinh xắn, gia đình rất phấn khởi trước hạnh phúc của con gái mình. Nhờ chương trình gặp gỡ trực tuyến, chúng tôi mới được biết Hà Nội, ra đây được cho đi tham quan Hà Nội, khám bệnh. Tôi cám ơn chương trình rất nhiều, nhìn thấy con khoẻ mạnh, gia đình hạnh phúc, tôi rất yên tâm”.

Gia đình cô dâu Việt gặp gỡ trực tuyến từ hai đầu cầu Hà Nội và Hàn Quốc.
Gia đình cô dâu Việt gặp gỡ trực tuyến từ hai đầu cầu Hà Nội và Hàn Quốc.

Ở đầu cầu Hàn Quốc, anh Lim Yeong Dae, chồng chị Phùng Thị Hai, liên tục hỏi thăm ông bà và khoe với ông bà ngoại về 2 đứa con gái xinh đẹp và ngoan ngoãn. Anh Lim Yeong Dae cho biết, gia đình sống ở đảo Imja, thời gian tới nếu có điều kiện sẽ đưa vợ con về Việt Nam chơi và thăm ông bà. Ở Hàn Quốc, chị Hai giờ đã hoà nhập được với cuộc sống người Hàn, giao tiếp tương đối tốt. Vợ chồng chịu thương chịu khó, cuộc sống cũng đỡ vất vả.

Có mặt tại buổi gặp gỡ, chị Nguyễn Thị Thường và gia đình gồm 10 người đến từ thị xã Quảng Yên - Quảng Ninh cho biết, em gái chị là Nguyễn Thị Thu lấy chồng Hàn Quốc được 6 năm, khi gia đình nhận được thông báo về chương trình gặp gỡ trực tuyến, ai cũng rất vui và phấn khởi. Đây là dịp để cả nhà nhìn thấy nhau, chia sẻ những thông tin về cuộc sống của em gái nơi xứ Hàn. Trong lúc nói chuyện trực tuyến, chị Thu cho biết, gia đình chồng chủ yếu làm nông nghiệp, làm muối nên cũng khá bận rộn. Vợ chồng chị mới có một cháu gái 6 tuổi.

Anh Park Yeon Soo- 46 tuổi chồng của chị Thu cho biết: “Thu ngày mới sang thì còn bỡ ngỡ về tiếng, văn hoá Hàn Quốc, nhưng đến nay thì cơ bản đã hoà nhập, nói được khoảng 80% tiếng Hàn, nấu ăn thì rất khéo”. Nhìn gương mặt rạng ngời của cô dâu và các chàng rể Hàn Quốc qua buổi gặp gỡ trực tuyến, người nhà của những cô dâu Việt cũng cảm thấy yên tâm, ấm lòng. Sau bao ngày xa cách, với những lo âu, khi được nhìn thấy con em mình ai cũng phấn khởi.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động KT - ông Jung Yoon Mo cho biết, khởi động vào năm 2012, hoạt động từ thiện toàn cầu đã triển khai thực hiện được 4 năm liền, và cho đến nay đã tạo cơ hội cho hơn 200 cô dâu Việt Nam và hơn 1.200 người thuộc gia đình của các cô dâu được hội tụ qua truyền hình.

Tiếp nối chương trình của năm ngoái, năm nay Tập đoàn KT tiếp tục thực hiện “Cuộc hội tụ bất ngờ” đã giúp gia đình cô dâu Huỳnh Thị Hằng Em (36 tuổi) ở tỉnh Jeonam, quận Shinam, huyện Imja trở về Việt Nam trực tiếp gặp mặt nhau tại Hà Nội và về quê thăm gia đình chị Em ở Cần Thơ.

Chia sẻ cảm xúc khi có mặt ở Hà Nội, chị Em cho biết, “Tôi kết hôn với anh Siyong Park từ năm 2008, gia đình chồng sống trên đảo Imja, chủ yếu là làm nông nghiệp. Tôi vô cùng cảm kích và biết ơn Tập đoàn KT đã cho tôi cơ hội được trở về quê hương, và trực tiếp gặp mặt các thành viên trong gia đình- những người mà tôi vô cùng mong nhớ. Kỷ niệm đẹp đẽ và quý giá này sẽ làm cho cuộc sống của tôi thêm hạnh phúc, kể cả khi tôi trở về Hàn Quốc”, chị Em nói.

Với khoảng thời gian 30 phút gặp mặt trực tuyến, nhưng đây có thể nói là thời gian quý báu, hạnh phúc của gia đình các cô dâu Việt, ở đầu cầu Việt Nam, khi thấy con mình đang có cuộc sống hôn nhân ổn định và thích nghi với cuộc sống mới, là nguồn động viên tinh thần rất lớn cho những người làm cha mẹ khi gả con lấy chồng nơi xứ người.

Trưởng đoàn tổ chức từ thiện toàn cầu UCC - ông Choi Jang Bok khẳng định: “Trong tương lai, UCC sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa, để làm cầu nối giúp cho mối quan hệ hợp tác của hai nước Việt Nam – Hàn Quốc ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn”.

Theo Lưu Hiệp
Công an nhân dân

Gia đình cô dâu Việt gặp gỡ trực tuyến từ hai đầu cầu Hà Nội và Hàn Quốc.