1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

"Ám ảnh" chuyện đóng góp đầu năm

Một tuần sau lễ khai giảng, nhiều trường đã bắt đầu tổ chức họp phụ huynh học sinh. Mặc dù lãnh đạo ngành giáo dục, UBND các địa phương đều có công văn nghiêm cấm các khoản thu ngoài quy định, không được quy định mức đóng góp tự nguyện. Tuy nhiên, thực tế không diễn ra như vậy.

Áp đặt tự nguyện

Một phụ huynh học sinh (PHHS) xin được giấu tên đã không khỏi bức xúc, sau khi "xin ngược xin xuôi" cho con trai được vào học lớp 1 Trường Tiểu học Kim Liên (Hà Nội), ngày đầu tiên làm thủ tục nhập trường, PHHS nhận được ngay giấy tự nguyện nộp tiền. Tuy nhà trường không quy định cụ thể là bao nhiêu, nhưng các PHHS "truyền tai" nhau là mức một triệu đồng. Kiểm tra lại thông tin qua một PHHS là đồng nghiệp đã qua "cửa ải" này từ năm học trước, chị xác nhận việc nhà trường đưa giấy để phụ huynh... viết tự nguyện là có thật đối với học sinh vào lớp 1.

Sau khi nhận được phản ánh của PHHS, chúng tôi tìm lại công văn số 1828 của Sở GDĐT Hà Nội. Sở quy định các trường không được thu ngoài các khoản đã quy định, đối với các khoản thu thoả thuận phát sinh trong thực tế, nhưng chưa có quyết định của UBND TP như tiền ăn trưa, hỗ trợ thiết bị phục vụ bán trú, tiền quần áo đồng phục... thì nhà trường phải có văn bản thoả thuận tới từng PHHS về mức thu và nội dung chi, được sự nhất trí của hội nghị PHHS các lớp.

Đối với các khoản thu đóng góp tự nguyện, nhà trường tuyệt đối không được quy định mức đóng góp đối với từng HS. Các khoản thu như bảo hiểm, quỹ đoàn đội... trả về các đoàn thể thu. Sở yêu cầu các trường không được thu gộp nhiều khoản thu vào đầu năm học. Những khoản thu sai phải trả lại cho HS.

Mặc dù sở quy định cụ thể như vậy, nhưng khi áp dụng vào thực tế, nhiều trường đã biến tướng các khoản thu. Nhiều huyện ngoại thành còn khoán chỉ tiêu cho mỗi trường phải thu được tối thiểu 80% trên tổng số HS các loại bảo hiểm. Trường nào không thu đủ tỉ lệ đó thì bị đánh giá vào thi đua, vì vậy, nhiều hiệu trưởng cho biết, vẫn phải để giáo viên chủ nhiệm thu hộ các khoản này thì mới đảm bảo thu đủ.

Những khoản thu lạ

Để thực hiện việc thu phí bước vào năm học mới, ngày 30.8.2006, UBND TP.Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 5845/QĐ-UBND nhằm thống nhất các khoản thu phí trong năm học mới, nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân vận động thu trong PHHS để tạo quỹ hội PH lớp, hội PH trường.

Việc vận động PHHS tham gia đóng góp tạo quỹ các phong trào... chỉ được thực hiện khi có văn bản cho phép của UBND TP hoặc cơ quan có thẩm quyền. Các trường phải niêm yết công khai danh mục và mức thu đối với tất cả các khoản nhà trường được phép thu; đồng thời có thông báo các khoản do PHHS phải tự thực hiện tại địa điểm văn phòng nhà trường ngay từ đầu mỗi năm học mới để PHHS theo dõi thực hiện, giám sát.

Trên thực tế, các khoản phí "ngầm" và các chi phí bất hợp lý vẫn tiếp tục được áp dụng. Nhiều PHHS Trường Mầm non Hoa Phượng Đỏ (quận Hải Châu) phải "cắn răng" đóng tiền ăn sáng cho trẻ 60.000 đồng/tháng (700.000 đồng/năm) trong khi không có nhu cầu cho con ăn tại trường. Tại Trường Mầm non 20-10, nhà trường đưa ra thông báo: Không nhận quà, bánh, sữa của PH để nhà trường làm việc với các Cty sữa để cung cấp. Các loại sữa mà nhà trường đưa ra đều có giá cao hơn rất nhiều so với ở thị trường.

Nỗi "ám ảnh" bao giờ dứt?

Chị Nguyễn Hoàng A - PHHS Trường Tiểu học Trung Nhất (Q.Phú Nhuận) - cho biết, con chị học lớp 4 ngoại trú phải đóng với tổng số hơn 10 khoản thu, với số tiền là 325.000 đồng. Có những loại phí tự nguyện tham gia nhưng nhà trường vẫn cứ gộp lại, đề nghị phải đóng hết. Chỉ riêng khoản bảo hiểm đã có 3 loại phí: BHYT, BH tai nạn HS và phí nha học đường. Ngoài ra, còn cả phí máy lạnh thêm ngoài phần phí CSVC, năm nào cũng phải đóng...

Một HS lớp 1 học bán trú trường Nguyễn Thị Định - quận 7, phải nộp khoảng 6 mục là 610.000 đồng. Trong đó, riêng tiền PH đã là 100.000 đồng. Cô giáo chủ nhiệm cho biết: Học sinh tiểu học học giỏi nhiều, trường không đủ kinh phí phát thưởng. Vì vậy, hội PHHS phải hỗ trợ. Ngoài ra, cũng tại trường này, ở một số lớp tăng cường ngoại ngữ, PHHS còn phải tự góp tiền để mua tivi, đầu máy... Sau giờ họp đầu năm, cô giáo còn "gợi ý" có mở lớp dạy thêm tại nhà (3 ngày/tuần, mỗi ngày 2 tiết), với giá 200.000 đồng/HS và khuyên HS nên theo học, nếu không bám kịp chương trình (?!).

Trường Tiểu học Minh Đạo (quận 5) còn "khéo" hơn, đã cắt nhỏ các khoản thu thành từng tháng để PH thấy không nhiều, không than thở. Nhưng mỗi đợt, HS phải nộp 159.000 đồng.

PHHS, ban giám hiệu, lãnh đạo ngành GDĐT các sở hầu như ai cũng biết những khoản thu vô lý đầu năm học. Do tâm lý "qua sông thì phải lụy đò" nên nhiều PHHS không dám kêu vì sợ ảnh hưởng đến con em, nếu thắc mắc thì bị cô giáo "chú ý". Vì vậy, những điều vô lý ấy đang dần dần trở thành bình thường và trở thành "có lý" trong môi trường sư phạm từ lúc nào không hay...

Nhóm PVTS
Báo Lao Động