1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Ai sẽ giám sát Quốc hội?

TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của UBTVQH: Suy cho cùng thì chỉ có nhân dân mới có quyền giám sát QH và thực hiện quyền giám sát QH thông qua giám sát từng đại biểu QH.

“Quốc hội (QH), Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH hiện có rất nhiều hình thức giám sát nhưng chưa có chế tài đủ mạnh để người được giám sát thực hiện đầy đủ, nghiêm chỉnh. Vì vậy, QH cần nghiên cứu quy định các chế tài để việc thực hiện giám sát thực sự có hiệu quả”. TS Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng QH, kiến nghị như trên tại Hội nghị tổng kết 10 năm hoạt động giám sát của QH và UBTVQH do UBTVQH tổ chức tại TP Đà Nẵng ngày 8-8.

Giám sát = nghe báo cáo

TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn đại biểu (ĐB) QH TP.HCM, nhận xét: “Hằng năm QH và UBTVQH chọn các chuyên đề giám sát tương đối ấn tượng và được cử tri quan tâm. Tuy nhiên, chất lượng của việc giám sát cần phải xem lại vì giám sát chuyên đề nhưng nội dung không sâu, việc đi thực tế cũng chỉ là “nghe đối tượng giám sát báo cáo”, người tham gia giám sát lại không đủ thông tin để phản biện. Nếu nói việc đi giám sát thực tế mang tính chất “cưỡi ngựa xem hoa” cũng không quá đáng”.
 
Ai sẽ giám sát Quốc hội?
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang trong một lần giám sát việc thi công trường THCS Hữu Vinh, huyện Yên Minh năm 2013.

Ông Lịch cũng chỉ ra một thực tế là hầu như hoạt động giám sát của QH chỉ nghe ý kiến của người thi hành luật pháp mà chưa nghe dân nói. Hầu hết các báo cáo kết quả giám sát lại thiếu địa chỉ trách nhiệm cụ thể, chưa mạnh dạn đề xuất biện pháp chế tài để QH xem xét. “Luật lại chưa quy định rõ ràng trách nhiệm của tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát. Chẳng có ai phải chịu trách nhiệm cả. Cử tri bảo chúng tôi phải chịu trách nhiệm giám sát việc thực thi pháp luật. Họ còn kiện cả tôi vì sao không giám sát. Nhưng nói thật không thể giám sát được vì thiếu chế tài, thiếu địa chỉ trách nhiệm cụ thể” - TS Lịch nói.

QH làm sai thì ai giám sát?

ĐB Lê Bộ Lĩnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN&MT của QH, đặt câu hỏi hóc búa: “QH có quyền giám sát tất cả, vậy ai sẽ là người giám sát QH? Các quyết định, đạo luật của QH ban hành phải chăng tất cả đều chính xác và nếu sai thì ai là người giám sát để tìm ra cái sai đó? Đây là vấn đề cần nghiên cứu kỹ và xem xét trong lần sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của QH”.

ĐB Huỳnh Nghĩa, Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng, cũng băn khoăn nếu QH làm sai Hiến pháp thì ai giám sát QH. “Mỗi lần đi tiếp xúc cử tri, người dân hỏi nhưng chúng tôi không sao trả lời được. Cần làm rõ vấn đề này để chúng ta còn trả lời cho cử tri chứ thực tế có ai giám sát được QH đâu” - ông Nghĩa góp ý.

TS Bùi Ngọc Thanh cho rằng lâu nay vấn đề “ai giám sát QH” vẫn còn bỏ lửng. Còn TS Trần Du Lịch phân tích: “Câu hỏi ai giám sát QH là một vấn đề cực khó trong chế độ không phân quyền như ở ta, QH lại là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất”.

ĐB Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cũng cho hay MTTQ là cơ quan được giao giám sát toàn xã hội và giám sát cả QH nhưng cũng chỉ giám sát kiểu theo dõi, phát hiện và kiến nghị. “Luẩn quẩn ở chỗ nếu MTTQ phát hiện sai sót của QH thì cũng chỉ biết báo cáo QH chứ biết báo cáo với ai. Vì vậy, việc giám sát thực hiện không được như mong muốn” - ĐB Pha nói.

Trao đổi với các ý kiến trên, TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của UBTVQH, nói: “Đối với các nước theo cơ chế tam quyền phân lập thì giám sát lẫn nhau rất dễ. Còn ở ta quyền lực là thống nhất, hành pháp và tư pháp không giám sát được QH. Suy cho cùng thì chỉ có nhân dân mới có quyền giám sát QH và thực hiện quyền giám sát QH thông qua giám sát từng ĐBQH”.
 

Giảm bớt đại biểu từ hành pháp

Hiện có tới 98,2% ĐBQH có trình độ ĐH và trên ĐH. Nhưng cơ cấu thành phần ĐB hiện nay chưa ổn do số ĐB thuộc cơ quan hành pháp đang chiếm số đông. Vì vậy, QH cần cơ cấu lại thành phần ĐBQH trong những nhiệm kỳ tiếp theo theo hướng tăng số ĐB ngoài cơ quan hành pháp để nâng cao chất lượng tranh luận. Nếu để cơ quan hành pháp chiếm tuyệt đối số ghế ĐB tại QH thì sẽ làm cho cơ quan hành pháp phình ra. Điều này dẫn tới chuyện cơ quan hành pháp vừa là người trình báo cáo lại vừa là người biểu quyết trong các phiên họp của QH.

TS BÙI NGỌC THANH, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng QH

Cần phải có Hội đồng Hiến pháp

Nhân dân không thể giám sát được các đạo luật của QH. Vì vậy, phải có Hội đồng Hiến pháp. Hội đồng Hiến pháp có quyền đưa ra kết luận và cho tạm dừng các đạo luật của QH, đến khi có kỳ họp thì xin ý kiến về đạo luật đó.

TS ĐỊNH XUÂN THẢO, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp

Theo Lê Phi

Pháp luật Tp. HCM