Ai kiểm soát chất lượng xăng?
Nghi vấn xăng kém chất lượng tại TPHCM trong tuần qua đã lan rộng ra nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước. Người tiêu dùng trông đợi các cơ quan quản lý sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn chất lượng mặt hàng thiết yếu này, tuy nhiên, đến giờ phút này, vẫn chưa có cơ quan chức năng nào lên tiếng.
PV đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Mạnh Hải, thứ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ (cơ quan quản lý cao nhất về lĩnh vực đo lường, chất lượng).
Thưa ông, tiếp sau TPHCM, dư luận tại nhiều địa phương khác cũng đang đặt nghi vấn về việc xăng bị trộn phụ gia làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, gây hại hàng loạt xe máy. Bộ đã có kế hoạch “làm rõ trắng đen” vấn đề này chưa?
Năm nay chúng tôi chưa có đợt kiểm tra nào đối với mặt hàng xăng dầu, còn hằng năm chúng tôi đều kiểm tra và đã phát hiện các hiện tượng xăng A90 nhưng công bố là xăng A92 và bán với giá của xăng A92, hay nhiều doanh nghiệp pha dầu DO vào xăng.
Tuy nhiên, hiện tượng xăng bị pha phụ gia gây hại động cơ xe máy như ở TPHCM thì chúng tôi chưa phát hiện. Bộ đang nghi vấn có thể số xăng đó đã bị pha cồn etanol (một loại nhiên liệu có thể thay thế xăng hoặc pha vào xăng).
Hiện tại, nếu chỉ có dư luận tại TPHCM thì trước mắt sẽ để Sở Khoa học - công nghệ TP và Chi cục Quản lý thị trường TP phối hợp kiểm tra. Nếu hiện tượng này lan rộng ra các tỉnh khác thì bộ sẽ tổ chức cho các sở khoa học - công nghệ kiểm tra, thanh tra rộng rãi các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên cả nước. Chủ quan tôi nghĩ các địa phương khác khó có hiện tượng pha etanol vào, cùng lắm chỉ pha dầu DO.
Vì sao ông nghĩ xăng tại TPHCM bị pha etanol?
| |
Thứ trưởng Bùi Mạnh Hải |
Tại Brazil, trong các cửa hàng bán xăng có các cột bơm khác nhau. Có cột bơm bán riêng etanol, giá chỉ bằng 70% giá xăng. Có cột bán xăng pha 4% etanol giá bằng 80% giá xăng, có cột bán xăng pha 20% etanol giá bằng 90% giá xăng.
Tất nhiên, việc ảnh hưởng của etanol đến chất lượng động cơ chưa có thí nghiệm nào đầy đủ nhưng chắc giá rẻ thì sẽ ảnh hưởng đến động cơ.
VN chưa có qui định về việc pha etanol vào xăng. Hiện các công ty trong TPHCM mới đề nghị Bộ Khoa học - công nghệ đánh giá công trình nghiên cứu của họ sau khi họ sản xuất và thử nghiệm thành công etanol.
Chúng tôi sẽ phải đánh giá xem etanol đó có thay thế được xăng không, khi thay thế thì etanol đó có ảnh hưởng đến khả năng làm việc của động cơ, tuổi thọ, độ bền của động cơ không.
Tiếp đó chúng tôi sẽ đánh giá dây chuyền công nghệ pha chế etanol của họ rồi mới có những qui định cụ thể về việc pha etanol vào xăng. Việc sử dụng etanol thay thế xăng hay pha vào xăng là điều cần thiết vì etanol được sản xuất từ thực vật nên không gây hại môi trường, trong khi giá xăng hiện nay lại đắt quá.
Như vậy nếu đúng mặt hàng xăng tại TPHCM bị pha etanol thì doanh nghiệp cung cấp mặt hàng đó có bị xử phạt?
Về nguyên tắc, nếu đúng là xăng tại TPHCM được pha etanol thì sai vì việc này chưa được phép. Mặt khác, khi đã pha etanol vào xăng thì phải công bố rõ là xăng pha etanol và phải bán giá thấp hơn giá xăng chứ không thể nhá nhem bán cho người tiêu dùng được.
Giống như trên tôi đã nói, ở Brazil người ta ghi rất rõ tại các cột bơm mặt hàng xăng nào pha etanol, pha với tỉ lệ bao nhiêu...
Còn về việc xử phạt trong lĩnh vực đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì nghị định hướng dẫn xử phạt còn bất cập, thành ra bó tay những người thực thi nên sẽ phải sửa nghị định.
Nghị định qui định người nào pha chế phụ gia làm sụt giảm chất lượng sản phẩm sẽ bị xử phạt, nhưng làm sao mình bắt được hành vi pha chế và người bán hàng nhiều khi chỉ biết nhận hàng rồi bán chứ bản thân họ không pha chế.
Vì thế tới đây sẽ phải sửa nghị định theo hướng anh đăng ký bán xăng A90 mà kiểm tra thấy chỉ đạt chất lượng xăng A86 hay xăng có pha chất khác vào là coi như anh vi phạm.
Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước nên thường xuyên kiểm tra chất lượng mặt hàng xăng dầu mới có thể đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng?
Hiện nay chỉ có vấn đề đo lường mặt hàng xăng dầu được chúng tôi kiểm tra thường xuyên vì sau một thời gian sử dụng thiết bị có thể có sai lệch. Còn đối với vấn đề chất lượng xăng dầu, nếu lúc nào cũng đi kiểm tra sẽ gây ra tâm lý không hay trong sản xuất kinh doanh.
Trong khi đó, Nhà nước sẽ tốn kém vì kiểm tra thì sẽ phải có người đi, phải lấy mẫu về phân tích mà mỗi lần phân tích cũng mất vài triệu đồng. Vì thế chỉ khi nào có dấu hiệu về việc doanh nghiệp bán sản phẩm kém chất lượng thì mới lập đoàn kiểm tra.
Như vậy liệu không kiểm tra thường xuyên thì doanh nghiệp có thờ ơ với việc đảm bảo chất lượng sản phẩm không?
Tôi cho rằng nguyên tắc là khi người tiêu dùng thấy chất lượng sản phẩm không cao thì họ không đến với người bán sản phẩm đó nữa.
Theo Khiết Hưng
Tuổi Trẻ