1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Ai cũng phải dùng điện nên bức xúc với EVN

(Dân trí) - “Hành động của EVN khi trả lại dự án điện, xét về khía cạnh trách nhiệm, là không trọn vẹn nhưng không thể vì thế mà nói họ xấu. EVN bị phản ứng mạnh bởi hàng ngày ai trong chúng ta cũng đều phải dùng điện…” - đại biểu Nguyễn Đức Kiên nêu ý kiến.

Uỷ viên UB kinh tế của QH, Nguyễn Đức Kiên, trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp QH về chương trình giám sát tối cao về hoạt động của các tập đoàn, DNNN trong năm 2009.

Không phải nhà nước, ai bảo lãnh cho doanh nghiệp đi vay?

Có thực trạng vốn vay của nhiều tập đoàn, DNNN rất cao, hơn gấp hàng chục lần vốn của chủ sở hữu. Nhiều đại biểu cảnh báo đó là một tỷ lệ quá nguy hiểm nhưng doanh nghiệp vẫn tiếp tục được vay. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Đánh giá vốn của DNNN hiện nay có hai trường phái. Trường phái thứ nhất là đánh giá vốn trên sổ sách mà Nhà nước giao và thứ hai là đánh giá vốn bao gồm cả bất động sản, đất đai và tài sản gắn liền với tập đoàn đó.

Coi đó là tài sản của nhà nước nên mới có đánh giá vốn vay gấp 22, 23 lần so với vốn của chủ sở hữu nhưng cách tính ấy là so với thời điểm ban đầu giao vốn, chưa đánh giá lại.

Tuy nhiên cũng phải nói sòng phẳng là tập đoàn vay được nhiều tiền thế bởi vì họ là doanh nghiệp nhà nước, sau lưng họ là nhà nước và ngân hàng cho vay cũng phần lớn là ngân hàng nhà nước thì mới đảm bảo cho vay thế.

Vấn đề mấu chốt là có đánh giá các tập đoàn, doanh nghiệp này sử dụng vốn không hiệu quả và khả năng chi trả không cao?

Tiêu chí nào để đánh giá việc sử dụng vốn của khối doanh nghiệp này không hiệu quả? Việc chủ đầu tư thành lập ra một doanh nghiệp là bao giờ cũng bao hàm đa mục tiêu, bên cạnh việc tạo ra lợi nhuận, có những việc nhà nước phải đi trước, khai phá, mở đường, nhận trách nhiệm trong những lĩnh vực rủi ro lớn.

Đây là đặc thù của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội. Doanh nghiệp thay mặt nhà nước gánh chịu rủi ro đó nhưng về cơ bản khả năng trả nợ là vẫn có.

Có ý kiến cho rằng nhà nước đã mạo hiểm khi đứng ra bảo lãnh cho các tập đoàn, doanh nghiệp đi vay vốn hoặc cho vay lại. Ông đánh giá việc này như thế nào?

Theo tôi, đánh giá như thế hơi chủ quan, không thể hiện cách nhìn toàn diện bởi chúng ta phải nhìn rõ là nếu bây giờ nhà nước không đứng ra bảo lãnh thì ai bảo lãnh cho các doanh nghiệp làm việc này.

EVN không được vay 2.000 tỷ đồng như Vinashin

Không ít đại biểu "nặng nề" về việc các tập đoàn, DN “con cưng” của nhà nước không làm đúng nhiệm vụ. Theo ông, có cơ sở để đại biểu phê phán và việc “phê” có xác đáng?

Quyền phê phán là của từng đại biểu. Chúng ta biết là đại biểu QH là đại diện cho một bộ phận nhân dân, cử tri cả nước và nói tiếng nói tiếng nói của bộ phận dân cư đấy.

Nhưng phải bình tĩnh nhìn lại là trong những vấn đề người ta nói là do thiếu thông tin, có vấn đề là do chưa hiểu đúng và có những vấn đề chính xác thì phải tiếp thu.

Trong vấn đề này, phê phán nhưng chúng ta phải có chọn lọc, đừng chỉ dư luận phản ánh về ngành điện vừa qua mà đánh giá cả hệ thống DNNN là không tốt. Tôi nghĩ như thế thì hơi cực đoan.

Nếu có ý kiến cho rằng đó là những nhiệm vụ tất nhiên DNNN phải đảm đương trong điều kiện họ được ưu đãi lớn hơn nhiều so với các thành phần khác thì có thể nói lại thế nào?

Thì vì được ưu đãi như thế nên những lúc khó khăn, DNNN phải đứng ra làm. Và những lúc khó khăn đó, họ có kêu ca đâu.

Vậy có thể lý giải như nào về việc EVN đã từ chối 13 dự án đầu tư phát triển điện mà đáng ra tập đoàn này có năng lực để thực hiện nhất, thưa ông?

Việc này phải nhìn từ 2 góc độ. Nếu không có tình trạng lạm phát lên tới 24%, lãi suất của ngân hàng lên tới 26% thì chắc chắn EVN sẽ vẫn huy động được vốn để thực hiện.

Nhưng hiện tại, Chính phủ có chấp nhận cho họ cơ chế huy động vốn với lãi suất 25% trong khi xây dựng nhà máy đó, người ta tính tỷ lệ hoàn vốn chỉ 8 - 10%? Và theo quy định, Tổng Giám đốc và HĐQT của doanh nghiệp để lỗ 3 năm liên tiếp phải mất chức.

Nói là khó khăn doanh nghiệp có quyền tính toán thì EVN lý giải thế nào khi hiện nhiều đơn vị khác đã đứng ra nhận lại những dự án mà họ từ chối, thưa ông?

Chúng ta cũng phải hỏi lại bản thân Petro Vietnam có phải có nhiều tiền thật không. Họ lấy từ 50% vốn để lại của ngân sách nhà nước để đầu tư vào điện chứ có phải tài giỏi hơn đâu mà nói huy động được vốn. Họ huy động được là vì người ta nhìn thấy đằng sau họ là cả mỏ dầu của đất nước.

Tất nhiên, hành động của EVN, xét về khía cạnh trách nhiệm xã hội của một doanh nghiệp khi được nhà nước thành lập, khi trả lại dự án là không trọn vẹn. Nhưng không thể cứ thấy họ trả dự án là nói họ xấu.

Phải nói lại là trong tình hình như thế, cơ quan quản lý nhà nước có gọi EVN lên hỏi họ khó khăn gì trong huy động vốn, cơ chế thế nào, nhà nước sẽ đứng ra ký bảo lãnh cho họ vay vốn giống như Vinashin.

Tại sao Vinashin được ký cho vay 2.000 tỷ đồng mà không phải là EVN. Chúng ta chưa vào Hậu Giang để thấy 128ha đất giao Vinashin để làm khu đóng tàu đến giờ cỏ mọc cao hơn người. Chúng ta cũng không nói về việc tất cả các xí nghiệp đóng tàu ở Nam Định của Vinashin giờ phải bóc cả vỏ tàu ra để bán sắt vụn.

Không nói bởi vì những vấn đề đó không liên quan đến đời sống nên người ta cảm thấy không bức xúc. EVN bị phản ứng mạnh bởi vì hàng ngày ai trong chúng ta cũng đều phải dùng điện. Chúng ta đánh giá đây là một doanh nghiệp vừa có tính chất kinh doanh vừa có tính chất xã hội cho nên mới có thể nói như thế.

Phương Thảo (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm