Phiên chất vấn kì họp HĐND TP Hà Nội khóa XVII:
90% thực phẩm Hà Nội là an toàn!?
(Dân trí) - Ô nhiễm môi trường và vấn đề VSAT thực phẩm đang được toàn xã hội đặc biệt quan tâm và sáng 11/12, tiếp tục được các đại biểu HĐND TP Hà Nội “hâm nóng” trong những câu hỏi chất vấn với lãnh đạo UBND TP.
Điều hành phiên chất vấn sáng nay bà Ngô Thị Doãn Thanh, Chủ tịch HĐND TP nhận định, nội dung về vấn đề ô nhiễm môi trường bao gồm rất rộng nên đề nghị các đại biểu tập trung vào 3 vấn đề chính: Môi trường các khu công nghiệp, làng nghề và xử lí rác thải y tế.
Một nghìn tỉ mỗi năm để xử lý 10% ô nhiễm hồ
Đại biểu Nguyễn Hoài Nam nêu câu hỏi: Khi cấp phép cho các dự án xây dựng khu công nghiệp, các doanh nghiệp đều có báo cáo đánh giá tác động môi trường và bảo đảm về vệ sinh môi trường. Thế nhưng khi các doanh nghiệp này đi vào hoạt động sản xuất lại gây ô nhiễm môi trường, vậy đơn vị nào sẽ phải chịu trách nhiệm?
Ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND TPHN trả lời: Quy trình lập dự án xây dựng các khu công nghiệp, làng nghề đều được các cơ quan chức năng thẩm định, đánh giá tác động môi trường hết sức kĩ càng tuy nhiên trong quá trình thực hiện việc bảo vệ môi trường còn chưa nghiêm túc thì trách nhiệm đó phải thuộc ban quản lí dự án. Còn chúng tôi cũng đã tiến hành kiểm tra một số các đơn vị thấy có vi phạm và đã tiến hành xử lí.
Theo ông Khanh, đối với các làng nghề sản xuất gây ô nhiễm môi trường và được thành lập trước khi có luật về bảo vệ môi trường thì các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm tiếp tục hướng dẫn cho họ hoàn chỉnh các thủ tục và các biện pháp để bảo vệ môi trường. Còn đối với các làng nghề thành lập sau khi đã có luật bảo vệ môi trường mà vẫn vi phạm về môi trường thì đề nghị các cơ quan chức năng phải kiên quyết xử lí.
Tuy nhiên xử lí thế nào còn tùy vào mức độ vi phạm, nhưng không dễ gì đóng cửa các làng nghề này vì nó liên quan đề cuộc sống của hàng nghìn lao động.
Đại biểu Nguyễn Hoài Nam chất vấn tiếp: Việc chôn lấp rác thải y tế như hiện nay đang góp phần làm ô nhiễm nguồn nước...
Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh cho rằng, quy trình xử lí rác thải y tế trên thế giới và ở Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn là chôn lấp. Điều quan trọng là “công nghệ” chôn lấp như thế nào để đảm bảo vệ sinh môi trường.
Đại biểu Nguyễn Việt Hưng bày tỏ lo lắng khi xả ra dịch tả được phát hiện ở hồ Văn Chương người ta mới “giật mình” về hiện trạng ô nhiễm của các hồ ở Hà Nội. Bao giờ các hồ này mới hết ô nhiễm?
Theo ông Vũ Hồng Khanh, vấn đề cải tạo lại môi trường nước các hồ ở Hà Nội liên quan đến văn hóa, lịch sử và tập quán sinh hoạt của con người, nếu để xử lí môi trường nước của các hồ này đạt tới 10% thì chúng ta sẽ phải chi tới trên 1 nghìn tỉ/năm. Chính vì vậy mới chọn một số sông hồ ô nhiễm trọng điểm, gây bức xúc trong nhân dân để tiến hành cải tạo trước như sông Tô Lịch, hồ Văn Chương... và tới năm 2015 sẽ cải tạo được 40% lượng nước các sông, hồ bớt ô nhiễm theo hướng xã hội hóa và kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài cùng tham gia.
Riêng về vấn đề tách nguồn nước sinh hoạt tại các khu đô thị mới ra khỏi nguồn nước của các sông thì phải chờ quy hoạch tổng thể Hà Nội mở rộng.
Ông Khanh cho biết hiện có 7 địa điểm được xác định là gây ô nhiễm môi trường và sẽ giải quyết dứt điểm trong năm 2009.
90% thực phẩm Hà Nội là an toàn!?
Về vấn đề VSAT thực phẩm, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Đào Văn Bình cho biết, chất lượng VSAT thực phẩm trên toàn thành phố về cơ bản là đảm bảo. Qua các mẫu giám sát của Sở y tế trong năm 2008 là đạt trên 90% mẫu thử. Các cơ sở có mẫu thử không đạt thì đều được xử lí vi phạm hành chính và tiêu hủy.
Hiện toàn thành phố có 100 cửa hàng bán rau an toàn và 70 cửa hàng bán thực phẩm tươi sống đảm bảo VSATTP.
Đại biểu Hồ Thị Kim Thanh dẫn chứng: Về nhãn quan thông thường thì các loại rau, củ, quả được bày bán trên thị trường tươi rất lâu. Vậy cơ quan quản lí nhà nước kiểm tra như thế nào về các chất bảo vệ thực vật có trên các loại rau củ quả?
Phó Chủ tịch Đào Văn Bình trả lời, các kết quả xét nghiệm không tìm thấy dư lượng chất bảo vệ thực vật trong rau, củ, quả. Theo ông Bình thì việc quản lí các nhà cung cấp thực phẩm có đăng kí không khó, khó nhất là quản lí nguồn thực phẩm của những người bán hàng rong, nếu có phát hiện ra họ bán hàng mà không đảm bảo về mặt VSATTP thì việc xử lí hành chính đối với họ lại càng khó khăn hơn vì họ không có gì để phạt.
Trong sáng nay nhiều đại biểu lo ngại đặt câu hỏi: bao giờ người dân Hà Nội mới được ăn các loại thực phẩm sạch?
Ông Bình cho biết, hiện tại thì người dân Hà Nội cũng đã được ăn các loại thực phẩm đảm bảo về VSATTP rồi nhưng... phải vào các địa điểm bán hàng sạch như siêu thị.
Ông Bình cho biết thêm, năm 2009 sẽ có quy hoạch vùng rau an toàn, đầu tư cho mỗi ha rau này khoảng 100 triệu đồng, còn trách nhiệm giữ gìn VSATTP phải được đặt lên vai toàn xã hội, "hơn ai hết người tiêu dùng hãy tự bảo vệ mình và trở thành những nhà tiêu dùng thông thái", ông Bình nói.
Hồng Ngân