1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

8 lần bắt trộm và 2 ngón tay bị đứt rời

Lần bắt trộm thứ 6 hồi cuối tháng 4, Tuấn bị kẻ gian chặt đứt lìa 2 ngón tay, phải phẫu thuật nối lại. Cách đây hơn một tuần, tay vừa rút chỉ còn chưa lành hẳn, cậu lại đã liên tiếp 2 lần lập công bắt trộm…

Đó là câu chuyện về lòng dũng cảm của Lê Minh Tuấn, một chàng trai Hà Nội sinh năm 1984.  

 

Giữa đường thấy chuyện bất bình…

 

Gặp Tuấn ở ngoài, tôi hơi bất ngờ vì trông cậu chẳng “hoành tráng”, cơ bắp vạm vỡ như mọi người vẫn tưởng. Vóc người nhỏ bé, khuôn mặt trẻ con và cách nói chuyện khá nhút nhát, Tuấn giống một cậu học sinh hơn là một chàng thiếu uý cảnh sát, từng lập thành tích 8 lần bắt trộm chỉ trong vòng một năm.

 

Tuấn là con trai thứ 2 của một gia đình có bố làm công an hình sự quận Cầu Giấy. Tốt nghiệp cấp 3, Tuấn tham gia công an nghĩa vụ rồi về công tác tại trung đoàn Cảnh sát Cơ động PC18, Hà Nội. Bây giờ, cậu đang là học viên năm 2 của trường Trung học Cảnh sát nhân dân 1.

 

Tuấn nói đơn giản về những lần bắt trộm của mình: “Làm một chiến sĩ cảnh sát thì ai chẳng thế, thấy có kẻ gian thì mình phải làm đúng nghĩa vụ của mình thôi”.  Ở ngoài nhìn vào cũng có thể nghĩ đơn giản, vì đấy là nhiệm vụ của Tuấn.

 

Nhưng nếu biết rằng, những lần lập công, khi bắt kẻ móc túi, ăn trộm điện thoại trên xe buýt, lúc bắt kẻ gian trong khu phố, ở nhà hàng xóm…, toàn vào thời điểm Tuấn không phải làm nhiệm vụ mới thấy rằng điều đáng quý nhất và đáng trân trọng nhất ở chàng trai trẻ này không phải là chuyên môn giỏi của một chiến sĩ cảnh sát, mà là trái tim dũng cảm của một con người dám xả thân vì những người xung quanh.

 

Hỏi: “Nếu không phải là một chiến sĩ cảnh sát, bạn có dám xông pha bắt kẻ trộm nhiều lần đến thế?”. Tuấn cười: “Bạn cứ nhìn anh trai mình. Anh ấy chẳng phải cảnh sát, chẳng làm gì liên quan đến nghề an ninh, nhưng anh ấy bắt trộm bao nhiêu lần với mình, thậm chí lúc chỉ có một mình, anh ấy cũng chẳng sợ nguy hiểm đuổi theo kẻ gian mấy cây số. Mình học từ anh ấy thôi”.

 

8 lần bắt trộm và 2 ngón tay bị đứt rời  - 1

 
Hai anh em Chung - Tuấn thường sát cánh bên nhau trong những lần truy đuổi bọn trộm cắp.

 

Có lần một cô bé học sinh bị móc túi ngay bến xe buýt. Cô bé kêu cứu. Dù xung quanh có rất nhiều thanh niên, dù rất nhiều người nhìn thấy hành vi xấu của kẻ trộm, nhưng chỉ có mình Tuấn dám đuổi theo để bắt kẻ gian và lấy lại đồ cho cô bé. “Em bé đó là con gái, nhỏ xíu, bị nạn thì mình phải giúp thôi. Chỉ có điều, đúng là lúc ấy, có rất nhiều người ở xung quanh đó, nhưng không ai đứng ra giúp em ấy cả và thật sự là mình hơi buồn” - giọng Tuấn hơi chùng xuống.

 

Và hai ngón tay đứt rời

 

Mẹ Tuấn kể về con trai bằng cái giọng vừa tự hào, vừa xót xa của người mẹ. Bà kể về lần Tuấn bắt trộm ở ngay khu phố gần nhà - lần nguy hiểm nhất mà cậu bị chặt đứt hai ngón tay. Hôm đó là ngày 24/4.

 

Lê Minh Tuấn sinh năm 1984, là học viên trường Trung học CSND 1.

 

Kể từ tháng 7/2007 đến nay, Tuấn đã 8 lần lập thành tích bắt trộm, có những lần góp phần phá cả đường dây trộm cắp lớn.

 

Tuấn được tặng nhiều bằng khen của Tổng Cục Cảnh sát, Công an TP Hà Nội, Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm Trung ương Đoàn; trở thành nhân vật của nhiều báo đài về thành tích chống tội phạm, giữ gìn an ninh thủ đô.

 

Cậu được phong cấp Thiếu uý chính vì những thành tích đặc biệt đó.

“Hôm đó, buổi sáng nó xin phép tôi sang Gia Lâm chơi với bạn. Quá trưa thì nó về, đập cửa, thì thào gấp: “Trộm mẹ ạ”. Sau đó chạy lên gọi anh nó xuống bắt trộm cùng. Hoá ra trên đường về nhà, thấy mấy thằng rình rình, mặt mày lấm lét nên nó nghi.

 

Vụ hôm đấy ầm ĩ lắm, giữa trưa người ta đổ ra xem đầy nhưng chỉ đứng ở phía ngoài chỉ trỏ. Có bác còn tưởng thằng Tuấn đánh nhau, quát lên bắt nó về. Hai anh em nó không biết là kẻ trộm có mang dao, rồi cả dụng cụ vặn khoá, nên cứ giằng co tay không.

 

Chúng nó thì to, cả Chung (anh trai Tuấn-PV) lẫn Tuấn đều nhỏ người. Một lát sau thì Tuấn bị một thằng dùng vam phá khoá đập mạnh hai phát vào đầu. Tuấn còn đang choáng thì chúng dùng dao (loại dao chọc tiết lợn) xỉa vào ngón trỏ tay phải và ngón giữa tay trái của nó. Máu trên đầu rồi máu ở tay chảy ròng ròng.

 

Hôm đấy tôi nhớ trời còn hơi lạnh lạnh, Tuấn nó mặc cái áo dài tay, che hai bàn tay của nó. Tôi chỉ thấy máu chảy, nó còn cứ trấn an mẹ, tay con không sao đâu mẹ ạ. Lúc sau nhìn, tôi choáng suýt ngất, hai ngón tay của nó gần như đứt lìa ra, chỉ còn dính tí da. Rồi đến lúc vào viện, nó hôn mê bất tỉnh, tay thì phải phẫu thuật 4 tiếng để nối gân, tôi chỉ lo nó có nguy hiểm gì đến tính mạng”.

 

Thế mà bàn tay được phẫu thuật vừa rút chỉ, còn chưa duỗi ra hết, Tuấn đã lại “tìm ra trộm” để bắt tiếp. Hai lần gần đây nhất chỉ cách nhau có mấy ngày. Lần trước hôm 31/5, lần sau hôm 3/6. “Mắt nó nhạy cảm với trộm hay sao ấy, nhìn ra nhanh lắm, rồi cứ thế mà đi bắt, chẳng nề hà gì cả”.

 

Mẹ Tuấn còn kể, có một bà cụ sống ở khu Trung Tự, Phương Mai đọc được thông tin về Tuấn trên báo. Thế là suốt 3-4 ngày trời, cụ tìm cách hỏi thăm, thuê xe ôm đi hết chỗ này chỗ kia để tìm gặp bằng được Tuấn. Cụ hỏi được tới viện thì Tuấn về nhà rồi, thế là lại hỏi cho ra địa chỉ nhà để tới thăm Tuấn. Hôm cụ tới nhà, Tuấn đang nằm dưỡng thương trong phòng khách, cụ chạy lại, ôm chầm lấy cậu, vừa khóc vừa bảo “Sao bây giờ còn có người dũng cảm như cháu”…

 

“Đừng thờ ơ với những người xung quanh”

 

Điều này thì nghề cảnh sát không dạy Tuấn mà chính là sự mách bảo từ trái tim của một con người. “Những bạn trẻ bình thường thì có thể họ không có kỹ năng để ứng xử trong những tình huống như mình đã gặp. Nhưng mình không phủ nhận là bây giờ, một số bạn thờ ơ với những người xung quanh, dù có khả năng giúp đỡ họ. Giữa đám đông, bạn nhìn thấy một kẻ gian, nếu bạn la lên và những người khác cũng giúp đỡ bạn, thì kẻ gian không thể tẩu thoát. Nhưng nếu bạn nghĩ vì “yên thân”, bạn im lặng, những người khác cũng im lặng thì cái sự im lặng dây chuyền ấy sẽ tạo điều kiện cho kẻ xấu hoành hành.

Trước đây, khi làm việc trong đội cơ động, chống đua, mình đã từng phải đuổi theo những cô cậu mới chỉ 15, 16 tuổi. Tầm 5-7h sáng, họ phóng xe ầm ầm trên bờ hồ. Lúc đó thì thường là những người già đã đi tập thể dục rồi. Chúng cứ phóng xe vọt qua, không mảy may quan tâm đến tính mạng các cụ. Coi thường tính mạng chính mình đã đành, nhưng coi thường tính mạng người khác như thế thì thật là đáng trách...

 

Xuân Lê