8 chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4

(Dân trí) - Tháng 4/2012 sẽ có nhiều chính sách mới có hiệu lực thi hành như quy định về 4 đối tượng được hưởng hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người nghèo; rút ngắn thời gian làm thủ tục đăng ký kết hôn…

1. Bốn đối tượng được hưởng hỗ trợ khám, chữa bệnh

 

Đó là:

-          Người thuộc hộ nghèo theo quy định hiện hành;

-          Đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn;

-          Người thuộc diện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật và người đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước;

-          Người mắc bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ tim hoặc các bệnh khác gặp khó khăn do chi phí cao mà không đủ khả năng chi trả viện phí.

 

Quyết định do Thủ tướng Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ 15/4/2012.
 
8 chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4  - 1

Người nghèo mắc bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ tim hoặc các bệnh có chi phí cao sẽ được hỗ trợ khám chữa (Ảnh minh họa: Chinhphu.vn)

 

2. Rút ngắn thời gian làm thủ tục đăng ký kết hôn

 

Theo Nghị định mới có hiệu lực từ 15/4, thời gian làm thủ tục đăng ký kết hôn được rút ngắn từ 5 ngày xuống còn 3 ngày.

 

Trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu xét thấy hai bên nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, thì UBND cấp xã đăng ký kết hôn cho hai bên nam, nữ.

 

Trong trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn nói trên được kéo dài thêm không quá 5 ngày.

 

3. Rút ngắn thời gian cấp Giấy miễn thị thực cho người Việt Nam

 

Thời gian cấp Giấy miễn thị thực sẽ được rút ngắn còn 5 ngày thay vì 7 ngày như hiện nay.

 

Cụ thể, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy miễn thị thực trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

 

Số bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy miễn thị thực trước đây chưa quy định thì nay đã được bổ sung. Theo đó, hồ sơ đề nghị cấp Giấy miễn thị thực được lập thành 1 bộ.

 

Quyết định có hiệu lực từ 15/4/2012.

 

4. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch phạt tới 40 triệu đồng

 

Nghị định quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.0000 - 1 triệu đồng đối với hướng dẫn viên du lịch, thuyết minh viên có hành vi không đeo thẻ, giấy chứng nhận trong khi hành nghề.

 

Đối với một trong các hành vi: Hướng dẫn khách du lịch mà không có thẻ hướng dẫn viên du lịch; sử dụng thẻ hướng dẫn viên du lịch giả, giấy chứng nhận thuyết minh viên giả để hành nghề; giới thiệu sai lệch giá trị văn hóa, lịch sử, đất nước, con người Việt Nam, gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh, truyền thống, đạo đức, thuần phong mỹ tục dân tộc Việt Nam;... sẽ bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng. 

 

Mức phạt tiền cao nhất từ 30 - 40 triệu đồng được áp dụng đối với một trong các hành vi: Cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế để hoạt động, kinh doanh lữ hành; hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế mà không có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế.

 

Nghị định xử phạt có hiệu lực từ 30/4/2012.

 

5. Quy hoạch khai thác khoáng sản

 

Theo Nghị định có hiệu lực từ 25/4/2012, việc quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được lập với 3 loại khoáng sản: 1- Khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn; 2- Khoáng sản ở khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ đã được Bộ TNMT khoanh định và công bố; 3-  Khoáng sản ở bãi thải của mỏ đã đóng cửa.

 

Việc lập quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải bảo đảm các nguyên tắc: phù hợp với chiến lược khoáng sản, quy hoạch khoáng sản theo quy định; bảo đảm khai thác, sử dụng khoáng sản hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả phục vụ nhu cầu hiện tại, đồng thời có tính đến sự phát triển khoa học, công nghệ và nhu cầu khoáng sản trong tương lai...

 

Bên cạnh đó, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh và các tài nguyên thiên nhiên khác.

 

6. Tác giả sáng kiến có thể yêu cầu công nhận sáng kiến tại 3 cơ sở

 

1- Tại cơ sở là chủ đầu tư tạo ra sáng kiến;
2- Tại cơ sở được tác giả sáng kiến chuyển giao sáng kiến theo thỏa thuận giữa hai bên, với điều kiện chủ đầu tư tạo ra sáng kiến từ chối công nhận sáng kiến và không có thỏa thuận khác với tác giả sáng kiến;
3- Tại cơ sở được tác giả sáng kiến chuyển giao sáng kiến theo thỏa thuận giữa hai bên, trong trường hợp tác giả sáng kiến đồng thời là chủ đầu tư tạo ra sáng kiến.

 

Đối với giải pháp đã được áp dụng, thời hiệu thực hiện quyền yêu cầu công nhận sáng kiến là 1 năm kể từ ngày sáng kiến được đưa vào áp dụng lần đầu.

 

Việc xét công nhận sáng kiến được thực hiện trong thời gian 3 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn yêu cầu công nhận sáng kiến hoặc từ ngày hoàn thành việc áp dụng lần đầu, nếu sáng kiến được áp dụng lần đầu sau khi đơn được chấp nhận.

 

Nghị định có hiệu lực từ 25/4/2012.

 

7. Người được giáo dục có nhiều tiến bộ có thể được xét chấm dứt thời hạn giáo dục sớm

 

Người chưa thành niên phạm tội, trong thời gian chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn sẽ được tạo điều kiện tìm việc làm; được xem xét hỗ trợ cho vay vốn từ các ngân hàng chính sách, các quỹ xã hội, quỹ từ thiện ở địa phương...

 

Khi người được giáo dục đã chấp hành các biện pháp giáo dục có nhiều tiến bộ thì được đề nghị xét chấm dứt thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

 

Nghị định có hiệu lực từ 10/4/2012.

 

8. Bổ sung 2 trường hợp xử lý tài sản bảo đảmlà quyền sử dụng đất tài sản gắn liền với đất

 

Thứ nhất, trong trường hợp chỉ thế chấp quyền sử dụng đất mà không thế chấp tài sản gắn liền với đất và người sử dụng đất đồng thời là chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì tài sản gắn liền với đất được xử lý đồng thời với quyền sử dụng đất, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

Các bên có quyền tự thỏa thuận hoặc thông qua tổ chức có chức năng thẩm định giá tài sản để có cơ sở xác định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Số tiền thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm được thanh toán trước cho chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

Thứ hai, trong trường hợp chỉ thế chấp quyền sử dụng đất mà không thế chấp tài sản gắn liền với đất và người sử dụng đất không đồng thời là là chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì khi xử lý quyền sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liến với đất được tiếp tục sử dụng đất theo như thỏa thuận giữa người sử dụng đất và chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Quyền và nghĩa vụ giữa bên thế chấp và chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được chuyển giao cho người mua, người nhận chính quyền sử dụng đất.

 
Nguồn: Cổng TTĐT Chính phủ