1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

75% dự án đầu tư tại TPHCM gây lãng phí

Tình trạng lãng phí thể hiện ở chỗ hầu hết các dự án đầu tư đang triển khai tại TPHCM đều chậm tiến độ. Một số dự án qua kiểm tra có chất lượng xây dựng thấp và có dấu hiệu vi phạm...

UBND TPHCM vừa có Văn bản số 6324 gửi Bộ KH&ĐT báo cáo tình hình thực hiện công tác giám sát đánh giá đầu tư 6 tháng đầu năm 2006 trên địa bàn thành phố.

Qua giám sát, trong tổng số 3.002 dự án đang thực hiện, bao gồm 681 dự án thuộc nguồn vốn ngân sách tập trung của thành phố và 2.421 dự án thuộc nguồn vốn phân cấp và ngân sách của quận huyện, doanh nghiệp thì có đến 2.250 dự án (chiếm 75%) phải điều chỉnh và có vi phạm, gây lãng phí.

Trong đó có 2.228 dự án chậm tiến độ do vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng hoặc phải lập dự án lại, hoặc có sai sót phải điều chỉnh lại thiết kế kỹ thuật.

Có 7 dự án sau khi triển khai mới phát hiện không phù hợp quy hoạch và 15 dự án khác sau khi thẩm tra phát hiện có chất lượng xây dựng quá kém.

Sở KH&ĐT được UBND TPHCM giao trực tiếp  thực hiện công tác giám sát, đánh giá đối với 68 dự án, gồm 48 dự án nhóm B và 20 dự án nhóm C. Qua thẩm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện có trên 90% trong tổng số các dự án trên thực hiện không đúng tiến độ.

Nhiều dự án được quyết định đầu tư từ giai đoạn 2000 - 2002 đến nay vẫn chưa hoàn thành. Trên 65% số dự án chậm tiến độ do vướng đền bù, giải phóng mặt bằng nên không thể hoặc phải tạm dừng thi công. 85% các dự án đều phải thay đổi bổ sung hạng mục, quy mô và tổng mức đầu tư.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là bởi chất lượng tư vấn lập dự án và lập thiết kế dự án chưa cao, công tác khảo sát trước khi tiến hành lập dự án còn quá sơ sài, cẩu thả.

Theo UBND TP, do tiến độ thực hiện dự án kéo dài quá thời gian quy định hoặc do chất lượng tư vấn, khảo sát, lập dự án, thiết kế dự toán chưa cao nên dự án buộc phải điều chỉnh nhiều lần làm tăng tổng mức đầu tư, tăng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng lên gấp nhiều lần và làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư.

Đơn cử như dự án đầu tư mở rộng cảng Bến Nghé kéo dài từ năm 1995 đến nay đã làm tăng tổng mức đầu tư từ con số hơn 9 tỷ đồng ban đầu tăng vọt lên hơn 200 tỷ đồng (gấp hơn 20 lần).

Ngoài ra, tình trạng đầu tư dàn trải tuy từng bước được khắc phục nhưng chưa có kết quả. Hiện nay, bình quân mỗi quận huyện quản lý trên 100 dự án trong năm nhưng khả năng cân đối vốn còn bất cập, trình độ quản lý dự án chưa đạt yêu cầu.

Giơ cao, đánh khẽ

Vì sao tình trạng lãng phí, vi phạm xảy ra hàng loạt và chiếm tỉ trọng quá cao trong tổng cơ cấu dự án đầu tư đang triển khai tại TPHCM?

Theo một chuyên gia kinh tế, đó là hậu quả của việc “giơ cao, đánh khẽ”, chưa thật kiên quyết trong xử lý, chế tài các vi phạm khiến tình trạng trên dây dưa từ năm này sang năm khác.

Đơn cử như các dự án do Sở KH&ĐT giám sát có 45 dự án vi phạm đã được cơ quan này xử lý hình thức... phê bình, nhắc nhở (nghĩa là không xử lý) đến cảnh cáo đối với các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn và nhà thầu thi công.

Nặng hơn nữa là Thanh tra Sở này đã tiến hành phạt tiền đối với 3 dự án, 1 BQL dự án và 4 đơn vị là chủ đầu tư, tư vấn, thi công có liên quan với số tiền phạt hơn 82,5 triệu đồng – tức thấp hơn rất nhiều lần so với tổn thất mà các đơn vị vi phạm đã gây ra.

Mới đây, để hạn chế tình trạng trên, theo kiến nghị của Sở KH&ĐT, UBNDTP đã có biện pháp xử lý vi phạm “nghiêm khắc hơn”. Đó là không cho một số đơn vị tư vấn tham gia thực hiện các công trình thuộc nguồn vốn ngân sách của thành phố trong thời hạn từ 1 đến 2 năm.

Ngoài ra, UBND TPHCM cũng đang xem xét về việc tạm ngưng thực hiện đối với 29 dự án, trong đó có 5 dự án với tổng mức đầu tư hơn 217 tỷ đồng do Sở KH&ĐT giám sát, kiến nghị đã được chấp thuận.

Theo đánh giá, biện pháp chế tài nói trên cũng chưa mạnh để khiến các đơn vị vi phạm không tiếp tục tái phạm.

Theo Huy Thịnh
Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm