1. Dòng sự kiện:
  2. Phá tòa "Hàm cá mập", cải tạo không gian quanh hồ Gươm

7 tỉnh thành miền Trung liên kết cùng phát triển

(Dân trí) - Chiếm 1/3 chiều dài bờ biển nước ta, là “mặt tiền” đất nước hướng ra biển Đông, có tiềm năng kinh tế biển to lớn; nhưng bao đời nay, trừ một số đô thị lớn, 7 tỉnh thành duyên hải miền Trung vẫn là dải đất nghèo so với nhiều địa phương khác.

Đó là báo cáo đề dẫn tại hội thảo khoa học “Liên kết phát triển 7 tỉnh duyên hải miền trung” đã được tổ chức ngày 15/7 tại TP Đà Nẵng. Tại đây, lãnh đạo các tỉnh thành miền Trung gồm TT-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa đã tập trung về để tìm tiếng nói chung trong việc phát triển kinh tế xã hội.
 
7 địa phương trong vùng gồm 1 TP trực thuộc TW, 8 TP trực thuộc tỉnh, 3 thị xã và 61 huyện có dân số 8,18 triệu người, với diện tích tự nhiên trên 38 km2 (chiếm 11,54% diện tích cả nước). GDP năm 2010 đạt gần 61 ngàn tỷ đồng (chiếm 11,03% so với GDP của cả nước). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2010 đạt gần 44.000 tỷ  đồng, trong đó có 2 địa phương đạt mức trên 12.000 tỷ đồng là TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên vẫn còn 4 tỉnh có mức thu ngân sách dưới 3.000 tỷ đồng.
 
7 tỉnh thành miền Trung liên kết cùng phát triển - 1
Cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), một trong những cảng quan trọng trong quá trình phát triển của nền kinh tế cả khu vực

Theo các lãnh đạo của các tỉnh thành trong khu vực, trong 2 thập niên qua, nhất là trong 10 năm gần đây, Đảng bộ và chính quyền mỗi địa phương trong vùng với khát vọng vươn lên đã có những nổ lực mạnh mẽ, chủ động khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, thu hút đầu tư, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.

Những nỗ lực trong thời gian qua đã mang lại những kết quả khá ấn tượng, thậm chí là kết quả vượt bậc trên nhiều lĩnh vực; có những bước phát triển khởi sắc và thay đổi quan trọng bộ mặt của chuỗi đô thị duyên hải theo hướng hiện đại.

Tuy nhiên, quá trình phát triển vừa qua cũng cho thấy, nếu chỉ dựa vào “lợi thế tĩnh” về điều kiện tự nhiên mỗi địa phương có được để thực hiện chính sách ưu đãi kêu gọi đầu tư mà thiếu sự liên kết để tạo ra “lợi thế động” nhằm tối ưu hóa nguồn lực hữu hạn thì sẽ khó có thể nâng cao sức cạnh tranh của toàn vùng.

Với sự quy hoạch phân bố lực lượng sản xuất theo mô hình cơ cấu kinh tế tỉnh dẫn đến sự phân tán nguồn lực và thiếu sự liên kết để giải quyết những vấn đề chung của bài toán phát triển đã và đang đặt ra khá gay gắt đối với mỗi địa phương.

Do đó, lãnh đạo các tỉnh thành trên đã thống nhất về sự cần thiết xây dựng và thực thi các chính sách và cơ chế liên kết phát triển chung của cả vùng, bảo đảm sự phát triển nhanh và bền vững, để cùng cả nước  thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, hướng tới tương lai một vùng duyên hải phồn vinh của đất nước.
 
7 tỉnh thành miền Trung liên kết cùng phát triển - 2
Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi), “trái tim” về ngành công nghiệp hóa dầu trong khu vực

Các đại biểu các tỉnh thành trong khu vực cũng thống nhất các nội dung liên kết như điều chỉnh quy hoạch phát triển phù hợp với thế mạnh từng địa phương, xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông liên tỉnh và quốc tế, thiết lập không gian kinh tế du lịch vùng thống nhất; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; hợp tác huy động vốn đầu tư và xây dựng cơ chế chính sách để đầu tư phát triển chung cả vùng; phối hợp xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch toàn vùng….

Ngoài ra, lãnh đạo các tỉnh cũng kiến nghị trung ương xác định duyên hải miền Trung là địa bàn trọng điểm về kinh tế biển để có sự đầu tư nguồn lực thỏa đáng, bổ sung hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa vào vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, thí điểm cơ chế phát hành trái phiếu có sự bảo lãnh của Chính phủ, xây dựng tại miền Trung một ĐH quốc gia, bố trí các nguồn vốn đầu tư và chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hạ tầng giao thông, chỉ đạo sớm xây dựng chiến lược quốc gia về du lịch biển.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh sự chủ động có trách nhiệm của lãnh đạo bảy địa phương khi tổ chức hội thảo này, đồng thời ông ghi nhận các kiến nghị của hội thảo và có trách nhiệm báo cáo với Thủ tướng sau khi các tỉnh có kiến nghị chính thức.

Ông Phúc nhấn mạnh bốn hướng liên kết: phát triển kinh tế biển phải được xem là trọng tâm, tập trung và phân công trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; phát triển hạ tầng đi liền với phòng chống thiên tai, chống lũ, thoát lũ an toàn, đảm bảo hệ thống giao thông và cuối cùng là chú trọng bảo vệ môi trường.

Ông đề nghị để tính liên kết đi vào thực chất và hiệu quả, lãnh đạo các địa phương phải mạnh dạn hành động trên danh mục những vấn đề hợp tác cụ thể, lợi ích phù hợp và cần sự đồng thuận cao.

“Không có tình trạng “đánh trống bỏ dùi”. Một miền Trung đồng thuận, hợp sức với nhau là cách làm tốt nhất để đi đến cùng thắng lợi. Vì vậy, cần có một cơ quan điều phối trên tinh thần Chủ tịch luân phiên của sự liên kết này”, ông Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

 Công Bính