7 bất cập về thủ tục hành chính trong xây dựng
(Dân trí) - Bộ Xây dựng đã chỉ ra 7 bất cập về thủ tục hành chính của dự án khu đô thị mới, khu nhà ở, hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp. Đây là cơ sở để Chính phủ ban hành Nghị quyết về một số giải pháp cải cách thủ tục hành chính.
Thứ nhất, về thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng, hiện còn nhiều đô thị chưa phủ kín quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 nên thiếu cơ sở để quản lý, dẫn đến tình trạng phải thoả thuận về quy hoạch, kiến trúc, làm phát sinh thủ tục, mất nhiều thời gian, dễ dẫn đến tuỳ tiện, tiêu cực.
Khi thẩm định quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, thì lại chưa thực hiện cơ chế “một cửa”, chủ đầu tư phải đi lấy ý kiến của từng cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, môi trường, quốc phòng, hạ tầng kỹ thuật và các cơ quan có liên quan.
Thứ hai, các điều kiện để tổ chức đấu thầu, lựa chọn chủ đầu tư dự án theo quy định hiện nay khó thực hiện, nhất là quy định điều kiện về giá sàn tiền sử dụng đất; phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Thứ ba, việc đánh giá tác động môi trường làm thành 1 thủ tục riêng như hiện nay đang làm phát sinh thủ tục, tốn nhiều thời gian và chi phí cho các nhà đầu tư.
Thứ tư, thủ tục liên quan đến việc thu tiền sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 3 loại dự án trên chưa phù hợp thực tế, gây khó khăn cho nhà đầu tư.
Thứ năm, tại văn bản số 3803/BQP ngày 28/7/2006 của Bộ Quốc phòng “về việc quản lý các công trình xây dựng đảm bảo tĩnh không cho hoạt động bay, quản lý vạch ngang bảo vệ vùng trời” có yêu cầu đối với các công trình trong phạm vi quy định, chủ đầu tư phải xin ý kiến thoả thuận của Bộ Quốc phòng về chiều cao công trình.
Đây cũng là một thủ tục mà nhiều địa phương và các nhà đầu tư đề nghị cải tiến để cho chủ đầu tư cũng như cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng không phải đi xin thoả thuận của Bộ Quốc phòng cho từng công trình cụ thể.
Thứ sáu, theo quy định của Luật Đầu tư và Nghị định số 108/2006/NĐ-CP thì tất cả các dự án có vốn đầu tư từ 15 tỷ đồng trở lên (bao gồm cả dự án đầu tư trong nước, dự án có vốn đầu tư nước ngoài) đều phải làm thủ tục đăng ký đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
Đối với các dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện và các dự án từ 300 tỷ đồng trở lên thì phải làm thêm thủ tục thẩm tra trước khi cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
Trong quá trình rà soát thủ tục hành chính, làm việc với các địa phương, các nhà đầu tư, nhiều ý kiến đề nghị bỏ thủ tục đăng ký và cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với nhà đầu tư trong nước, chỉ nên áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài như trước đây.
Thứ bẩy, một số địa phương tự đặt ra các thủ tục hoặc yêu cầu chủ đầu tư phải làm không đúng với quy định của Chính phủ như: xác nhận ranh giới đất không có tranh chấp, khiếu kiện; thoả thuận về địa điểm của dự án; chấp thuận đề cương nhiệm vụ đồ án quy hoạch; chấp thuận lập nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng; chấp thuận về ranh giới, mốc giới và diện tích ô đất để lập quy hoạch...
Thậm chí còn yêu cầu chủ đầu tư đi xin ý kiến của nhiều cơ quan chuyên môn như: cấp điện, cấp nước, môi trường, phòng cháy chữa cháy, di tích lịch sử - văn hoá, tôn giáo, an ninh, quốc phòng...
Theo kết quả rà soát của Bộ Xây dựng, số lượng thủ tục của 3 loại dự án nêu trên vẫn còn tới khoảng 33 thủ tục/dự án và kéo dài tới 3 năm, trong đó có những thủ tục do địa phương tự đặt ra hoặc yêu cầu chủ đầu tư phải làm trái với quy định của Chính phủ.
Vì thế, việc chỉ ra những bất cập của bộ Xây dựng có ý nghĩa quan trọng cho việc ban hành Nghị Quyết về một số giải pháp trong cải cách thủ tục hành chính trong xây dựng.
Lan Hương