6 thành tựu nổi bật của ngoại giao kinh tế
(Dân trí) - Đánh giá công tác ngoại giao kinh tế đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận với 6 thành tựu nổi bật, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu công tác này cần phát triển hơn, phù hợp với tình hình thế giới.
Sáng 21/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên họp toàn thể về ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước, trong khuôn khổ Hội nghị ngoại giao lần thứ 32.
Việt Nam là điểm sáng để đầu tư, kinh doanh
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá sau Đại hội Đảng thứ XIII, công tác ngoại giao kinh tế có 6 thành tựu nổi bật.
Trong đó, Thủ tướng đánh giá cao công tác này đã liên tục đổi mới tư duy, thay đổi nhận thức, nắm chắc tình hình khu vực, thế giới, tiếp tục tham mưu cho Đảng, Nhà nước, xây dựng chính sách và thực hiện chính sách về ngoại giao kinh tế.
Ngoại giao kinh tế cũng kết hợp nhuần nhuyễn giữa sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy mạnh mẽ mối quan hệ giữa lấy nguồn lực bên trong với nguồn lực bên ngoài, từ đó, huy động nguồn lực để phát triển đất nước.
Thành tựu thứ ba được Thủ tướng đề cập là góp phần giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu, mang tính toàn dân như vấn đề đại dịch, vấn đề chống biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh năng lượng.
Cùng với đó, ngoại giao kinh tế góp phần quan trọng tạo môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển để huy động nguồn lực; thúc đẩy ngoại giao văn hóa, phát huy sức mạnh nội sinh của dân tộc với tinh thần "văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất, văn hóa soi đường cho quốc dân đi".
Đồng thời, thúc đẩy ngoại giao nhân dân, thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa người dân với người dân, lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm phục vụ; thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa các địa phương.
Từ những thành tựu trên, Thủ tướng yêu cầu thời gian tới, ngành cần kế thừa từ giai đoạn trước và phát triển lên nữa, phù hợp với tình hình thế giới và giai đoạn hiện nay.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh thời gian qua, các hoạt động đối ngoại diễn ra sôi động, rộng khắp các châu lục trên cả bình diện song phương và đa phương.
Cùng với đó, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam tiếp tục được nâng cao, khuôn khổ quan hệ với nhiều đối tác quan trọng được nâng lên tầm cao mới, mạng lưới quan hệ đối ngoại đã đạt được những bước phát triển mới về chất, củng cố vững chắc hơn cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi.
"Trong bối cảnh thế giới nhiều bất ổn, cộng đồng quốc tế coi Việt Nam là điểm sáng để đầu tư, làm ăn kinh doanh", Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
Theo ông Sơn, những thành quả từ hoạt động ngoại giao kinh tế sôi động trong 3 năm qua đã mang lại cho ngành ngoại giao nhiều bài học quý. Đó là luôn bám sát đường lối đối ngoại Đại hội XIII, chiến lược và định hướng phát triển đất nước, đồng thời nhạy bén, kịp thời điều chỉnh, bổ sung những vấn đề mới phát sinh.
Lãnh đạo Bộ Ngoại giao cũng nhắc đến bài học về giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, sáng suốt đánh giá diễn biến tình hình quốc tế và trong nước, "biết thời, biết thế", "biết mình, biết người", biết tranh thủ thời cơ, hành động quyết liệt, hóa giải thách thức, "biến nguy thành cơ".
Xu hướng phát triển của thị trường Mỹ và Trung Quốc
Nhận định kinh tế thế giới đang chứng kiến những xu hướng phát triển mới mà các quốc gia, địa phương và doanh nghiệp đều phải thích ứng, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng chỉ ra 3 xu hướng nổi trội mà Chính phủ và doanh nghiệp Mỹ đang quan tâm.
Thứ nhất, xu hướng toàn cầu hóa, liên kết kinh tế thế giới đang thay đổi theo hướng tăng tính linh hoạt trong hợp tác thương mại, theo nhóm, theo khối, bảo hộ thương mại nhiều hơn.
Theo ông Dũng, doanh nghiệp đang tiếp tục dịch chuyển chuỗi cung ứng, sản xuất tới các quốc gia thân thiện, nội khối; tăng khả năng tự lực, tự cường trong nước để tăng khả năng ứng phó.
Thứ hai, xu hướng xanh hóa gắn với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng.
Thứ ba, kinh tế số, chuyển đổi số sẽ trở thành công cụ hỗ trợ, nâng cao năng lực chống chịu, hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng, tăng hiệu suất chất lượng hiệu quả, đây cũng là động lực tăng trưởng mới bao trùm và bền vững hơn.
"Những xu hướng mới đòi hỏi các quốc gia, các khu vực không thể đứng riêng lẻ mà cần sự hợp tác, chia sẻ lợi ích, rủi ro ngày càng cao", Đại sứ chỉ rõ.
Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng cũng cho biết doanh nghiệp tại Mỹ thường ưu tiên cao sự ổn định, theo dõi sát và nhạy bén về chính trị. Hiện, nhiều doanh nghiệp Mỹ quan tâm vào các lĩnh vực mới nổi như năng lượng tái tạo, chất bán dẫn, năng lượng xanh…
"Cùng với đó, các doanh nghiệp Mỹ thường có xu hướng hợp tác, đi cùng nhau để cùng tạo một quần thể hệ sinh thái hoàn chỉnh, thuận lợi về cơ sở hạ tầng, logistics, nguồn nhân lực, năng lượng, phong phú, ổn định…", ông Dũng nói.
Chia sẻ về thị trường Trung Quốc, Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á (Bộ Ngoại giao) Phạm Thanh Bình, dẫn thông tin Hội nghị công tác Kinh tế Trung ương Trung Quốc vừa qua đặt ra những định hướng lớn về yêu cầu, nhiệm vụ cho năm 2024.
Trong đó, Trung Quốc chú trọng hơn việc bảo đảm tăng trưởng và phát triển, xác định "lấy phát triển để bảo đảm ổn định", lần đầu tiên đưa ra chủ trương "xây trước phá sau".
Ông Bình nhìn nhận triển vọng kinh tế và những điều chỉnh chính sách của Trung Quốc có thể tác động thuận nghịch đan xen tới kinh tế Việt Nam.
Dựa trên việc phân tích những tác động, Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á kiến nghị một số giải pháp như tích cực mở rộng thị trường xuất khẩu các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh (nông, thủy, hải sản), nhất là tại các địa phương còn nhiều tiềm năng chưa khai thác của Trung Quốc như miền Trung, miền Bắc, Đông Bắc, Hoa Đông...
Về du lịch, ông Bình kiến nghị thúc đẩy triển khai hiệu quả Kế hoạch hợp tác văn hóa - du lịch Việt Nam - Trung Quốc giai đoạn 2023-2027; khẩn trương triển khai các chương trình quảng bá, xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp nhu cầu, thị hiếu đa dạng của du khách Trung Quốc trong giai đoạn mới hậu Covid-19.
Về đầu tư, ông Bình nhìn nhận vốn FDI của Trung Quốc vào Việt Nam gần đây có những cải thiện, song nhìn chung vẫn chưa có những dự án quy mô lớn, mang tính biểu tượng.
"Trong bối cảnh Trung Quốc có nhu cầu đầu tư đi ra bên ngoài, ta cần tăng cường thống nhất nhận thức trong nội bộ, sớm xác định một số dự án hợp tác cụ thể, phù hợp với nhu cầu, tiêu chuẩn của ta mà Trung Quốc có ưu thế, như cơ sở hạ tầng chiến lược, công nghiệp phụ trợ, năng lượng xanh, năng lượng tái tạo để trao đổi, thúc đẩy hợp tác...", ông Phạm Thanh Bình nhấn mạnh.