1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

6 chiến lược y tế để TPHCM kiểm soát dịch Covid-19 trong thời gian tới

Q.Huy

(Dân trí) - Từ những bài học, kinh nghiệm, hạn chế trong suốt thời gian qua, TPHCM đã rút ra 6 chiến lược trọng tâm trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn.

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, vừa ký quyết định phê duyệt chiến lược y tế trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn. Từ những bài học, kinh nghiệm, hạn chế trong suốt thời gian qua, TPHCM đã rút ra 6 chiến lược trọng tâm trong giai đoạn mới.

Chiến lược bao phủ vaccine phòng Covid-19 đến từng người dân trên địa bàn được coi là chiến lược then chốt trong công tác phòng, chống, ngăn chặn dịch Covid-19. Với chiến lược này, TPHCM hướng tới mục tiêu đạt độ bao phủ vaccine Covid-19 tuyệt đối nhất, hiệu quả cao cho người dân, cộng đồng, đặc biệt những người thuộc nhóm nguy cơ cao.

6 chiến lược y tế để TPHCM kiểm soát dịch Covid-19 trong thời gian tới - 1

TPHCM đặt mục tiêu phủ vaccine Covid-19 tuyệt đối cho người dân (Ảnh: Hải Long).

Trong chiến lược này, thành phố sẽ ưu tiên tiêm vaccine cho người dân quay về địa bàn từ địa phương khác. Các lực lượng sẽ "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để không bỏ sót bất kỳ ai, nhất là người thuộc nhóm nguy cơ cao.

Ngoài ra, TPHCM sẽ xây dựng dữ liệu lớn về tiêm vaccine phòng Covid-19, tăng cường truyền thông, vận động người dân tham gia tiêm chủng. TPHCM đặt mục tiêu mở rộng độ phủ vaccine Covid-19 cho trẻ em đến 3 tuổi và triển khai tiêm mũi tăng cường.

Chiến lược thứ 2 là kiểm soát dịch Covid-19 trong giai đoạn bình thường mới. TPHCM chia chiến lược này thành 4 chiến lược thành phần gồm xét nghiệm Covid-19 trong tình hình mới, nâng cao năng lực giám sát và cảnh báo dịch, xử lý ổ dịch, hạn chế lây lan, giám sát lưu hành và sự xuất hiện của biến chủng mới.

Trong đó, TPHCM sẽ tăng cường giám sát dịch Covid-19 qua việc xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm và tập trung vào nhóm nguy cơ. Chỉ số đánh giá năng lực giám sát của hệ thống y tế công cộng là trên 4 người được lấy mẫu xét nghiệm/1.000 dân/tuần. 

Bên cạnh đó, TPHCM sẽ áp dụng các loại test nhanh kháng nguyên trong xét nghiệm chẩn đoán trường hợp nghi ngờ, điều tra dịch tễ. Các kỹ thuật xét nghiệm mới sẽ được áp dụng.

Chiến lược thứ 3 là quản lý, chăm sóc F0 tại nhà. TPHCM sẽ chủ động phát hiện, cập nhật danh sách F0 và người thuộc nhóm nguy cơ cao; hài hòa giữa cách ly điều trị tại nhà và cách ly điều trị tập trung; mỗi F0 tại nhà sẽ có một hồ sơ bệnh án điện tử; huy động mọi nguồn lực tham gia quản lý và chăm sóc F0 tại nhà.

6 chiến lược y tế để TPHCM kiểm soát dịch Covid-19 trong thời gian tới - 2

TPHCM cần củng cố hệ thống quản lý F0, nhóm người nguy cơ cao mắc Covid-19 (Ảnh: Hải Long).

Để thực hiện được mục tiêu trên, ngành y thành phố cần củng cố hệ thống thông tin quản lý chuỗi lây nhiễm, người cách ly, người mắc Covid-19 cùng các kênh thu thập thông tin. Các cơ sở thu dung, điều trị sẽ được thành lập trên từng quận, huyện, thành phố Thủ Đức và khu chế xuất, khu công nghiệp.

Chiến lược thứ 4 là điều trị F0 tại bệnh viện. Tất cả cơ sở điều trị trên địa bàn cần trong trạng thái tiếp nhận người bệnh; áp dụng khoa học kỹ thuật vào điều trị; đánh chặn từ xa kết hợp với phương châm 4 tại chỗ.

TPHCM sẽ đảm bảo các bệnh viện vừa chữa bệnh thông thường và điều trị Covid-19 thông qua mô hình "bệnh viện chị em".

Chiến lược thứ 5 là truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân, cộng đồng trong phòng, chống dịch Covid-19. Các đơn vị cần thực hiện truyền thông đa phương thức; thông điệp truyền thông phù hợp cho từng nhóm đối tượng; đa dạng hóa nguồn lực tham gia công tác truyền thông.

Chiến lược thứ 6 là nâng cao năng lực phòng, chống dịch. Thành phố sẽ củng cố, nâng cao năng lực của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật nâng tầm các nước trong khu vực; nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong dự báo; phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các địa phương và phát huy hiệu quả giữa y tế và lực lượng vũ trang, huy động sự tham gia của y tế tư nhân.

Các mô hình mạng lưới Trạm Y tế - Trạm Y tế lưu động - Tổ Y tế lưu động - Tổ Covid-19 sẽ được hình thành. Đồng thời, TPHCM cũng xây dựng các chính sách đặc thù nhằm thu hút nhân lực cho hệ thống y tế cơ sở.