1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

50 triệu liều vắc xin về Việt Nam trong tháng 9 và 10

Phương Thảo

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết, trong tháng 9 và 10, dự kiến có 50 triệu liều vắc xin về Việt Nam từ các nguồn khác nhau.

Đây là thông tin được lãnh đạo Bộ Ngoại giao nêu tại cuộc họp báo Chính phủ tối 6/9/2021.

Cụ thể, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh, tiếp cận vắc xin là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ nhằm phục hồi sản xuất, duy trì chuỗi cung ứng cho nền kinh tế.

50 triệu liều vắc xin về Việt Nam trong tháng 9 và 10 - 1

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ thông tin về thành quả hoạt động ngoại giao vắc xin (Ảnh: Nguyễn Quân).

16 triệu liều vắc xin được giao trong tháng 8

Thực tế thời gian qua, việc tiếp cận nguồn vắc xin phòng Covid-19 khó khăn không chỉ với Việt Nam mà đó là tình trạng chung trên toàn cầu do "cung không đủ cầu".

Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nêu con số chứng minh cho vấn đề trên. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2021, thế giới cần 11 tỷ liều vắc xin để đạt miễn dịch cộng đồng, nhưng lượng sản xuất mới đạt 4,5 tỷ liều, do đó tạo nên tình trạng khan hiếm.

Thứ trưởng Ngoại giao khẳng định, Việt Nam triển khai quyết liệt chiến lược vắc xin, đẩy mạnh ngoại giao vắc xin để tiếp cận nhanh nhất, nhiều nhất, sớm nhất.

Thành quả của hoạt động ngoại giao vắc xin, cho tới nay, ông Vũ thông tin, nếu đầu tháng 8, Việt Nam huy động 16,6 triệu liều, thì cuối tháng 8 có 33 triệu liều.

Dự kiến, trong tháng 9 có khoảng 16-17 triệu liều vắc xin nữa sẽ về tới Việt Nam. Tính chung trong 2 tháng tới sẽ có khoảng 50 triệu liều từ các nguồn khác nhau có thể được bàn giao cho Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ, ngoài vắc xin, Việt Nam cũng tìm kiếm nhiều loại thuốc đặc trị, nhập khẩu nhiều triệu liều thuốc từ các nước Nhật Bản, Ấn Độ, Thụy Sỹ… Thuốc đặc trị đã phát huy vào việc bảo vệ sức khỏe cộng động.

Bên cạnh đó, Tổ công tác vắc xin cũng đẩy mạnh tiếp cận các trang thiết bị y tế. Đến nay có 17 nước và vùng lãnh thổ, kể cả kiều bào ở nước ngoài đã hỗ trợ hàng triệu thiết bị y tế trị giá hàng triệu USD.

"Việt Nam đã có 660 máy thở, 600 máy tạo oxy, hàng tấn trang thiết bị và sinh phẩm y tế đã chuyển về Việt Nam", ông Vũ thông tin.

Phấn đấu 15/9 cả nước kiểm soát được dịch

50 triệu liều vắc xin về Việt Nam trong tháng 9 và 10 - 2

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì cuộc họp báo tối 6/9/2021 (Ảnh: Nguyễn Quân).

Cũng tại cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn thông tin, trong phiên họp thường kỳ tháng 8 hôm nay, Chính phủ nhấn mạnh công tác phòng chống dịch. Đánh giá chung, Chính phủ nhận định, việc chống dịch đang được triển khai rất quyết liệt với phương châm "mỗi phường, xã, thị trấn là một pháo đài", "mỗi người dân là một chiến sĩ".

Đúc kết hoạt động, Thủ tướng đã nhấn mạnh phương châm: Giãn cách xã hội là quyết định; thần tốc xét nghiệm trên diện rộng là then chốt; điều trị giảm tử vong là ưu tiên hàng đầu; bảo đảm an sinh xã hội là trọng yếu; vắc xin, thuốc điều trị là chiến lược; bảo đảm an dân, an ninh, trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ quan trọng.

Thủ tướng quán triệt "bảo vệ vững chắc vùng xanh", "xanh hóa vùng vàng", "thu hẹp vùng đỏ".

Chính phủ dự báo tình hình dịch trên thế giới còn phức tạp, kinh tế toàn cầu phục hồi nhưng còn rủi ro, khó khăn kéo dài. Để đạt mục tiêu phát triển, người phát ngôn Chính phủ cho biết, Thủ tướng nêu rõ trước hết cần ưu tiên cao nhất cho chống dịch, đồng thời phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương xây dựng kịch bản phục hồi kinh tế trong bối cảnh đã bao phủ vắc xin.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu nhiều nhiệm vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Đối với các địa phương giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhất là tại TPHCM và một số tỉnh phía Nam, Thủ tướng yêu cầu thực hiện giãn cách nghiêm ngặt hơn, ưu tiên tiêm vắc xin, điều trị hiệu quả để sớm kiểm soát tình hình dịch bệnh, không để lây lan, giảm thiểu tử vong, bảo đảm an sinh xã hội.

Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, Thủ tướng nêu mục tiêu phấn đấu đến 15/9 cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh ở tất cả địa phương.

Trong phiên họp thường kỳ tháng 8, Thủ tướng nhắc lại quan điểm chỉ đạo, cả nước phải hy sinh nhiều lợi ích khi thực hiện giãn cách xã hội; các lực lượng và người dân rất vất vả, khó khăn nên phải làm thật nghiêm, thật chặt để đạt mục tiêu, để sự vất vả, hy sinh này không vô nghĩa.