1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

50 năm Hải quân Việt Nam đánh thắng trận đầu:

45 phút giữ đường dây liên lạc trong tiếng máy bay gầm rít

(Dân trí) - Nghe tiếng máy bay gầm rít, bắn rốc két, mặc dù không phải ngày trực của mình nhưng chị Thủy vẫn chạy lên hỗ trợ đồng nghiệp giữ vững đường dây liên lạc giữa đài chỉ huy sở với các đơn vị chiến đấu.

Chúng tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Thu Thủy trên đường Trưng Nữ Vương (TP Đà Nẵng) khi cả nước đang có nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm Hải quân Việt Nam đánh thắng trận đầu. Ký ức về 45 phút giữ vững đường dây liên lạc cho các đơn vị nhận lệnh, truyền lệnh, chỉ huy chiến đấu khi quân Mỹ đưa máy bay ra bắn phá miền Bắc như sống dậy trong ký ức người phụ nữ đã 71 tuổi.
Bà Thủy lúc còn trẻ
Bà Thủy lúc còn trẻ

Cô gái Nguyễn Thị Thu Thủy quê ở Yên Khánh, Ý Yên, Nam Định. Năm 1961, Thủy công tác ở tổng đài đội cầu 1, thuộc Tổng cục Đường sắt Việt Nam đóng tại Uông Bí. Nhiệm vụ của cô là phụ trách bộ phận thông tin truyền thông. Năm 1962, sau khi học trường trung cấp Bưu điện Hà Nam, cô được phân công về Bưu điện Bãi Cháy và là tự vệ của bưu điện. Thời điểm đó, Bưu điện Bãi Cháy toàn là chị em phụ nữ. Nhận định trước sau gì Mỹ cũng dựng lên “Sự kiện vịnh Bắc Bộ” để tiến hành leo thành đánh phá miền Bắc nên ở trên đã quán triệt tư tưởng mọi người luôn sẵn sàng chiến đấu. Đặc biệt là những nhân viên của ngành bưu điện bằng mọi giá phải đảm bảo thông tin liên lạc được thông suốt.
Bà Thủy xem lại những kỷ niệm khi làm nhân viên bưu điện 

Bà Thủy xem lại những kỷ niệm khi làm nhân viên bưu điện  “Chiều ngày 5/8/1964, mọi người trong bưu điện vẫn làm việc bình thường. Chị Vi Thị Mến đang trực tổng đài trên gác 2, còn tôi và cùng với chị Trịnh Thị Yên chia báo, công văn cho các đơn vị ở Bãi Cháy chiều đến lấy. Đến khoảng 13h30, chúng tôi nghe tiếng máy bay của địch bắn rốc két ầm ầm. Mọi người đều chạy xuống hầm để ẩn trú nhưng tôi đã xác định từ trước phải luôn sẵn sàng chiến đấu nên chạy lên tổng đài nói với chị Vi Thị Mến để tôi trực chính cho vì chị Mến mới ra trường cho có kinh nghiệm. Lúc này, bầu trời vang lên tiếng gầm rú của máy bay địch, tiếng ầm ầm của đạn rốc két bắn xối xả vào các mục tiêu nơi bên cảnh và tiếng pháo không quân của ta, tiếng súng trường của dân quân tự vệ Bãi Cháy, Hòn Gai bắn lên không nghe được gì cả. Tôi phải chạy đến đóng tất cả các cửa sổ lại. Đồng thời lúc này, tín hiệu yêu cầu liên lạc của lãnh đạo tỉnh, tỉnh đội Quảng Ninh, quân khu Đông Bắc, căn cứ 1 Hải quân Việt Nam và các đơn vị phòng không bảo vệ cảng yêu cầu được kết nối máy để nhận lệnh, truyền lệnh và chỉ huy chiến đấu”, bà Thủy kể. Lúc bấy giờ, theo quy định, ai không có nhiệm vụ thì phải xuống hầm, nếu để bị thương sẽ bị kỷ luật. Nhưng lúc đó tôi không nghĩ đến chuyện giữ an toàn cho mình mà chỉ nghĩ phải làm thế nào để có thể giữ thông tin liên lạc được nhanh và kịp thời. Thời ấy, các thiết bị liên lạc còn lạc hậu, muốn các đơn vị liên lạc được với nhau phải qua thao tác của nhân viên tổng đài, không quay trực tiếp được như bây giờ.
Bà Thủy xem lại những kỷ niệm khi làm nhân viên bưu điện 

Chị Thủy (người cầm điện thoại) và chị Mến đang làm nhiệm vụ giữ thông tin liên lạc khi Mỹ đưa máy bay đánh phá miền Bắc ngày 5/8/1965
“Để các đơn vị gọi được cho nhau mình phải tiếp phích nhanh và chính xác. Những lúc tiếng ồn quá lớn không nghe được tôi phải áp sát tai nghe vào tai mới nghe được. Thậm chí, có những mệnh lệnh được truyền đi nhưng do tiếng ồn mà người ra lệnh không trực tiếp truyền đạt lại cho người nhận thì tôi phải nghe và truyền lại và ngược lại”, bà Thủy kể tiếp. Cứ thế,  mặc cho máy bay địch lồng lộn, điên cuồng, giữa tiếng súng của ta và địch nhưng cả chị Thủy và chị Mến vẫn bình tĩnh, gan dạ làm nhiệm vụ giữ vững thông tin liên lạc giữa đài chỉ huy sở với các đơn vị chiến đấu. Cho đến khi máy bay địch rút hết khỏi miền Bắc và chị Thủy xong nhiệm vụ là 45 phút. “Tổng đài bưu điện của chúng tôi lúc bấy giờ khác nào như quả tim truyền máu đi các cơ thể và nhận lại máu ở các đơn vị đưa về. Nếu một tia máu bị ngừng có thể bị nguy hiểm đến cả toàn thân”, bà Thủy nói. Để ghi nhận sự đóng góp của bà Thủy, ngày 2/9/1964, bà là 1 trong những thanh niên của tỉnh đoàn Quảng Ninh được gặp Bác Hồ và được Người gắn huy hiệu đoàn tại Phủ Chủ tịch. Bà cũng được Hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tặng bằng khen vì đã có thành tích tương trợ bạn cao, thấy bạn đồng nghiệp mới đã xung phong giúp đỡ bạn, đảm bảo giữ vững đường dây liên lạc nhanh và kịp thời. Khánh Hồng