43 người đứng đầu bị kết luận thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng

Thế Kha

(Dân trí) - "Có 43 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Phát hiện 51 vụ việc, 83 người liên quan đến tham nhũng".

Theo báo cáo tổng kết năm 2021 của Thanh tra Chính phủ, toàn ngành đã triển khai trên 6.800 cuộc thanh tra hành chính và 177.245 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế trên 179.000 tỷ đồng, 9.258 ha đất. Đồng thời kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 2.341 tập thể và 6.244 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 437 vụ và 259 đối tượng.

Toàn ngành thanh tra đã kiểm tra trên 10.300 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch và phát hiện 251 đơn vị vi phạm.

"Có 43 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Phát hiện 51 vụ việc, 83 người liên quan đến tham nhũng"- Thanh tra Chính phủ cho hay.

43 người đứng đầu bị kết luận thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng - 1

(Ảnh minh họa).

Cơ quan này thừa nhận, tình hình khiếu nại, tố cáo có xu hướng giảm nhưng vẫn còn phức tạp. Một số địa phương chưa giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài, còn tình trạng công dân khiếu kiện đông người lên trung ương.

Tình trạng "tham nhũng vặt", nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn hiệu quả. Tham nhũng vẫn còn diễn biến phức tạp ở nhiều lĩnh vực. Một số cán bộ, công chức thanh tra chấp hành kỷ cương, kỷ luật chưa tốt.

Thanh tra Chính phủ cho biết năm 2022 sẽ tăng cường thanh tra công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực quan trọng của các ngành, các cấp và thanh tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là các ngành, lĩnh vực, địa phương có dấu hiệu, xảy ra vi phạm, có dư luận xã hội phản ánh về tiêu cực, tham nhũng, phát sinh nhiều đơn thư.

Hoạt động thanh tra chuyên ngành tập trung vào những nội dung, vấn đề gây bức xúc trong đời sống xã hội, các vi phạm pháp luật và chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành, tuân thủ pháp luật.

"Xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật đối với tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật. Đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, tăng tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản do vi phạm, tiêu cực, tham nhũng"- cơ quan này nhấn mạnh.